1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc chiến Xô-Đức ngay trong Điện Kremlin

Cách đây 60 năm - ngày 9/9/1955, Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức Konrad Adenauer đã đến Matxcova.

Sau đó tại Điện Kremlin ( từ 9 đến 13/9/1955) đã diễn ra những cuộc đàm phán căng thẳng và kịch tính cho đến phút chót về số phận của những tù binh Đức còn lại trên lãnh thổ Liên Xô và về việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù. Xin giới thiệu với bạn đọc một số tình tiết về sự kiện này.

Cuộc chiến Xô-Đức ngay trong Điện Kremlin - 1

Konrad Adebauer (bên phải), Nhikolai BuLganhin (bên trái), Điện Kremlin -Matxcova 1955. (Ảnh: AP/TASS)

Đón Thủ tướng CHLB Đức và các thành viên phái đoàn tại sân bay Vnukovo có Bí thư thứ nhất TW ĐCS Liên Xô Nhikita Khrushev, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nhikolai Bulganhin, Bộ trưởng Ngoại giao Viacheslav Molotov. Đây là cuộc gặp thượng đình Xô- Đức (CHLB Đức) đầu tiên kể từ năm 1939. Bên đưa ra sáng kiến tổ chức cuộc gặp này là Liên Xô.

Sứ mệnh quan trọng nhất

Trong số các thành viên phái đoàn Xô Viết ra đón tại sân bay, các vị khách chú ý nhất đến V. Molotov vì 16 năm trước đó ông này cũng đã từng đón Bộ trưởng ngoại giao Đế chế thứ ba Joachim von Ribbentrop tại chính Vnukovo.

Phái đoàn Đức được bố trí trong khách sạn “ Xovietskaia”. Nhưng do sợ bị cài đặt các thiết bị nghe trộm nên các thành viên phái đoàn thường xuyên họp tại salon của một đoàn tàu chở các phóng viên từ Đức tới. Và cũng để tránh bị rò rỉ thông tin, xe ô tô của K.Adenauer cũng được đưa tới từ Bonn.

Cuộc gặp thượng đỉnh Xô- Đức tại Matxcova thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Nhưng có lẽ những người quan tâm nhiều nhất chính là các tù binh Đức đang còn ở Liên Xô. Nhiệm vụ chủ yếu của phái đoàn Đức trong chuyến công du này là đưa những cựu sỹ quan và binh lính của Đế chế trở về cố quốc. Đã 10 năm trôi qua sau chiến tranh.

Mấy ngày trước chuyến thăm Matxcova của K.Adenauer, có một trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Liên Xô và đội tuyển CHLB Đức. Trận đấu được tưởng thuật trực tiếp trên đài phát thanh và các tù binh Đức cũng được nghe buổi tường thuật . Khi quốc ca Đức được cử lên, tất cả các tù binh trong phòng bật dậy đứng nghiêm. Một số đã khóc.

“Tù binh Đức làm việc trên các công trình xây dựng”

Năm 1950, TASS ra thông báo chính thức: “Về việc kết thúc công tác trao trả tù binh Đức”, nêu rõ: “ đã phóng thích và trả về Đức 1.939.063 tù binh Đức, 13.532 còn ở lại Liên Xô vì bị kết tội là tội phạm chiến tranh hoặc đang bị điều tra, 14 người còn ở lại vì các lý do bệnh tật”.

Nhưng tất nhiên, người Đức không tin vào các số liệu này của Liên Xô, họ có số liệu riêng của mình. Theo danh sách của Đức, tại Liên Xô lúc này còn hơn 28.000 tù binh Đức. Nhưng vấn đề trao trả họ đã bị treo nhiều năm, - bởi vì đến thời điểm đó giữa Liên Xô và LB Đức không có bất kỳ mối quan hệ nào.

Mãi đến năm 1955, một số động thái nhằm giải quyết vấn đề này mới được triển khai. Ngày 25/1/1955, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô ra sắc lệnh: “Về việc chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa Liên Xô và Đức”, - chính thức xác nhận mối quan hệ hòa bình giữa hai nước. Dĩ nhiên, vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đến lúc này cũng đã chin muồi.

