1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cộng đồng ASEAN sẽ thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông

(Dân trí) - Cộng đồng ASEAN sẽ đưa hợp tác về chính trị - an ninh, quốc phòng trong khu vực lên mức phát triển cao hơn, vì vậy, sẽ có tác động tích cực để thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông, Đại sứ Vũ Đăng Dũng, Vụ trưởng Đặc trách ASEAN, Bộ Ngoại giao cho biết.

Đại sứ Vũ Đăng Dũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí về những thách thức Việt Nam đối mặt khi Cộng đồng ASEAN hình thành, tác động của Cộng đồng đối với câu chuyện Biển Đông cũng như chương trình hành động của Việt Nam khi hoà nhập "Ngôi nhà chung" ASEAN.

Đại sứ Vũ Đăng Dũng, Vụ trưởng Đặc trách ASEAN, Bộ Ngoại giao (Ảnh: N.H)
Đại sứ Vũ Đăng Dũng, Vụ trưởng Đặc trách ASEAN, Bộ Ngoại giao (Ảnh: N.H)

Cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động

Cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động sẽ đem lại cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, nhiều cơ hội to lớn, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng là những thách thức không hề nhỏ. Trong khi đó, chúng ta đang bị đánh giá là tụt hậu so với khu vực, chậm cả về hành động lẫn nhận thức. Vậy điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN ngày 31/12//2015 đánh dấu một mốc mới trong tiến trình hình thành và phát triển của cả hiệp hội, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam chúng ta.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và khu vực nói riêng, tụt hậu là thách thức rất lớn đối với chúng ta khi tham gia một sân chơi lớn. Đối với Cộng đồng ASEAN, thách thức chủ yếu đối với chúng ta đến từ áp lực cạnh tranh gia tăng, đặc biệt là ở lĩnh vực kinh tế.

Quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN được các Nhà Lãnh đạo thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 9 (Bali, Indonesia, tháng 10/2003) với 3 trụ cột : Cộng đồng An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Một năm sau đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-10 (Vientiane, Lào, tháng 11/2004), các nước ASEAN đã thông qua các Kế hoạch hành động xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN nói trên, cùng với Chương trình hành động Vientiane bao gồm các hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN ngày 22/11/2015 đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Hình thành Cộng đồng ASEAN (AEC) vào ngày 31/12/2015. Cộng đồng ASEAN bao gồm 10 quốc gia thành viên là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Ở tầm vĩ mô, chúng ta sẽ chịu áp lực về cải cách thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế và chính sách thương mại quốc tế để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn. Chẳng hạn khi Cộng đồng hình thành, Việt Nam cũng phải thực hiện cơ chế hải quan một cửa như các quốc gia khác trong khối. Bên cạnh đó là những áp lực về giáo dục-đào tạo để nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động.

Doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh khi bước ra thị trường ASEAN cũng như ngay trên sân nhà. Đó là cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầ tư, đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu chất lượng hàng hóa cũng như phương thức kinh doanh ngày càng cao.

Thị trường lao động sẽ trở nên gay gắt hơn với sự tham gia ngày càng nhiều của lao động nước ngoài ở Việt Nam vì khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành sẽ diễn ra lưu chuyển tự do lao động đối với 8 lĩnh vực đã được công nhận tay nghề. Nghĩa là người lao động Việt Nam có tay nghề có thể sang làm việc ở thị trường khu vực và ngược lại lao động các nước ASEAN có thể xâm nhập thị trường lao động Việt Nam.

Ông vừa đề cập đến cạnh tranh gay gắt hơn đối với thị trường lao động khi Cộng đồng ASEAN hình thành. Vậy nếu chúng ta không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về trình độ nguồn nhân lực, điều gì sẽ xảy ra?

Phải thừa nhận một thực tế rằng hiện nay trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam chưa đồng đều. Năng suất lao động của Việt Nam còn hạn chế, thấp hơn 16 lần so với Singapore, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Kỷ luật lao động của Việt Nam cũng thuộc nhóm thấp nhất khu vực; cùng với đó, trình độ ngoại ngữ hạn chế cũng là một rào cản lớn với họ. Lao động của nhiều nước ASEAN nói tiếng Anh tốt hơn chúng ta nên đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh quan trọng khi cộng đồng đi vào hoạt động.

Chúng ta phải xem lại nội dung và yêu cầu đào tạo để phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực. Nói cách khác, lực lượng lao động của chúng ta sau khi được đào tạo phải đạt chuẩn để có thể được công nhận ở các quốc gia ASEAN khác. Còn nếu không, với khoảng cách quá xa như hiện nay, lao động ASEAN với tay nghề cao sẽ có cơ hội kiếm được việc làm tốt hơn, rồi trở thành những nhà quản lý tại Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta với năng lực kém hơn sẽ có ít cơ hội hơn, thậm chí có nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà.

