1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chiến Iraq - Những cột mốc đáng buồn cho Mỹ

(Dân trí) - Câu chuyện chiến tranh Iraq có thể được kể bằng các con số đen tối và các cột mốc đau buồn. Đó không phải là một lời nói ngoa. Con số thông kê mới nhất vừa công bố cho thấy số lính Mỹ chết trận tại quốc gia vùng Vịnh đã lên đến 2.500 người và tổng chi phí của cuộc chiến đã "đạt" mốc 320 tỷ USD.

"Đó là một con số... một cột mốc buồn", người phát ngôn của Nhà Trắng Tony Snow thú nhận hôm 15/6 khi những con số này được công bố. Mới hai ngày trước đó, Tổng thống Mỹ George Bush đã có chuyến thăm bí mật tới Baghdad để gặp các nhà lãnh đạo vừa đắc cử của nước này và khích lệ tinh thần binh sỹ Mỹ. Các con số luôn làm người ta quan tâm bởi không chỉ đó là sự thật mà còn là một sự miêu tả chính xác cho diễn biến tình hình. Hãy thử điểm lại một loạt các con số thống kê về cuộc chiến này.

 

Kể từ khi nổ ra vào ngày 19/3/2003, đến nay, cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ cầm đầu để lật đổ cựu Tổng thống Saddam Hussein đã kéo dài 3 năm và 3 tháng, dài hơn thời gian tham chiến của quân Mỹ tại Chiến tranh thế giới thứ Nhất (1 năm và 7 tháng) và cuộc chiến tranh Triều Tiên (3 năm 1 tháng). Một tin buồn nữa đối với nước Mỹ, thời gian họ sa lầy trong cuộc chiến này cũng đã kéo dài gần bằng thời gian họ tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ Hai (3 năm 8 tháng) và thời gian đó chắc chắn còn kéo dài hơn nữa.

 

Theo thống kê của Lầu Năm Góc, cũng đã có 18.490 lính Mỹ bị thương trong đó có 8.501 lính không thể tiếp tục chiến đấu. Cũng đã có khoảng 4.800 cảnh sát và thành viên các lực lượng an ninh Iraq đã bị giết trong khi đã có ít nhất 30.000 thường dân Iraq thiệt mạng.

 

Các chiến lược gia tại Wasshington đã phải thừa nhận rằng các con số đáng buồn này là kết quả của một chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của quân đội Mỹ. Nói chung, họ đã thừa nhận rằng giới hoạch định chính sách Mỹ đã sai lầm khi dồn sức lật đổ Saddam Hussein mà không tính đến các kịch bản hậu chiến. Và giờ đây, sai lầm đó đã tạo ra một Iraq hỗn loạn, một bãi lầy mà người Mỹ đang cố rút chân ra.

 

Thế mà chính quyền Bush và những nghị sỹ ủng hộ họ tại Quốc hội vẫn không ngừng bao biện và thậm chí còn ra sức khẳng định rằng "gió đang đổi chiều". Họ đã viện đến việc thành lập của chính phủ Maliki và việc tiêu diệt trùm khủng bố Abu Al-Zarqawi để chứng tỏ là đã kiểm soát được tình hình. Trở về sau chuyến thăm có phần hơi "vụng trộm" tới Baghdad, Tổng thống Bush đã hào hứng phát biểu cảm tưởng: "Tôi cảm nhận được một điều gì đó khác biệt đang diễn ra tại Iraq. Điều đó sẽ tiếp tục tiến triển vững vàng hướng đến một mục tiêu đã được xác định". Thế mục tiêu của ông Bush là gì? Liệu đó có phải là việc có đến 60% người dân Iraq không có được nước sạch sử dụng, 85% không có được thấy ánh sáng đèn điện trong ngôi nhà của mình hay việc có đến 1/4 trẻ em Iraq đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

 

Cùng với ngày các số liệu thương vong ở Iraq được công bố, Thượng viện Mỹ đã thông qua ngân sách khẩn cấp dành cho chiến tranh Iraq và Afganistan cũng như để cứu trợ các nạn nhân của cơn bão Katrina. Trong ngân sách 94,5 tỷ USD này, có đến 66 tỷ USD được dành cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài của Lầu Năm Góc. Như vậy, đến nay cuộc chiến tại Iraq đã tiêu tốn hết của nước Mỹ 320 tỷ USD trong khi tại Afganistan người Mỹ phải đổ vào 89 tỷ USD.

 

Hãy nhớ lại, tháng 9/2002, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lawrence Lindsey đã dự toán rằng chi phí của cuộc chiến tranh Iraq sẽ vào khoảng từ 100-200 tỷ USD. Nhà Trắng lập tức thẳng thừng bác bỏ và ông Lindsey đã bị mất chức. Được biết, cuộc chiến tranh Triều Tiên đã buộc nước Mỹ phải chi 434 tỷ USD; trong chiến tranh Việt Nam - cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ cho tới nay: 8 năm rưỡi (tính từ mốc 1965 khi Mỹ bắt đầu chính thức đưa quân vào Việt Nam đến khi hiệp định Pari được ký kết năm 1973), Mỹ tiêu tốn 614 tỷ USD. Hậu quả đơn thuần về kinh tế của các cuộc chiến này sau đó đã quá rõ ràng: Mỹ phải chia sẽ vị trí bá chủ kinh tế với Nhật Bản và Tây Âu. Hoàn toàn có khả năng cuộc chiến Iraq sẽ vượt các cuộc chiến trên về phương diện quân sự chi phí quân sự và một thảm họa kinh tế khác đang chờ đón nước Mỹ?

 

Thế nhưng cho đến nay có một thứ thông tin mà chính quyền Mỹ luôn "từ chối cung cấp": thời điểm và quy mô đội quân sẽ được rút khỏi Iraq. Chính ông Bush đã tuyên bố việc "tiết lộ" các thông tin như thế là "chính sách tồi". Và cũng có một thông tin mà cho đến nay chưa hề bao giờ có thực: sự tồn tại các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq, lý do để Mỹ phát động cuộc chiến đẫm máu trên.   

 

Nam Sơn