Một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành ở Tây Đức mùa hè năm 1955 cho thấy là có tới 93% người dân CHLB Đức ùng hộ các cuộc đàm phán với Liên Xô. Liên Xô tuy không tiến hành một cuộc thăm dò dư luận như vậy, nhưng có lẽ thái độ của dân Liên Xô đối với nước Đức đến lúc đó cũng không còn quá thù địch. Mặc dù tất cả còn nhớ (mới đúng 10 năm) những gì mà quân Đức đã gây ra trên lãnh thổ Xô Viết .

Những người tù binh Đức lao động – và lao động rất tận tụy, tại nhiều nơi trên đất Liên Xô. Họ làm đường, tham gia vào việc khôi phục nhà máy thủy điện Dnhepr và Donbass, xây dựng các nhà máy, xây dựng BAM (tuyến Baikal- Amur). chế tạo động cơ turbin phản lực đầu tiên. Tại Matxcova đến bây giờ vẫn còn rất nhiều công trình xây dựng do chính tay người Đức làm nên – như ở đại lộ Lenin, Tushina, Shukina, Izmailov và v.v .

Người Đức làm việc theo đúng tinh thần Đức: thường vượt định mức 130%. Tuy nhiên, sự nhiệt tình của họ không chỉ do hăng say lao động, mà còn vì một lý do rất đời thường nữa - đói. Những “cá nhân lao động tiên tiến” được nhận thêm 100 gr bánh mì và có quyền mua thuốc lá.

Những người Đức khéo tay ngoài thời gian lao động còn làm thêm dao kéo, bếp dầu, đèn khò ..- tất cả những gì họ làm được đều đem đổi lấy đồ ăn. Cũng còn một nguyên nhân rất quan trọng nữa khiến những người Đức rất tích cực làm việc – họ muốn lấy sức lao động của mình để đổi lấy tự do.

Trong số họ không chỉ có công nhân, mà còn nhiều kỹ sư (được phân công làm việc theo đúng chuyên nghành) các nhà bác học. Ví dụ, như tiến sỹ hóa học Liubenger, giáo sư Habel – họ đã có nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng tại Liên Xô.

Cũng không chỉ có các tù binh còn ở lại trên đất Xô Viết. Có cả những người “quyết không trở lại” – tức là cưới vợ Nga. Đối với các bà vợ Nga của những người này thì đây không phải là một phương án tồi – nhiều muzik Nga của mình đã ra mặt trận và bị chiến tranh cướp đi, không những thế - người Đức là những người chăm chỉ lao động, không nhậu nhẹt, rất thực tế – họ mang về nhà tất cả những gì làm được.

Ngắm chân dung K. Mars

Ngay trong cuộc gặp đầu tiên, K.Adebauer đã nói tõ mục đích chính của phái đoàn Đức: “ Xin cho phép tôi được bắt đầu từ vấn đề trả tự do cho những người Đức hiện đang bị giam giữ trên lãnh thổ Liên Xô hoặc tại các nước chịu ảnh hưởng của Liên Xô. Tôi đưa vấn đề này ra đầu tiên bởi vì nó đụng chạm đến tất cả các gia đình Đức, không có ngoại lệ ..”.

Buổi tối hôm đó, phái đoàn Đức được mời tới Nhà hát lớn xem vở ba lê “ Romeo và Juliet” có sự tham gia biểu diễn của ngôi sao ba lê Galina Ulanova. Năm 1939, cũng chính tại Nhà hát này Ribbentrov cũng đã xem vở ba lê “Romeo và Juliet”,- cũng có Galina Ulanova, vị Bộ trưởng ngoại giao Đế chế thứ ba Ribbentrop đã rất ngưỡng mộ Ulanova và tặng cô một lẵng hoa rất lớn.

Thủ tướng K.Adenauer cũng rất thích buổi biểu diễn – cái đẹp của nghệ thuật ba lê Nga đã khiến ông này xúc động đến nỗi nắm tay N.Khrushov và thân ái đặt tay mình lên bờ vai N. Bulganhin.

