1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Trung Quốc đáp trả theo cách của Mỹ?

Trung Quốc tuyên bố sẽ kiểm soát xuất khẩu công nghệ đối với “những nước nhất định” và đây là cách mà Mỹ đã làm từ hàng chục năm trước.

“Danh sách kiểm soát an ninh công nghệ quốc gia” được công bố hôm 8/6, chỉ hơn 1 tuần sau khi Trung Quốc thông báo có thể đưa vào danh sách đen các thực thể nước ngoài “không đáng tin cậy” được cho là hủy hoại lợi ích của các công ty Trung Quốc.

Khi tuyên bố về biện pháp mới, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia nói rằng, Trung Quốc đã thiết lập một cơ chế nhằm “chặn trước và xóa bỏ rủi ro an ninh quốc gia một cách hiệu quả hơn”. Các thông tin chi tiết sẽ được công bố trong vài ngày tới.

Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Trung Quốc đáp trả theo cách của Mỹ? - 1

Trung Quốc đang đáp trả Mỹ trong cuộc chiến công nghệ theo cách mà Mỹ từng làm. Ảnh: Economist

Biện pháp mới được công bố sau khi Bộ Thương mại Mỹ tháng trước đưa Huawei và 70 chi nhánh vào danh sách đen vì lo ngại an ninh quốc gia, sau khi Mỹ tìm cách hạn chế công nghệ Huawei gia nhập thị trường Mỹ và thuyết phục các đồng minh không dùng mạng lưới 5G của Huawei.

Các nhà phân tích nói rằng, biện pháp mới này chỉ đơn thuần là sự đáp trả mới nhất của Trung Quốc đối với Mỹ trong cuộc chiến thương mại và công nghệ. Tuy nhiên, nó cũng sẽ có các tác động đối với chuỗi cung cấp toàn cầu.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 9/6 nói rằng, biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ kể trên là nhằm răn đe “những nước nhất định” đang sử dụng công nghệ của Trung Quốc để kiềm chế sự phát triển của nước này.

Dựng “tường lửa” theo cách Mỹ đã làm?

Tân hoa xã cũng đăng bài bình luận nói rằng, biện pháp mới là nhằm “đảm bảo an ninh cho các công nghệ hàng đầu và cốt lõi của Trung Quốc, xây dựng một lá chắn an toàn và vững chắc trước một số nước nhất định đang sử dụng các chính công nghệ của Trung Quốc để kiềm chế sự phát triển quốc gia của chúng ta”.

Nhân dân Nhật báo mô tả động thái này là “tường lửa” nhằm bảo vệ các nỗ lực của Trung Quốc trở thành một nên kinh tế đổi mới và phát triển các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực chiến lược. Tuy nhiên, “cơ chế này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ ngừng mở cửa, hay sẽ giảm bớt việc hợp tác bên ngoài”.

Tommy Wu, một nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics nói rằng, động thái mới của Trung Quốc là một bước khác trong việc mở rộng kho "vũ khí" trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, đồng thời gia tăng nỗ lực tự sản xuất công nghệ cao.

Trong khi đó ông Wei Zongyou, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại đại học Fudan cho rằng Trung Quốc đang “ăn miếng trả miếng” chính quyền Trump.

“Mỹ đã thực hiện kiểm soát xuất khẩu công nghệ hàng chục năm, vì thế nếu Trung Quốc cũng định làm thế, thì chính là họ học từ Mỹ. Mặc dù chúng ta không loại trừ khả năng Trung Quốc và Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận, nhưng Trung Quốc cũng có vẻ như đã sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại dài hạn với Mỹ”, ông Wei Zongyou nói.

Trung Quốc tìm cách dàn xếp hay dằn mặt các công ty nước ngoài?

Trong khi đó, theo Reuters và New York Times, tuần trước, Trung Quốc được cho là đã triệu các công ty công nghệ toàn cầu để “đối thoại”.

Reuters dẫn lời một nhân viên của công ty phần mềm Mỹ Microsoft nói rằng, cuộc họp của công ty này với giới chức Trung Quốc không phải là một lời cảnh báo trực tiếp nhưng nó đã làm rõ rằng, việc tuân thủ lệnh cấm của Mỹ có thể sẽ dẫn tới tình huống phức tạp hơn nữa cho tất cả các bên trong lĩnh vực công nghệ.

