1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Cơn khát” sừng tê giác ở Việt Nam

(Dân trí) - Hãng thông tấn AP đã có bài viết về “cơn khát” sừng tê giác của một số người Việt Nam, những người cho rằng sừng tê giác có thể chữa được bách bệnh, đặc biệt là ung thư.

“Cơn khát” sừng tê giác ở Việt Nam
Nguyen Huong Giang mài sừng tê giác để pha chế bài thuốc mà cô cho rằng rất tốt mỗi khi cô uống nhiều rượu hoặc bị dị ứng.
 

Nguyen Huong Giang thích tiệc tùng, nhưng ghét cảm giác chếnh choáng. Vì vậy cô kết thúc hơi men của chầu uýt-xki bằng cách dùng một ít bột sừng tê giác cùng với nước trên chiếc đĩa gốm đặc biệt.

 

Cha cô đã cho cô mẩu sừng nâu dài 10cm làm quà và cho biết nó chữa bách bệnh, từ đau đầu đến ung thư. Nhiều người Việt Nam đã ám ảnh với thứ đồ giống sừng móng tay này và hiện nó được bán với giá rất đắt.

 

“Tôi không biết nó có giá bao nhiêu”, Giang, 24 tuổi, cho biết sau khi khoe chiếc sừng tại căn hộ trên tầng cao nhìn về thủ đô Hà Nội. “Tôi chỉ biết là nó rất đắt”.

 

Sừng tê giác - món đồ xa xỉ của giới giàu mới nổi?

 

Các chuyên gia cho biết nhu cầu mua sừng tê giác tăng cao ở Việt Nam đang đe dọa xóa sổ những con tê giác còn sót lại của thế giới. Tê giác đã được cứu thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng sau những năm 1970 nhờ vào các chiến dịch bảo tồn. Song hoạt động giết hại bất hợp pháp ở châu Phi đã tăng tới mức kỷ lục vào năm 2011 và dự kiến tình hình sẽ còn tồi tệ hơn vào năm nay.

 

Vào tuần này, Nam Phi đã kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam, sau khi một “số lượng báo động” tê giác được ghi nhận là đã bị chết từ đầu năm tới nay.

 

Từ lâu Trung Quốc đã coi sừng tê giác là nguyên liệu quý trong các bài thuốc của mình, mặc dù công dụng của nó chưa được minh chứng. Song giới chức Mỹ và các chuyên gia về động vật hoang dã quốc tế hiện cho biết “cơn khát” gần đây của Việt Nam, bắt nguồn từ tin đồn cho rằng sừng tê giác có thể chữa ung thư, đang đặt ra gánh nặng chưa từng có tiền lệ đối với loài này, loài hiện ước tính chỉ còn 28.000 con, mà phần lớn ở Nam Phi.

 

“Tình hình rất cấp bách”, giám đốc Dịch vụ Cá và đời sống hoang dã Mỹ  Dan Ashe cho biết.

 

Mặc dù dữ liệu về buôn bán sừng tê giác trên toàn cầu rất ít nhưng nạn săn bắt trộm ở châu Phi đã tăng chóng mặt trong 2 năm qua, mà giới chức Mỹ cho rằng nhu cầu từ Trung Quốc và Việt Nam là “động lực” chính.

 

Những nhà bảo vệ động vật hoang dã thậm chí còn cho rằng trong suốt một thập niên qua, bên cạnh túi Gucci, xe hơi Maybach, sừng tê giác đã trở thành món đồ xa xỉ “phải có” đối với một số người giàu Việt Nam mới nổi.

 

Từ năm 2006-2008, 3 nhà ngoại giao tại Sứ quán Việt Nam ở Pretoria có liên quan đến vụ bê bối buôn sừng tê giác, trong đó có một người còn bị ghi hình. Hồi tháng 2, các điệp viên Mỹ đã phá được một băng nhóm bị cáo buộc buôn bán sừng tê giác liên bang, với những kẻ đứng đầu là người Mỹ gốc Việt.

 

Một bản khai tại tòa do AP có được cho biết một trong những người bị bắt là Felix Kha. Nghi phạm này đã tới Trung Quốc 12 lần từ năm 2004-2011 và tới Việt Nam 5 lần vào năm ngoái.

  

“Cơn khát” ở VN góp phần đẩy hoạt động săn trộm
 
 
“Cơn khát” sừng tê giác ở Việt Nam
Xác của một con tê giác bị cắt mất sừng tại Nam Phi.
 

“Sừng tê giác vẫn được tuồn vào Trung Quốc, nhưng Việt Nam là động lực làm tăng hoạt động giết hại tê giác để lấy sừng”, Chris R. Shepherd, phó giám đốc khu vực Đông Nam Á của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã TRAFFIC cho biết. “Giới chức Việt Nam thực sự cần phải tăng cường nỗ lực tìm ra kẻ đứng sau hoạt động buôn bán trái phép sừng…và chấm dứt hoạt động của chúng”.

“Cơn khát” sừng tê giác đã mang lại lời lớn hơn rất nhiều các sản phẩm động vật được xem là quý khác như mật gấu hay cao hổ. Giới chức Mỹ ước tính bột sừng tê giác có giá lên tới 55.000USD/kg ở châu Á.

 

Chính vì vậy mà bọn trộm giờ đây còn trộm sừng tê giác ở các bảo tàng châu Âu, các cửa hàng thú nhồi bông. Theo cơ quan thi hành luật châu Âu Europol, 72 chiếc sừng tê giác đã bị đánh cắp ở 15 nước châu Âu vào năm ngoái.