Trong cuộc gặp chính thức Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô Kliment Voroshilov, để làm cho không khí trở nên gần gũi hơn, K.Adenauer cho biết là đã ngắm chân dung K. Mars và ông cũng là người quê Rhine đồng hương với K.Mars. Nhân tiện cũng có nói là quen thân với cháu của F. Engels , một nhà tư bản lớn.

Nhưng đến cuộc gặp ngày hôm sau, Thủ tướng Đức lại nói về vấn đề tù binh. N.Bulgarin phản đối và nói rằng – đây là sự hiểu nhầm: “Tại Liên Xô không còn một người tù binh Đức nào. Tất cả người Đức đã được phóng thích và trả về Đức. Chỉ còn những tên tội phạm chiến tranh trên lãnh thổ Liên Xô …”

Không khí cuộc hội đàm bắt đầu nóng lên. Khi phía Liên Xô nhắc lại những tội ác của chế độ phát xít, K. Adenauer đã hỏi lại một cách cay độc: “ Thế ai đã giúp củng cố chế độ đó? Ai đã người đã ký hiệp ước với Hitler: các ngài hay là tôi ?”, ông cũng nhấn mạnh thêm là trong thời gian Quân đội Xô Viết xâm nhập lãnh thổ Đức - đã xảy ra “những vụ việc khủng khiếp”.

N. Khrushev vốn nóng tính và theo cách diễn đạt của người Nga thì không cần mất quá nhiều thời gian để không còn kiểm soát được bản thân mình, đã giơ nắm đấm về phía K.Adenauer và hét lên:

“ Những người đó giờ đã nằm trong quan tài cả rồi! không phải chúng tôi có lỗi, không phải chúng tôi đã vượt biên giới, chúng tôi không khởi động chiến tranh trước ”. Thủ tướng Đức cũng nóng không kém và cũng giơ nắm đấm về phía N. Khrushev.

Trò chơi hai mặt kết thúc

Các cuộc đàm phán rơi vào ngõ cụt. Nhưng người Đức không muốn, thực ra là không thể rời Matxcova với hai bàn tay trắng. Lúc này thì K.Adenauer quyết định xử lý theo kiểu khác – ông ra lệnh cử máy bay đến Matxcova đón ông. Nhưng bức điện không được mã hóa. Dĩ nhiên, Kremlin biết được kế hoạch của các vị khách và cảnh giác đề phòng.

Bước đột phá chỉ xảy ra tại lần gặp áp chót, trong bữa tiệc chiêu đãi tổ chức tại phòng Georgiev trong Điện Kremlin. Thủ tướng K.Adenauer để ý thấy là nhân viên phục vụ rót “ rượu” cho N.Bulganhin và N. Khrushev từ một cái chai riêng.

Ông đề nghị nhân viên phục vụ đó cũng rót cho ông một chút từ chiếc chai đó. Hóa ra, “ rượu” rót cho Khrushov và Bulganhin là.. nước lọc. Sau đó K.Adenauer đề nghị : “ Hoặc là tất cả chúng ta cùng uống rượu, hoặc là cùng uống nước lọc. Không nên chơi trò hai mặt nữa”.

Khi đề cập đến vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao, Người Đức bắt đầu đặt điều kiện – họ quan tâm đến việc Đức sẽ nhận được gì nếu thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau một loạt những lời đề nghị nâng cốc, N.Bulganhin kéo K. Adenauer ra một góc phòng, làm ra vẻ không biết gì và hỏi K.Adenauer mục đích cuối cùng của chuyến thăm của phái đoàn Đức là gì.

Lúc đó thủ tướng Đức lại nói về trả tù binh và cho biết là không thể bình thường hóa quan hệ giữa hai nước nếu không trả hết tù binh. Ông thủ tướng lúc đó nghĩ rằng chắc người Nga lại tỏ ra cứng rắn, nhưng không ngờ là N. Bulganin đột nhiên đồng ý: “Hãy viết ra giấy là các ngài đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, còn chúng tôi sẽ trả lại cho các ngài tất cả tù binh ”.

