Cuộc chiến sinh tồn trong rừng của phi công sau 38 ngày máy bay bốc cháy
(Dân trí) - Một người đàn ông đã tìm mọi cách để cầm cự suốt 38 ngày trong rừng rậm Amazon sau khi máy bay gặp sự cố.
Antonio Sena, 36 tuổi, được thuê để chở hàng từ thị trấn Alenquer phía bắc Brazil đến một mỏ vàng trái phép nằm trong rừng nhiệt đới Amazon.
Khi đang ở độ cao 1.000 mét, động cơ của máy bay Cessna 210 do Sena điều khiển bất ngờ gặp sự cố. Sena biết rằng anh không còn nhiều thời gian.
Sena cố đưa máy bay qua một thung lũng và tìm nơi hạ cánh tốt nhất có thể. Anh túm lấy bất kỳ thứ gì hữu ích, gồm ba lô, 3 chai nước lọc, 4 chai nước ngọt, túi bánh mì, một ít dây thừng, hộp sơ cứu, đèn bão, hai chiếc bật lửa và lao nhanh ra ngoài.
Không lâu sau, máy bay phát nổ. Đó là vào ngày 28/1.
5 ngày đầu tiên, Sena nghe thấy tiếng máy bay giải cứu trên đầu. Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm anh.
Nhưng cây cối trong rừng quá rậm rạp. Các nhân viên cứu hộ không nhìn thấy Sena.
Sau đó, Sena không còn nghe thấy tiếng động cơ máy bay nữa. Anh cho rằng những người cứu hộ có lẽ nghĩ anh đã chết.
"Tôi rất tuyệt vọng. Tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ vượt qua được. Và tôi sẽ chết", Sena nói.
Sena dùng số pin còn lại trên điện thoại di động để xác định vị trí bằng GPS và quyết định đi về hướng đông, nơi anh từng nhìn thấy hai đường băng.
38 ngày cầm cự
Sena đi theo ánh nắng mặt trời để xác định phương hướng, cố gắng nhớ lại những kiến thức đã học được từ khóa học sinh tồn mà anh từng tham gia.
"Ở đây có nước, nhưng không có thức ăn. Tôi rất dễ bị tấn công bởi những kẻ săn mồi như báo đốm, cá sấu và trăn rừng", Sena kể lại.
Sena ăn những loại trái cây mà anh thấy những con khỉ cũng ăn và may mắn tìm được 3 quả trứng chim tinamou màu xanh quý giá - nguồn protein duy nhất của anh trong hành trình gần 40 ngày sinh tồn.
"Tôi chưa bao giờ thấy một khu rừng nhiệt đới nào hoang sơ, nguyên bản như vậy. Tôi phát hiện ra rằng Amazon không phải một khu rừng nhiệt đới, nó giống như 4 hoặc 5 khu rừng hợp lại", Sena nói.
Ý nghĩ trở về để gặp lại cha mẹ và anh chị em thôi thúc Sena tiếp tục hành trình.
Sena sinh ra ở Santarem, một thành phố nhỏ ở ngã ba sông Amazon cắt với sông Tapajos. Anh tự nhận mình là "người Amazon" bản địa và yêu thích rừng nhiệt đới.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến Sena không còn lựa chọn nào khác ngoài nhận thêm việc tại một trong hàng nghìn mỏ vàng bất hợp pháp đang tàn phá rừng Amazon và làm ô nhiễm các dòng sông bằng thủy ngân.
Sena từng là phi công được đào tạo với 2.400 giờ bay. Anh đã mở một nhà hàng ở quê nhà vài năm trước. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 buộc anh phải đóng cửa nhà hàng.
"Tôi phải kiếm tiền bằng cách nào đó. Tôi không bao giờ muốn làm việc cho mỏ vàng bất hợp pháp, nhưng đó là lựa chọn duy nhất nếu tôi muốn có đồ ăn", Sena cho biết.
Sống sót trở về
Tổng cộng Sena đã đi bộ 28 km và sụt 25 kg trong suốt hành trình đi lạc trong rừng.
Đến ngày thứ 35, lần đầu tiên kể từ khi lực lượng cứu hộ từ bỏ nỗ lực tìm kiếm anh, Sena nghe thấy âm thanh của một thứ gì đó khác lạ trong khu rừng nhiệt đới: tiếng của một chiếc cưa máy.
Anh đi về nơi phát ra âm thanh đó và cuối cùng đến trại của những người thu gom hạt Brazil.
Giật mình trước sự xuất hiện bất ngờ của một người đàn ông từ trong rừng, họ đã giúp Sena liên lạc với mẹ anh để báo rằng con trai bà còn sống.
Chủ trại là Maria Jorge dos Santos Tavares, người đã cùng gia đình của bà hái lượm và bán các loại hạt trong rừng suốt 50 năm qua.
"Bà đã cho tôi thức ăn và quần áo sạch. Tôi vô cùng cảm kích họ", Sena nói.
Sena nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, khi anh được một gia đình sống gắn bó với khu rừng cứu mạng. Sena cảm thấy có lỗi khi tiếp tay cho việc phá hủy khu rừng.
"Một điều chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ lái máy bay chở hàng cho những kẻ khai thác vàng bất hợp pháp nữa", Sena nói.