1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Con tin bị dùng làm lá chắn sống trong vụ bắt cóc tại Algeria

(Dân trí) - Ngày 21/1, Thủ tướng Algeria đã có thông báo chính thức đầu tiên về diễn biến và số người thiệt mạng trong vụ bắt cóc con tin tại nước này. Nhiều con tin sống sót cho biết họ đã bị dùng làm “lá chắn sống”.

Sau 4 ngày im lặng trong vụ giải cứu con tin đẫm máu tại nhà máy khí đốt In Amenas trong sa mạc Sahara, ngày 21/1, chính quyền Algeria đã chính thức công bố những thông tin chi tiết đầu tiên về vụ bắt cóc con tin gây chấn động dư luận thế giới.  
Nhân viên an ninh chuyển thi thể các nạn nhân

Nhân viên an ninh chuyển thi thể các nạn nhân

Theo đó vụ bắt cóc con tin được 32 phần tử quân sự đến từ nhiều nước tại Bắc Phi và 2 công dân Canada thực hiện. Cải trang trong những bộ quân phục, những kẻ bắt cóc bao gồm nhiều chuyên gia về chất nổ đã gài bom khắp nhà máy.

38 con tin và 29 kẻ bắt cóc thiệt mạng, nhiều người còn mất tích
 
Sau khi những yêu sách đưa ra không được chính phủ Algeria đáp ứng, kẻ cầm đầu ra lệnh sát hại toàn bộ con tin người nước ngoài và cho nổ tung nhà máy. Thủ tướng Algergia Abdelmalek Sellal xác nhận tổng cộng đã có 38 công nhân và 29 kẻ bắt cóc thiệt mạng. 

Hiện 5 công nhân nước ngoài vẫn còn mất tích. “Các bạn có thể nghe thấy những lời cuối cùng của kẻ cầm đầu”, ông Sellal nói. “Hắn ta đã ra lệnh giết hại toàn bộ con tin người nước ngoài. Do đó đã có một đợt hành quyết hàng loạt. Nhiều con tin bị sát hại bằng cách bắn vào đầu”. 

Trong số những con tin thiệt mạng chỉ có duy nhất một nhân viên bảo vệ người Algeria, còn lại đều là người nước ngoài, bao gồm 7 người Nhật, 6 người Philippine, 3 người Mỹ, 3 người Anh, 2 người Romania và 1 người Pháp. Thủ tướng Algeria cũng cho biết 3 kẻ tấn công đã bị bắt nhưng không cho biết quốc tịch hoặc tình trạng sức khỏe của những kẻ này.

Cũng theo người đứng đầu chính phủ Algeria, trong số các phần tử Hồi giáo này có một kẻ đến từ Niger và từng làm lái xe tại nhà máy này. Do đó những kẻ bắt cóc “thuộc lòng địa hình của nhà máy”. Đây là một khu phức hợp rất lớn nằm sâu trong sa mạc Sahara, cách thủ đô Algiers của Algeria 1300km về phía Nam. 

Yêu sách "không thể chấp nhận"
 
Ông Abdelmalek Sellal cho biết: “Ban đầu quân đội đã cố gắng thương thuyết với hy vọng có thể giải quyết vấn đề. Nhưng những kẻ khủng bố rất cương quyết và lập trường của chúng rất rõ ràng. Những yêu cầu đó đều không thể chấp nhận được”. 

Theo vị Thủ tướng thì những kẻ này đến từ nhiều quốc gia khác nhau gồm: Tunisia, Ai Cập, Niger, Mauritania, Canada, Mali cùng 3 người Algeria. Đợt tấn công đầu tiên được chúng thực hiện vào 5 giờ 30 sáng ngày 16/1 với mục tiêu là một chiếc xe khách tới sân bay In Amenas. Giám đốc quốc gia của hãng BP nằm trong số hành khách này.
Hiện trường nhà máy khí đốt bị tấn công

Hiện trường nhà máy khí đốt bị tấn công

“Chúng nã đạn vào chiếc xe buýt nhưng bị các binh sỹ bắn trả quyết liệt”, ông Sellal thuật lại. “Do đó chúng đã không thực hiện được mục tiêu là bắt cóc các công nhân nước ngoài”. Sau đó những kẻ này chia thành hai nhóm, 11 tên đến nhà máy, những tên còn lại đến khu nhà ở. 

