1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Công chúa Tây Ban Nha sinh hạ hoàng nhi

(Dân trí) - Hôm Chủ Nhật, 29/4, Hoàng hậu tương lai của Tây Ban Nha, Công chúa Letizia đã sinh hạ một bé gái, đặt tên là Sofia. Đây là con gái thứ hai của Thái tử Felipe.

Cô công chúa nhỏ mới sinh là người thứ 3 trong thứ tự kế thừa ngai vàng của hoàng tộc Tây Ban Nha, sau cha mình và chị gái là Công chúa Leonor, năm nay 1 tuổi rưỡi.

 

Công chúa Letizia đã sinh hạ công chúa nhỏ thứ hai của mình tại bệnh viện Ruber Internacional, phía bắc thành phố Madrid. Thái tử Felipe đã ở bên Công chúa từ khi cô nhập viện hôm Chủ Nhật.

 

Sofia nặng 7,3 pound (tương đương 3,3kg).

 

Letizia Ortiz, 34 tuổi, trước đây làm việc cho một hãng truyền hình và đã trở thành công chúa Tây Ban Nha vào tháng 5/2004 khi kết hôn với Thái tử trong một hôn lễ được tổ chức tại giáo đường, theo các nghi lễ hoàng gia. Cô là phụ nữ bình dân đầu tiên từ hơn 500 năm nay sẽ trở thành Hoàng hậu Tây ban Nha. Cô đã sinh hạ công chúa Leonor vào tháng 10/2005.

 

Hiện nay, hiến pháp Tây Ban Nha chỉ cho phép nữ giới được kế thừa ngai vàng trong trường hợp cô bé không có anh em trai. Như vậy là theo luật lệ hiện hành, phái nam được ưu tiên hơn phái nữ. Hai chị gái của Thái tử Felipe là công chúa  Elena và Cristina, đều phải đứng sau ông trong thứ tự kế vị ngai vàng.

 

Đảng cầm quyền của Tây Ban Nha đang muốn thay đổi quy định này của hiến pháp, để cả nam lẫn nữ trong hoàng tộc đều có quyền kế vị ngang nhau. Nếu như vậy, công chúa Leonor sẽ vẫn có quyền kế vị chỉ sau cha, ngay cả trong trường hợp sau này Thái tử Felipe có thêm con trai.

 

Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Jose Luis Rodrigues Zapatero cho rằng không cần phải vội vàng trong việc thay đổi hiến pháp, cho đến khi Thái tử Felipe lên ngôi vua.

 

Phe bảo thủ đối lập phản đối lập luận này vì một số chính trị gia ngờ rằng ông Zapatero có thể lợi dụng điều này để biến việc thay đổi hiến pháp giống như một cuộc trưng cầu ý dân về chế độ quân chủ.

 

Hoàng tộc Tây Ban Nha chỉ giữ vai trò nghi lễ nhưng rất được trọng vọng. Quốc vương Juan Carlos được tôn kính với vai trò dẫn dắt chế độ quân chủ của Tây Ban Nha sau cái chết của vị tướng độc tài Francisco Franco vào năm 1975 và dẹp yên một vụ bạo loạn vào năm 1981.

 

Nhật Linh

Theo AP