Cuộc chiến Trung-Mỹ tại châu Phi: Nước nào đang dẫn trước?
(Dân trí) - Không chỉ nóng khi cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, cuộc chiến Trung - Mỹ còn được mở sang lĩnh vực kinh tế khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không ngần ngại ám chỉ Trung Quốc là "kẻ ngoại bang" vơ vét tài nguyên của châu Phi.
Bà Hillary Clinton tới châu Phi với nỗ lực giành lại ảnh hưởng của Mỹ từ Trung Quốc.
Từ ngày 30/7 - 10/8, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chuyến công du con thoi đến 9 nước châu Phi gồm Senegal, Nam Sudan, Uganda, Kenia, Malawi, Nam Phi và cuối cùng là Ghana.
Tháp tùng bà Clinton là phái đoàn hùng hậu các giám đốc điều hành của các công ty tư nhân trong các lĩnh vực hàng không, kỹ thuật, giao thông, điện, hậu cần, công nghệ thông tin, bán lẻ và công nghệ cao.
Tại tất cả các điểm dừng chân ở châu lục Đen, ngoài việc thúc đẩy các mối liên hệ nhằm lập lại trật tự thống trị về kinh tế của Mỹ, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ là kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực giàu tài nguyên này, cho dù bà chưa từng một lần nêu đích danh hai từ "Trung Quốc".
Chính vì vậy, tại chặng dừng chân đầu tiên ở Senegal, Ngoại trưởng Clinton khuyến nghị giới chức nước chủ nhà nên tìm kiếm các mối quan hệ đối tác với Mỹ, một nước ủng hộ mạnh mẽ dân chủ tại châu Phi.
"Mỹ cam kết theo đuổi mô hình quan hệ đối tác bền vững nhằm tăng thêm các giá trị, chứ không bòn rút các giá trị của châu Phi", bà Clinton khẳng định.
“Mỹ cũng sẽ hợp tác với các nước giàu tài nguyên để đảm bảo rằng các nguồn năng lượng và khoáng sản sẽ giúp cải thiện cuộc sống của người dân. Thời mà ngoại bang đến khai thác tài nguyên của châu Phi rồi không để lại hoặc chỉ để lại rất ít giá trị ở đằng sau nên chấm dứt trong thế kỷ 21", Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Tại điểm dừng chân tiếp theo ở thủ đô Juba của Nam Sudan, bà Clinton cũng đã khéo léo nhắc nhở giới chức chủ nhà về những khoản viện trợ nhiều triệu USD mà Mỹ và châu Âu dành cho nước này.
"Washington và các đối tác châu Âu đã viện trợ cho Nam Sudan nhiều triệu USD. Giờ đây Washington muốn chứng kiến các kết quả đầu tư của mình", bà nói, không quên nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là cả nhà tài trợ lẫn nước sở tại phải cùng nhau khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên.
Khi ở Uganda, Kenia, Malawi và Nam Phi, Ngoại trưởng Clinton cũng lặp lại điệp khúc này với lời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển chương trình thương mại Mỹ - Phi.
Theo bà Hillary, trước mắt, Mỹ sẽ thúc đẩy triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt nối Nam Sudan-Etiopia-Kenia, tuyến đường ống dẫn dầu từ Nam Sudan đến một nhà máy lọc dầu tại thành phố biển Mombasa của Kenia, đầu tư 2 tỷ USD cho các dự án năng lượng mới hợp tác giữa các công ty của Mỹ và Nam Phi, và ký hợp đồng cung cấp máy bay cho các hãng hãng không của Nam Phi.
Tất nhiên, các công ty Mỹ là những đối tượng được thụ hưởng từ các hoạt động đầu tư này, trong đó không thể không kể đến General Electric, Siemens AG và Boeing.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc đem lại lợi ích kinh tế cho các công ty của Mỹ không phải mục đích chính của bà Hillary.
Thực tế, những phát ngôn đầy ẩn ý và những lời hứa hẹn của bà mang mục đích khác sâu xa hơn nhiều. Đó là cảnh báo chính phủ các nước châu Phi trước “đại họa” bị các công ty Trung Quốc khai thác cùng kiệt nguồn lợi dầu lửa.