Được trang bị hỏa lực mạnh gồm súng phóng lựu và các loại vũ khí tự động, những kẻ bắt cóc đã ào ạt tấn công khu liên hợp với tổng cộng 790 công nhân, trong đó có 134 người nước ngoài. Một bảo vệ trẻ người Algeria là người đầu tiên bị sát hại nhưng anh này vẫn kịp nhấn nút báo động để nhà máy kịp ngừng hoạt động và các công nhân chạy trốn.

Trong đêm đầu tiên, các phần tử quân sự đã chuẩn bị phương án tẩu thoát về Mali trên một đoàn xe và gắn thuốc nổ quanh người con tin. Nhưng ý đồ này không thực hiện được do quân đội Algeria đã bao vây và tấn cộng mạnh mẽ, tiêu diệt được kẻ cầm đầu. 

Con tin bị dùng làm “lá chắn sống”
 
Tẩu thoát bất thành, những kẻ tấn công sau đó tìm cách hội quân lại, đẩy con tin lên xe và sử dụng họ làm “lá chắn sống”. Thủ tướng Sellal khẳng định đợt tấn công cuối cùng được lực lượng giải cứu thực hiện do lo ngại những kẻ khủng bố có thể phá hoại nhà máy. 

Floria, một con tin người Romania nhớ lại thời điểm điện trong nhà máy bị cắt: “Tôi cùng các chuyên gia khác đã chạy vào phòng làm việc, khóa cửa lại và trốn dưới bàn. Những kẻ tấn công tới dò xét khu văn phòng và tìm cách đạp cửa vào. 
Đoạn băng ghi hình các con tin được những kẻ bắt cóc ghi lại

Đoạn băng ghi hình các con tin được những kẻ bắt cóc ghi lại

Thật may là cửa không bị tung ra và chúng bỏ đi sang các văn phòng khác. Những người địa phương được trả tự do. Bọn chúng tuyên bố rất rõ ngay từ đầu rằng mục tiêu chỉ là người nước ngoài. Các chuyên gia đều bị bắt giữ”. 

Cuối cùng Floria đã thoát ra được nhưng trước đó ông đã nghe thấy 2 tiếng súng khiến 2 con tin đang rên la vì bị thương không thể lên tiếng. “Cảm giác về thời gian hoàn toàn thay đổi. Mỗi giây cũng dài như một giờ. Bạn sẽ thấy mình như người mất trí. Tôi đã phải sống trong cảm giác đó suốt gần 40 giờ”.

Còn Joseph Balmaceda, nạn nhân may mắn sống sót người Philippine thuật lại với hãng tin AFP rằng: “Bất cứ khi nào quân chính phủ tìm cách dùng trực thăng để bắn những kẻ bắt cóc, chúng tôi lại bị đem ra làm lá chắn sống”, ông bố đã có 4 con chưa hết bàng hoàng dù đã về đến quê nhà. “Chúng tôi được yêu cầu giơ tay lên. Quân chính phủ không thể bắn chúng chừng nào chúng còn giữ con tin”.

Balmaceda, hiện đang điều trị nhiều vết trầy trên mặt và chứng điếc tạm thời, cho biết ông là người duy nhất trong số 9 con tin còn sống sót sau khi chiếc xe chở họ phát nổ do những khối chất nổ C-4 những kẻ bắt cóc gài trên xe.

Khi đó 2 kẻ bắt cóc muốn chuyển 9 con tin tới khu trung tâm của nhà máy nhưng bom trên xe đã phát nổ do có đụng độ với lực lượng an ninh Algeria. “Phần duy nhất còn lại là đuôi của chiếc Land Cruiser”, ông Balmaceda nói. “Tôi là người duy nhất còn sống bởi tôi bị kẹp giữa 2 chiếc bánh xe dự phòng. Nhờ vậy tôi mới còn ngồi đây nói chuyện với mọi người”.

Sau khi xe nổ, ông còn bị những kẻ tấn công khác dùng súng bắn theo. “Những kẻ tấn công khác nhắm bắn vào tôi. Ý tôi là ở đó còn nhiều tên khác. Do đó tôi đã bò khoảng 300m để đến được chỗ của lực lượng chính phủ. Khi đến nơi, tôi ngất lịm đi. Tỉnh dậy tôi đã thấy mình nằm trong viện”, người đàn ông 42 tuổi bàng hoàng. 

Nhóm vũ trang “Signatories in Blood” có liên hệ với Al-Qaeda khẳng định vụ bắt cóc và sát hại con tin này là nhằm trả thù hoạt động quân sự của Pháp nhằm vào những phần tử Hồi giáo tại quốc gia láng giềng Mali.

Thanh Tùng
Tổng hợp