Thêm cơ chế hỗ trợ đấu tranh bảo vệ chủ quyền

Quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN thời gian tới được cho là sẽ giúp các quốc gia ASEAN củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị khi chia sẻ và gắn kết sâu hơn các lợi ích an ninh với nhau. Điều này sẽ tác động thế nào đến đến câu chuyện Biển Đông, vấn đề rất lớn, cốt yếu với hòa bình, an ninh ở khu vực, thưa ông?

Hợp tác về chính trị-an ninh của ASEAN rất quan trọng vì không có hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực thì không thể có phát triển. Thời gian qua, ASEAN đã tích cực thể hiện tiếng nói thống nhất và lâp trường chung về vấn đề Biển Đông, nhất là khi có sự việc, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.

ASEAN và Trung Quốc đã cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc DOC và chuyển sang giai đoạn mới tham vấn về xây dựng COC, công cụ ràng buộc pháp lý quan trọng để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, vì còn khác biệt trong quá trình đàm phán, thảo luận nên chưa đạt được tiến bộ như mong muốn và đến nay vẫn chưa có một thời hạn cụ thể được xác định để kết thúc đàm phán này.

Thành lập Cộng đồng ASEAN sẽ đưa hợp tác về chính trị - an ninh, quốc phòng trong khu vực lên mức phát triển cao hơn, vì vậy, sẽ có tác động tích cực trong việc thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông khi tạo điều kiện cho các quốc gia có tranh chấp chủ quyền, các quốc gia trong và ngoài khu vực đối thoại, thảo luận và thúc đẩy hòa bình, an ninh ở Biển Đông.

Thông qua ASEAN, Việt Nam có điều kiện nâng cao năng lực, có thêm các cơ chế để hỗ trợ đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của chúng ta ở Biển Đông.

Có lo ngại rằng Cộng đồng ASEAN có thể gặp phải những vấn đề tương tự như Liên minh châu Âu (EU)? Quan điểm của ông về điều này?

Đúng là có nhiều ý kiến so sánh Cộng đồng ASEAN với EU, tuy nhiên cần phải khẳng định rằng, hai khối có định hướng và phương thức hội nhập hoàn toàn khác biệt và đều được coi là hình mẫu lý tưởng của hai loại hình cộng đồng: Siêu quốc gia (EU) và liên chính phủ (ASEAN).

Xét về bối cảnh lịch sử, EU ra đời hoàn toàn khác với ASEAN. Những kết quả đạt được của EU có thể chỉ là những bài học hay kinh nghiệm để ASEAN tham khảo chứ không phải để ASEAN áp dụng, bởi vì, bản chất của ASEAN là một tổ chức liên chính phủ, chứ không phải là một tổ chức siêu quốc gia như EU.

Đây là hai tổ chức liên kết khu vực, cả hai đều đang xử lý thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống nhưng những thách thức mà EU đang gặp phải một phần xuất phát từ vị trí địa-chính trị khu vực, phần khác do phương thức và mục tiêu xây dựng cộng đồng chung rất đặc chung của EU (chính sách ngoại giao, quốc phòng, nghị viện, thị trường chung, đồng tiền chung, thị thực chung…). Trong khi đó, ASEAN vẫn duy trì được sự thống nhất trong đa dạng, đảm bảo vận hành chung các cơ chế hợp tác liên chính phủ nhưng vẫn tôn trọng các quyền và lợi ích quốc gia quan trọng của từng nước thành viên nên có thể tránh được các thách thức mà EU đang gặp phải.

Thực tế thời gian qua đã chứng minh cách tiếp cận của ASEAN là phù hợp, vừa đảm bảo đoàn kết, thống nhất, vừa thúc đẩy hợp tác, liên kết ngày càng sâu rộng; đưa ASEAN trở thành một trong những tổ chức khu vực hội nhập thành công nhất thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Sẽ tăng cường rà soát việc thực hiện các cam kết ASEAN

Đại sứ Vũ Đăng Dũng cũng cho biết, để chuẩn bị cho giai đoạn mới phát triển cao hơn sau khi Cộng đồng ASEAN hình thành, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN soạn thảo và thông qua Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể trên cả 3 trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Tầm nhìn ASEAN 2025 với mục tiêu bao trùm là đưa ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác khu vực mở có mức độ liên kết sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực; một Cộng đồng vận hành theo luật lệ và có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân, mang lại lợi ích lớn hơn cho người dân.

Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án phương phướng Việt Nam tham gia ASEAN đến năm 2025 và Chương trình Hành động của Chính phủ để triển khai cụ thể.

Theo ông Dũng, định hướng tham gia ASEAN của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung vào tăng cường nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích khi tham gia Cộng đồng ASEAN cho các tầng lớp nhân dân; tăng cường sự tham gia chủ động, hiệu quả của các bộ, ngành, cơ quan trong ASEAN thông qua đầu tư nguồn lực và nhân lực thích đáng; thường xuyên rà soát các cam kết, thỏa thuận hợp tác của ASEAN và tình hình triển khai; chủ động đề xuất sang kiến hoặc chương trình phù hợp nhằm tận dụng tốt các cơ hội mà tiến trình liên kết ASEAN mang lại.

Nam Hằng

(Thực hiện)