Cóc mía khổng lồ ở Australia
(Dân trí) - Hôm 26/3, nhân viên của chương trình FrogWatch đã bắt được một con cóc mía khổng lồ, to gần bằng con chó con, tại thành phố Darwin của Australia. Sự việc gây ngỡ ngàng cho các nhà môi trường đang trong nỗ lực ngăn chặn sự phát triển của loài bò sát có nọc độc này ở Australia.
Ông Paul Cowdy, thuộc chương trình FrogWatch chuyên nghiên cứu về loài ếch, cóc…ở Australia, khẳng định đó là một con cóc khổng lồ.
Hiện nay, cóc mía bị coi là một trong những loại sinh vật gây hại nhất ở Australia. Loài này được nhập khẩu từ Hawaii vào Australia từ năm 1935 để tiêu diệt bọ cánh cứng tung hoành trên các cánh đồng mía. Tuy nhiên, do da có chứa nhiều độc tố nên cóc mía có thể giết chết những con vật lớn hơn, như gà, chó, mèo, rắn, thằn lằn và cả một số loài ếch, khi tiếp xúc với chất độc trên da chúng, làm giảm đáng kể số lượng các loài này.
Con cóc mía khổng lồ dài 20,5 cm và nặng 840 gam - gấp đôi trọng lượng thông thường. “Chúng tôi chưa từng thấy một con cóc mía nào lớn như vậy. Đó là một con đực trong khi thông thường con cái lớn hơn con đực,” ông Cowdy nói.
Con cóc mía khổng lồ này là một trong số 39 con bị một nhóm nhân viên của FrogWatch bắt được ở gần Lee Point, thành phố Darwin.
Ông Cowdy cho biết các nhân viên của FrogWatch săn lùng cóc mía, bắt bỏ chúng vào các túi nhựa, đóng băng chúng và sau đó dùng làm phân bón.
Nhật Linh
Theo Reuters