 

Những kẻ săn trộm ở Nam Phi cũng sử dụng cưa sắt để cưa sừng tê giác, khiến con vật sống trong đau đớn, với lỗ khoét lớn rỉ máu trên đầu, nếu chúng may mắn sống sót.

 

Đôi khi những kẻ săn chộm đơn giản bắn chết tê giác, mặc dù sừng có thể mọc lại trong vòng 2 năm, không gây ảnh hưởng đến con vật nếu được cắt cẩn thận. Giới chức trách ở Nam Phi hiện đã phải dùng đến cách cắt trước sừng tê giác để nhằm giải thoát chúng khỏi sự “nhòm ngó” của bọn săn trộm. Nhưng bọn săn trộm sẵn sàng giết chúng chỉ vì phần gốc sừng nhỏ.

 

Năm 2010, những con tê giác Javan nổi tiếng của Việt Nam cũng đã không còn, mặc dù đã có nhiều nỗ lực bảo vệ chúng. Những con vật cuối cùng này được tìm thấy đã chết tại một công viên quốc gia, với chân bị bắn và sừng bị nhổ mất.

 

Tran Dang Trung, người quản lý vườn thú bên ngoài Hà Nội, vườn thú mới nhập khẩu 4 con tê giác trắng từ Nam Phi, cho biết ông rất lo cho tính mạng của các con vật, mặc dù vườn thú được canh gác 24 giờ/ngày.

 

“Nếu bọn trộm muốn giết những con vật này và lấy đi những bộ phận quý giá, chúng hoàn toàn có thể”, ông Trung cho biết.

 

Luật về buôn bán sừng nhập khẩu ở Việt Nam hiện còn chưa chặt chẽ, rõ ràng. Về mặt chính thức, chưa đến 60 chiếc sừng được nhập khẩu theo đường hợp pháp vào Việt Nam mỗi năm với tư cách là phần thưởng mang về từ các cuộc chơi săn bắn ở Nam Phi, nhưng các chuyên gia động vật hoang dã quốc tế ước tính con số thực sự có thể vượt quá 100.

 

Albi Modise, người phát ngôn của Bộ môi trường Nam Phi, cho biết Bộ của ông lo ngại khó xác định được tên tuổi của những người Việt Nam đã yêu cầu giấy phép sở hữu sừng tê giác. Song ông cho rằng, thay vì cấm người Việt Nam tham gia chơi săn bắn, Bộ của ông đang cố gắng giải quyết qua kênh ngoại giao. Hà Nôi cũng đã được yêu cầu kiểm tra để đảm bảo số phần thưởng sừng tê giác mang về từ Nam Phi vẫn nằm dưới sự sở hữu của người đi săn.

 

Trong tuyên bố mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết những vụ việc về sừng tê giác đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam và các nhà ngoại giao từng liên quan đến vụ bê bối trước đây đều bị phạt nghiêm khắc.

 

Trong khi đó, hoạt động giết hại tê giác trái phép ở Nam Phi tăng chóng mặt, từ 122 con vào năm 2009, lên 333 vào năm 2010 và tăng kỷ lục 448 vào năm 2011. Tuần trước Nam Phi thông báo 150 con tê giác đã bị giết chết vào năm nay.

 

Sừng tê giác chữa bệnh?

 

Tại Hà Nội, người dân mua sừng tê giác trong khu phố cổ, nơi bán thuốc đông y. Một liều có giá 200.000 đồng.

 

Các bác sỹ ở Hà Nội cũng cho biết một số bệnh nhân đã uống bột sừng tê giác thay thế thuốc tây, do tin rằng nó chữa được sốt và các loại đau nhức thông thường khác. Một số dùng như phương thuốc cuối cùng để chữa ung thư.

 

Nguyen Huu Truong, bác sỹ ở Hà Nội, cho biết mỗi năm rất nhiều bệnh nhân đến tìm ông và kêu bị mẩn ngứa. Ông cho rằng tình trạng này là do có liên quan đến việc dùng sừng tê giác.

 

“Nhiều người Việt Nam tin là bất kỳ cái gì đắt cũng tốt. Nhưng nếu bạn tiêu nhiều tiền cho sừng tê giác, bạn có thể bị tiền mất tật mang”, ông nói. Sừng tế giác chứa keratin, loại protein được tìm thấy ở tóc và móng tay chân người.

 

Giang, người phụ nữ trẻ thường dùng sừng tê giác để chữa say, cho biết cô không quan tâm đến đánh giá của các bác sỹ và không quan tâm cha cô đã có được miếng sừng tê giác như thế nào.

 

Các chuyên gia cũng cho biết một số sừng tê giác chuyển vào Việt Nam là hàng giả. Cũng không rõ miếng sừng của Giang là thạt hay giả. Song cô mài nó trên một chiếc đĩa rồi hòa nước uống khi bị dị ứng hoặc sau khi uống nhiều rượu.

 

Do Giang chỉ uống mỗi tháng một hoặc hai lần nên cô ước tính miếng sừng của cô sẽ được dùng 10-15 năm nữa. Nhưng khi số sừng của cô được mài hết, có lẽ sẽ không còn con tê giác nào trên trái đất này để thỏa mãn cho mong muốn của cô nữa.

 

Vũ Quý

Theo AP