Nhân vật trên cho biết, Microsoft được đề nghị không nên có những hành động vội vàng trước khi tình hình được hiểu một cách thấu đáo và “giọng điệu” đề nghị cũng rất “ôn hòa”.

Còn theo New York Times, các công ty khác được triệu tập trong tuần trước còn có cả hãng sản xuất máy tính Mỹ Dell Technologies; Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc cùng hãng thiết kế chip của Anh ARM – công ty tháng trước đã dừng hợp tác với Huawei.

Hiện các công ty công nghệ kể trên đều chưa bình luận chính thức về các thông tin của Reuters và New York Times.

Lệnh cấm Huawei có thực sự hiệu quả?

Trong khi đó, các công ty công nghệ Mỹ cảnh báo rằng, lệnh cấm của chính quyền Trump đối với việc bán thiết bị cho công ty công nghệ Trung Quốc Huawei có thể ảnh hưởng tới doanh thu của họ, từ đó tác động tới việc phát triển và đổi mới công nghệ, trong đó có cả những thiết bị cần thiết cho quân đội Mỹ.

Theo các nguồn tin tiết lộ với SCMP, các công ty, đặc biệt là các nhà sản xuất chip khi nộp đơn xin làm ăn kinh doanh với Huawei đã nêu các vấn đề chi tiết liên quan đến tài chính cùng các dữ liệu về tác động đáng kể hoặc tiềm tàng từ việc mất khách hàng. Theo họ, lệnh cấm ảnh hưởng tới triển vọng của chính các nhà sản xuất chip của Mỹ, đồng thời thúc đẩy các công ty Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và tìm các nhà cung cấp thay thế.

Một số nhà sản xuất chip cho rằng, thiệt hại doanh thu từ Huawei và các công ty con của Huawei có thể buộc họ phải cắt ngân sách nghiên cứu và phát triển, từ đó làm chậm lại quá trình phát triển các chip máy tính mới. Điều này thậm chí có thể tác động tới công nghệ quân sự Mỹ, vì quân đội Mỹ phụ thuộc vào các loại chip tốc độ cao và hiệu quả cao. Một số công ty còn cho rằng, các cơ sở hạ tầng trọng yếu, vốn cũng phụ thuộc vào chip máy tính, cũng trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công.

Các công ty Mỹ không phải lúc nào cũng được phép xin giấy phép kinh doanh với các công ty nằm trong danh sách đen, vốn được tạo ra để trừng phạt các công ty nước ngoài và các cá nhân mà chính phủ Mỹ cho là có hành động đe dọa an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên cũng có ngoại lệ hồi tháng 3/2016 khi Cơ quan công nghiệp và an ninh của Bộ Thương mại Mỹ lên kế hoạch đưa một công ty khác của Trung Quốc, ZTE, vào danh sách đen.

Thời điểm đó, ZTE đang đàm phán với chính phủ Mỹ về việc công ty này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ khi bán sản phẩm ở Iran. Việc đưa ZTE vào danh sách là một cách nhằm gây sức ép trong quá trình đàm phán, theo Kevin Wolf, trợ lý Bộ trưởng [Thương mại] về vấn đề xuất khẩu của chính quyền Mỹ thời đó (thời Tổng thống Obama).

Ông cũng cho biết, chính quyền Mỹ sau đó vẫn cấp giấy phép cho các công ty Mỹ bán hàng cho ZTE như một cách khuyến khích hợp tác bất chấp lệnh cấm. Chính quyền Trump đã dỡ bỏ lệnh cấm với ZTE năm ngoái sau khi công ty này đồng ý nộp phạt 1 tỷ USD và tái cơ cấu quản lý.

Có thể thấy chiến lược của chính quyền Mỹ hiện nay với Huawei tương tự như những gì nước này đã làm với ZTE. Một số nhà quan sát cho rằng, việc đưa Huawei vào danh sách đen thực chất là một chiến thuật gia tăng sức ép với chính phủ Trung Quốc trong quá trình đàm phán thương mại hiện nay.

“Chính phủ Trung Quốc vẫn không ngừng đặt Huawei lên bàn đàm phán thương mại”, James Lewis, một Phó Chủ tịch cấp cao tại Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (Mỹ) cho biết. Được cho là con cưng của Trung Quốc, vì thế sẽ khó có chuyện Huawei bị bỏ mặc trong vòng xoáy chiến tranh thương mại và công nghệ hiện nay.

Theo Thùy Linh

VOV