Con đường “toàn cầu hóa” của một gái gọi
Với cô "Bruna Siêu gái", giấc mộng kiếm được việc làm ở một nhà thổ hạng sang giờ đây chỉ là chuyện vặt. Cô có thể không giật được giải Nobel văn học, nhưng con đường trở thành tác gia nổi tiếng toàn cầu đang mở rộng trước mắt.
Rachel Pachero, một gái gọi nổi tiếng ở Brazil và thường được biết đến bằng tên lóng là "Bruna the Surfer Girl", chính là tác giả cuốn sách bán chạy nhất nước này một năm qua: cuốn Nhật ký một gái gọi Brazil.
Một năm qua, thay vì làm việc trong các phòng the, cô đi ký sách để tặng và bán, và số bản bán ra đã lên đến 140.000 - con số đáng nể ở một nơi mà dân tình thường dành thời gian cho các bộ opera xà phòng dài dằng dặc, nơi các nhà xuất bản phải vật lộn lắm mới đẩy đi được chỉ một phần mười con số kia.
Một bộ phim dựa trên cuốn sách của Pachero, do đạo diễn danh tiếng nhất của Brazil Karim Ainouz làm, dự kiến sẽ làm mưa làm gió trên màn ảnh vào năm tới. Tháng 11 này, cuốn tiểu thuyết của cô vượt biển để trình làng ở Anh, qua nhà xuất bản Bloomsbury.
"Lúc đầu tôi thích nghề gái điếm, thật vậy", Pachero 21 tuổi cho biết cô khởi nghiệp gái gọi từ khi lên 17 ở một khu vực sang trọng của Sao Paulo. "Tôi như bay trên mây, khi đó tôi mới chỉ quan hệ tình dục với hai bạn trai nên mọi thứ vẫn còn rất mới mẻ. Tôi chỉ biết những điều cơ bản về sex... Tôi vừa làm vừa học".
Nhưng sau hai năm hành nghề, Pachero muốn bỏ. Và con đường trở thành nhà văn cách đó không bao xa. "Tôi vẫn luôn mong muốn chia sẻ câu chuyện của mình cho mọi người", cô giải thích.
Pachero là một trong số ngày càng nhiều gái điếm ở Brazil chuyển sang nghề viết lách. Một tờ báo ở bang miền nam Santa Catarina vừa tung ra Nhật ký của Marise, trong khi hàng trăm blog đang nở rộ như hoa mùa xuân trên mạng. Những lao động trong ngành công nghiệp tình dục vào Internet để kể về cuộc sống hàng ngày của họ, về đủ mọi thứ họ gặp phải: từ sự khinh bỉ đến các dương vật giả, từ nô lệ tình dục tới các mánh lới trên giường.
"Tôi cần nói ra những việc tôi đang làm", Paula Lee, 24 tuổi, gái điếm gốc Brazil đã chuyển đến làm việc ở Bồ Đào Nha bốn năm trước cho biết. Blog của cô thu hút khoảng 3.500 hit mỗi ngày, khách truy cập thường là từ Mỹ, Brazil, Bồ Đào Nha và Nhật Bản.
"Chẳng có ai thèm nói chuyện với tôi, vì thế tôi viết. Điều đó giúp tôi thật nhiều. Ai cũng cần cách giải thoát nào đó, chẳng phải thế sao?".
Paula cũng đang ôm ấp mộng bước chân vào cõi văn chương - cô cho biết đang đàm phán về việc xuất bản cuốn tiểu thuyết của cô với ba nhà xuất bản châu Âu.
Paula nói rằng tiểu thuyết đó sẽ khắc họa một bức chân dung thế giới của gái điếm ở Bồ Đào Nha - một thế giới bẩn thỉu thu hút hàng nghìn phụ nữ Nam Mỹ mỗi năm. Họ đến, làm việc trong các nhà thổ, trong khi hộ chiếu và vé máy bay trở về đều bị các tên ma cô thu giữ.
Sự kết hợp giữa thực tế cuộc sống, tình dục và những mưu đồ là cái khiến cuốn sách sẽ thu hút độc giả hơn so với "nhật ký tiểu thư Jones", Paula nói. "Nó là lời tự thú của một người, viết ra mỗi ngày. Đương nhiên là chuyện về sex sẽ bán chạy. Nhưng ngoài chuyện của tôi ra, còn có chuyện của những người khác nữa, và ai mà chẳng tò mò về chuyện thầm kín của người khác phải không nào?".
Cô Pachero thì coi tiểu thuyết của mình là vũ khí chống thành kiến.
"Ở Brazil mọi người coi gái gọi như chúng tôi là đồ rác rưởi - ngu ngốc và thô tục", cô nói. "Nhưng thực tế, có những người đàn ông tới chỗ tôi, trả tôi tiền mà không hề làm chuyện ấy. Chúng tôi chỉ đơn thuần trò chuyện thôi".
Với việc cuốn tiểu thuyết được dịch và sẽ hiện diện trên các giá sách ở Anh, Pachero giờ đây hy vọng rằng các độc giả châu Âu cũng sẽ thưởng thức câu chuyện cuộc đời cô, như các khách hàng ở Brazil vậy.
"Tôi mong là người Anh sẽ tò mò về cuốn sách của tôi", cô nói. "Tôi mong họ đọc và hiểu được những chuyện gì đang diễn ra trong cuộc sống của các cô gái điếm. Tôi không nghĩ là người Anh sẽ không chấp nhận tôi đâu".
Theo Mai Trang
Vnexpress/The Guardian