Đây không phải lần đầu tiên bà Hillary chỉ trích sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi. Tháng 6/2011, trong chuyến thăm Zambia, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã lên tiếng tố cáo "chủ nghĩa thực dân mới" của Trung Quốc ở châu Phi.
Vì vậy, chính phủ Trung Quốc không đời nào chịu ngồi yên.
Bắc Kinh “phản pháo”
Ngay trước chuyến thăm của bà Hillary, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ thị cho các cơ quan ngoại giao tại châu Phi nhắc nhở nước chủ nhà cảnh giác với Mỹ.
Ngoài ra, các cơ quan này cũng được lệnh theo sát tình hình chuyến thăm để kịp thời phản ứng và có biện pháp răn đe những nước có chiều hướng ngả theo “chú Sam” trong hoạt động kinh tế và thương mại.
“Việc Trung Quốc đã và đang khai thác tài nguyên của châu Phi là đúng sự thật, nhưng cách phát biểu của bà Hillary bộc lộ rõ âm mưu chia rẽ Trung – Phi để đạt được các quyền lợi ích kỳ của Washington”, hãng Xinhua bình luận ngay sau khi bà Hillary có bài phát biểu tại trường Đại học tổng hợp Cheikh Anta Diopngay ở Senegal ngày 31/7.
Thông qua Xinhua, Bắc Kinh đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ tìm cách ngăn cản các lợi ích thương mại của Trung Quốc ở châu Phi.
“Chuyến thăm châu Phi của bà Hillary là âm mưu gây bất hòa giữa Trung Quốc và châu Phi. Trung Quốc không khai thác tài nguyên của châu Phi cho mình. Chính các cường quốc phương Tây mới là ngoại bang mà bà Hillary nói đến”, Xinhua nêu rõ.
Không chỉ tìm cách “đập” lại các phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ ở châu Phi, Bắc Kinh còn nêu những số liệu cụ thể để chứng minh rằng Trung Quốc mới là nước mang lại lợi ích cho châu Phi, không phải Mỹ.
Theo số liệu do nước này công bố, kim ngạch thương mại hai chiều Trung – Phi trong năm 2011 đạt 166 tỷ USD, cao gần gấp đôi con số 95,3 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều Phi – Mỹ trong cùng thời kỳ.
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi cho đến nay đạt gần 15 tỷ USD, đó là chưa kể số tiền hỗ trợ 20 tỷ USD mà Trung Quốc đưa ra tại Diễn đàn Hợp tác Trung - Phi lần thứ 5, vừa diễn ra ngày 19-20/7.
Trung Quốc hiện đang duy trì hơn 150 tham tán và tùy viên thương mại tại các đại sứ quán của Trung Quốc tại 48 nước châu Phi, trong khi Mỹ hiện chỉ có 5 quan chức đại diện cho Bộ Thương mại tại châu lục này.
Thêm vào đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tiến hành 7 chuyến công du châu Phi, đến thăm 17 quốc gia. Tổng thống Barack Obama chắc chắn không thể có được những con số ấn tượng này.
Về năng lượng, trong năm 2011, dầu thô chiếm khoảng 62% kim ngạch xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc. Mặt hàng này trong tổng kim ngạch của châu Phi xuất sang Mỹ là 89% và sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Rõ ràng là trong cuộc chiến ngầm giữa Bắc Kinh và Washington về tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi, Mỹ không thể không lưu ý đến những kết quả này. Bởi cho đến nay, các nhà lãnh đạo châu Phi dường như vẫn quan tâm đến khoản viện trợ 20 tỷ USD, đào tạo 30.000 người, cấp 18.000 học bổng chính phủ và cử 1.500 nhân viên y tế đến châu Phi của chính phủ Trung Quốc hơn là các nguồn hỗ trợ khác.
Sự “hào phóng” đó của Trung Quốc có thể sẽ được đền bù bằng các nhượng bộ về năng lượng, dù chưa ai biết rõ liệu Bắc Kinh có đưa ra thêm những ràng buộc nào về sau này hay không.
Đức Vũ