K.Adenauer không tin vào tai mình, hỏi lại: “ trả tất cả à?”. “Đúng, tất cả”. Ngay lúc đó N.Khrushev đi đến và khẳng định cam kết trên của N. Bulganhin. Sau đó, các thành viên tham gia đàm phán lại quay trở lại bàn tiệc với đầy những sơn hào hải vị và đồ uống. Về sau thủ tướng Đức nhớ lại và có kể trong hồi ký của mình là buổi tiệc tối hôm đó đã diễn ra rất vui vẻ.

Ngày 13/9/1955, hai bên đã đạt được thỏa thuận bình thướng hóa quan hệ song phương và được chính thức xác nhận bằng văn bản. Liên Xô và Cộng hòa Liên Bang Đức trao đổi đại sứ quán, còn Liên Xô cam kết miệng là sẽ thả tất cả các tù binh Đức còn lại trên lãnh thổ Liên Xô.

“Thông minh và nguy hiểm”

Sau khi K.Adenauer mất (năm 1957), tuyệt đại đa số người dân CHLB Đức đều cho rằng việc giải phóng những tù binh Đức cuối cùng ra khỏi các trại tù Liên Xô là công lao rất lớn của ông.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều hài lòng. Ví dụ, Bộ trưởng Ngoại giao CHLB Đức Heinrich von Bretano (Bộ trưởng ngoại giao năm 1955-1961) đã nhận xét rằng: “Phía Đức đã không thể hiện được sự cứng rắn cần thiết khi tiến hành đàm phán”. Ông không tin vào những cam kết của các nhà lãnh đạo Liên Xô và gọi họ là: “những kẻ lỗ mãng, nói dối và đạo đức giả”.

Cũng cần nói thêm: K. Adenauer đã gây ấn tượng mạnh cho những nhà lãnh đạo Xô Viết. Tháng 1/1956, N.Bulganhin đã gửi điện chúc mừng ngày sinh nhật lần thứ 80 của ông. Còn V.Molotov rất ấn tượng với phong cách tiến hành các cuộc đàm phán của K.Adenauer. N.Khrushev thì đã cởi lòng mình với thư ký báo chí của phái đoàn Đức là Eckardt như sau: “thủ tướng của các bạn là một con người vĩ đại”. Nhưng sau này có chữa lại là “một con người thông minh và nguy hiểm”.

Ngày 23/9/1955 , Quốc hội CHLB Đức đã phê chuẩn kết quả các cuộc đàm phán ở Matxcova. Ngày hôm sau, Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô cũng đã phê chuẩn việc thiết lập quan hệ ngoại giao với CHLB Đức. Sau đó không lâu có sắc lệnh: “Về việc phóng thích trước thời hạn những công dân Đức bị các tòa án Liên Xô kết án vì những tội ác đã gây ra cho các dân tộc Liên Xô trong thời gian chiến tranh”.

Những chuyến tàu đầu tiên chở các cựu tù binh về Đức vào đầu tháng 10/1955. Họ được đón tiếp như những người anh hùng. Đã có đề nghị hiến định một danh hiệu đặc biệt dành cho họ vì thời gian ở trong các trại tù binh Xô Viết quá lâu.

Nhưng không phải tất cả đều được trở về nước. Ở cả hai nước Đức bắt đầu tổ chức “ Ngày trung thành”, - chuông nhà thờ đổ, cầu nguyện tại nhà thờ, người dân đứng im mặc niệm. Đến chiều tối ngày hôm đó người ta đặt các ngọn nến đang cháy trên cửa sổ để tưởng nhớ những tù binh Đức đã mãi nằm lại ở một nơi nào đó trên đất Nga.

Và biết đâu đấy, có cả những người Đức còn sống vẫn làm việc ở Nga.

Theo Lê Hùng (tổng hợp)

Đất Việt

Cuộc chiến Xô-Đức ngay trong Điện Kremlin - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm