1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Crimea của Nga, quyết định của Liên Xô là bất hợp pháp

Trong một tuyên bố mới nhất, Viện Tổng công tố Liên bang Nga cho biết, Crimea đã bị Liên Xô chuyển giao “bất hợp pháp” cho Ukraine vào năm 1954.

Nga tuyên bố quyết định cắt Crimea cho Ukraine là bất hợp pháp

Vừa qua, vấn đề Crimea trở về Nga đã gây rất nhiều tranh cãi trên cộng đồng quốc tế. Đại đa số các nước thuộc Liên Hợp Quốc không công nhận quyết định sáp nhập bán đảo này vào Nga, khiến Mỹ và châu Âu đưa ra quyết định trừng phạt Moscow về quyết định mà họ coi là “bất hợp pháp” này.

Trong bối cảnh đó, Viện Tổng công tố Liên bang Nga quyết định điều tra tính hợp pháp của quyết định chuyển giao Crimea cho Ukraine năm 1954 của Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Khrushchev và Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (LB CHXHCN Xô viết).

Ông Sergei Mironov, lãnh đạo phe "Nước Nga công bằng" đã công bố trên trang web cá nhân thư trả lời từ Viện Tổng công tố Liên bang Nga về tính hợp pháp của quyết định do Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga (CHXHCNXV LB Nga) chuyển giao bán đảo Crimea cho Ukraine ký năm 1954.

Thư trả lời từ Viện Tổng công tố Liên bang Nga có đoạn: "Các quyết định của Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao CHXHCNXV LB Nga và LB CHXHCN Xô viết được thông qua vào năm 1954 về việc cắt tỉnh Crimea khỏi CHXHCNXV LB Nga và chuyển cho CHXHCNXV Ukraine đã không tuân thủ đúng Hiến pháp CHXHCNXV LB Nga và Hiến pháp LB CHXHCN Xô viết".

Crimea của Nga, quyết định của Liên Xô là bất hợp pháp
Trước đây, Tổng thống Nga Putin đã từng cho rằng, trao Crimea cho Ukraine là quyết định sai lầm của lãnh đạo Liên Xô 

Điều được nhấn mạnh là các Hiến pháp của CHXHCNXV LB Nga và LB CHXHCN Xô viết (Liên Xô) không hề có qui định về quyền hạn các Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô và CHXHCNXV LB Nga cho phép CHXHCNXV LB Nga chuyển giao một phần lãnh thổ của mình cho các nước cộng hòa khác trong Liên bang.

Thể theo luật pháp cơ bản của Liên Xô, vấn đề này thuộc quyền quyết định của các cơ quan quyền lực và hành chính nhà nước tối cao. Bởi vậy, quyết định của các Đoàn chủ tịch Liên bang Xô viết và Đoàn chủ tịch Xô viết Liên bang Nga là không có hiệu lực về pháp lý.

Trong thư trả lời còn nhấn mạnh thêm một vấn đề là vào năm 1948, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao CHXHCNXV LB Nga đã thông qua Nghị định "tách Sevastopol thành trung tâm hành chính và kinh tế độc lập, có qui chế thành phố trực thuộc nước cộng hòa".

Điều này có nghĩa thành phố tiếp tục thuộc thẩm quyền CHXHCNXV LB Nga, không có liên quan gì tới Crimea.

Ngay cả sau khi Ukraine tách ra khỏi Liên bang Xô viết và trở thành Nhà nước độc lập vào năm 1991, Hội đồng tối cao Liên bang Nga đã khẳng định qui chế liên bang Nga của thành phố vào năm 1993 bằng Nghị định "Về qui chế Sevastopol". Như vậy, Sevastopol luôn là một thành phố cấp liên bang của Nga.

Hiện nay, Nga đã xác định việc trao bán đảo Crimea cho Ukraine là quyết định “bất hợp pháp”
Hiện nay, Nga đã xác định việc trao bán đảo Crimea cho Ukraine là quyết định “bất hợp pháp” 

Khi chuyển giao cho Ukraine, Crimea đã nằm dưới quyền quản lý của Nga khoảng 200 năm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó đây chỉ là một quyết định hành chính, không có ý nghĩa thực tế, bởi vì đây là việc chuyển giao một tỉnh cho một nước cộng hòa, trong một nhà nước Liên bang tập quyền.

Khi Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev ký hiệp định “tặng” bán đảo Crimea xinh đẹp cho Ukraine, ông cũng không thể ngờ được chính nó đã biến 2 nước Cộng hòa anh em trong Liên bang Xô viết trở thành “kẻ thù không đội trời chung”.

Nga có luận cứ vững chắc để bác bỏ cáo buộc của phương Tây

Crimea vốn thuộc Nga kể từ năm 1783, cho tới thời điểm ngày 19-2-1954, nó đã trở thành món quà Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev dành tặng nước Cộng hòa Ukraine. Đây là món quà nhằm kỷ niệm 300 năm ngày Ukraine ký hiệp ước Pereiaslav, thống nhất với chế độ Nga hoàng.

Vào thời gian đó, không ai có thể dự đoán trước được rằng Liên bang Xô Viết sẽ tan rã và Ukraine một lần nữa trở thành một quốc gia độc lập với Liên bang Nga. Chỉ sau biến động lịch sử vào đầu thập niên 1990, những hệ quả của vụ “chuyển nhượng” nói trên mới lộ diện.

Ukraine độc lập nên đương nhiên Crimea thuộc sự quản lý của Kiev mặc dù 2 bên vốn không có mấy điểm chung về lịch sử, với tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức, gần 60% dân số ở Crimea là người gốc Nga, gần 20% người Ukraine cũng có quan hệ gắn bó sâu sắc và mật thiết với văn hóa, truyền thống Nga.

Rõ ràng, cả về tính chất lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, Crimea đều mang đậm dấu ấn, bản sắc của Nga. Vì lẽ đó, người dân Crimea hầu hết đều coi họ là người Nga, là công dân Nga. Bởi vậy, việc khu vực này nằm trong Ukraine được coi là chỉ mang tính hình thức.

Khi Ukraine giành độc lập năm 1991, mối quan hệ giữa hai bên vẫn có những ràng buộc nhất định. Moscow đã duy trì hạm đội Biển Đen ở đây sau những hiệp định ưu đãi kinh tế cho Kiev. Do vậy, Crimea tuy thuộc Ukraine nhưng là một “vương quốc riêng”, có quyền tự trị cao hơn so với các khu vực khác.

Việc duy trì vị thế đặc biệt này và sự hiện diện của hạm đội Nga ở Crimea luôn là một vấn đề ưu tiên đối với Điện Kremlin, vì những lý do vừa mang tính chiến lược vừa mang tính biểu trưng. Năm 2010, Nga và Ukraine đã ký kết một thỏa thuận gia hạn quyền hiện diện của hạm đội Nga ở Crimea cho đến năm 2042.

Nhưng cuộc đảo chính hồi tháng 2-2014 đã thay đổi tình hình. Sai lầm lớn nhất của chính phủ lâm thời mới ở Kiev là vừa lên cầm quyền, họ đã nhanh chóng có những phát biểu mang đầy tính dân tộc chủ nghĩa cực đoan, đồng thời đưa ra những chính sách, quyết định thể hiện sự phân biệt đối xử với người gốc Nga.

 
Nguyện vọng của dân chúng là yếu tố quyết định đưa Crimea về với Nga
Nguyện vọng của dân chúng là yếu tố quyết định đưa Crimea về với Nga 

Điển hình nhất là việc chính quyền này tuyên bố sẽ cấm sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức ở nước này và giảm bớt, tiến tới xóa bỏ các trường học sử dụng tiếng Nga, khiến người Nga ở Ukraine cảm thấy mình đang trở thành “công dân hạng hai”, bị kỳ thị, phân biệt đối xử.

Tiếng Nga vốn là ngôn ngữ chính thức của người dân ở Crimea. Tiếng Nga không chỉ được dùng trong các văn bản chính thức mà còn là ngôn ngữ giao tiếp duy nhất của phần lớn người dân ở Crimea. Việc cấm ngôn ngữ Nga rõ ràng đã làm khó người dân ở Crimea và khiến họ cảm thấy bị xúc phạm.

Trong các cuộc biểu tình tại Crimea, diễn ra sau sự kiện Maidan ở quảng trường Độc Lập, nhiều người dân nơi đây đã tuyên bố, họ không còn muốn ở lại Ukraine. Và đó chính là chỗ dựa vững chắc để Nga tiến hành chiến dịch “Mùa xuân Crimea”, đưa bán đảo trở về “Đất mẹ”.

Trước đây, ông Putin đã từng tuyên bố, trao Crimea cho Ukraine là một quyết định sai lầm của lãnh đạo Liên Xô thời trước và ông sẽ nỗ lực “sửa sai”. Bởi vậy, công bố của Viện công tố Nga đã trao cơ sở pháp lý vững chắc cho Tổng thống Nga chống lại những quan điểm của phương Tây.

Giờ đây, ông Putin có thể đường hoàng tuyên bố, Crimea được tặng cho Ukraine không phải là một quyết định “sai lầm” mà là “bất hợp pháp”. Bởi vậy, việc Nga thu hồi lại Ukraine là điều đương nhiên, không phải bàn cãi, phương Tây không có quyền gì can thiệp vào “công việc nội bộ” của nước này!

Theo Thiên Nam/Đất Việt