1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cô gái mặt biến dạng vì bị tạt axit trở thành triệu phú truyền hình Ấn Độ

(Dân trí) - Sau khi bị biến dạng mặt, mù mắt, điếc vì bị 3 nam sinh viên tạt axit, thay vì tự giấu mình trong bóng tối, cô gái 27 tuổi Sonali Mukherjee đã đăng ký xuất hiện trên chương trình “Ai là triệu phú”, chương trình ăn khách ở Ấn Độ, và giành chiến thắng.

 

Sonali Mukherjee bị biến dạng, mù mắt và điếc một phần sau khi bị tạt axit.

Sonali Mukherjee bị biến dạng mặt, mù mắt và điếc một phần sau khi bị tạt axit.

 

“Nếu bạn có thể nhìn chằm chằm bức ảnh một cô gái xinh đẹp thì khi đó bạn có thể nhìn vào gương mặt bị bỏng của tôi như thế”, Mukherjee cho biết trong căn nhà nhỏ xíu của cô ở thủ đô New Delhi. “Các nạn nhân bị tấn công axit rất hay uống thuốc độc tự tử, nhưng tôi đã lựa chọn đứng lên và “gào thét” thách thức bạo lực”.

 

Vụ cưỡng hiếp tập thể một nữ sinh đại học trên xe buýt ở New Delhi gây phẫn nộ dư luận mới đây một lần nữa cho thấy rõ nạn bạo lực đối với phụ nữ ở Ấn Độ, nơi các vụ tấn công tình dục thường chỉ bị coi là trò “chọc ghẹo”.

 

Các chỉ số phạm tội quốc gia tại Ấn Độ cho thấy trong số 256.329 vụ phạm tội bạo lực vào năm ngoái, thì có tới 228.650 vụ chống phụ nữ.

 

9 năm trước, Mukherjee là một sinh viên đầy tiềm năng tại một trường cao đẳng ở thành phố miền đông Dhanbad, trước khi 3 sinh viên đột nhập vào nhà cô khi cô đang ngủ và hắt axit vào mặt cô vì “tội” từ chối họ.

 
Mukherjee nói chuyện với những người hàng xóm ở New Delhi.
Mukherjee nói chuyện với những người hàng xóm ở New Delhi.
 

Họ dùng chất được biết là “Tezaab”, thường dùng để tẩy rỉ sắt. Những kẻ tấn công muốn làm mí mắt, mũi, và tai cô tan chảy.

 

Thậm chí sau 22 ca phẫu thuật sau đó, cô vẫn bị mù mắt và bị điếc một phần. Và không ai trong số những kẻ tấn công bị kết tội, mặc dù họ đã bị bắt, bị tạm giam. Họ được thả sau khi trả tiền bảo lãnh và vụ việc bị kéo dài bởi hệ thống tư pháp nổi tiếng chậm chạp của Ấn Độ.

 

Theo một tổ chức từ thiện ở London, khoảng 1.500 vụ tấn công axit được ghi chép trên khắp thế giới mỗi năm và còn nhiều nạn nhân nữa không được khai báo cho các nhà chức trách, với các nạn nhân phải âm thầm chịu đựng.

 

Mukherjee cho biết nhất nhiều đơn kháng nghị của cô không có kết quả. Cô không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào về tài chính cũng như luật pháp từ phía bang. Thay vào đó, gia đình cô phải bán ngôi nhà hai tầng, trang trại, vàng và gia súc để chi trả viện phí cho cô.

 
Mukherjee và cha trong căn nhà của họ ở New Delhi.
Mukherjee và cha trong căn nhà của họ ở New Delhi.
 

Trong một lá thư gửi chính phủ, cô thậm chí còn nói đến việc tự sát, điều bị luật pháp cấm ở Ấn Độ, chứ không muốn sống tiếp trong đau đớn.

 

Và khi tuyệt vọng vì không có tiền điều trị, Mukherjee quyết định đăng ký xuất hiện trên “Kaun Banega Crorepati”, phiên bản “Ai là triệu phú” của Ấn Độ, chương trình đã được biết đến trong bộ phim giành giải Oscar “Slumdog Millionaire” (Triệu phú ổ chuột).

 

Sau khi được chọn tham gia, Mukherjee đã trả lời đúng 10 câu hỏi và giành được 2,5 triệu rupee (45.000USD) vào tháng trước.

 

Số tiền sẽ được dùng cho đợt phẫu thuật thẩm mỹ tiếp theo cho Mukherjee.

 

Cô cho biết mặc dù những lá thư thỉnh cầu của cô không mang lại kết quả, song hình ảnh những vết thương của cô đã có tác động sâu sắc. “Một khi những thứ khác đều thất bại, tôi đã quyết định dùng chính gương mặt mình”.

 
Mukherjee và cha cầu nguyện tại một ngôi đền ở New Delhi.
Mukherjee và cha cầu nguyện tại một ngôi đền ở New Delhi.
 

Cô gái 27 tuổi cho biết chiến thắng này là rất lớn, nhưng vẫn không đủ để trang trải tất cả viện phí của cô. “Tôi giành được một số tiền nhưng tôi cần hơn nữa để chữa trị”, cô cho hay.

 

Ý chí, nghị lực của Mukherjee để quyết không trở thành một nạn nhân, đã khiến người xem trực tiếp và khán giả truyền hình không khỏi cầm nước mắt. Người dẫn chương trình, một huyền thoại trong làng điện ảnh Bollywood, gọi cô là “hiện thân của lòng dũng cảm” vì “tiếp tục chiến đấu chống lại tất cả những điều xấu xa”.

 

Mukherjee muốn dùng thân phận của mình để vận động cho các nạn nhân cùng số phận khác, nhằm thúc đẩy luật riêng cho các vụ tấn công axit, hiện đang chỉ nằm trong luật bạo lực gia đình và có mức án rất nhẹ.

 

Năm 2011, nước láng giềng Pakistan đã phê chuẩn luật gia tăng trừng phạt từ 14 năm tù cho tới chung thân cho các vụ tấn công axit và mức phạt nhẹ nhất là 1 triệu rupee Pakistan (10.200 USD).

 

“Những người đàn ông tạt axit vào tôi vẫn được tự do nhưng nếu có luật trừng phạt mạnh hơn, họ sẽ phải ngồi tù”, Mukherjee cho hay.

 

Aparna Bhatt, luật sư Ấn Độ, bảo vệ cho một nạn nhân bị tạt axit khác ở Tòa án tối cao, đã đệ đơn yêu cầu cho các nạn nhân bị tạt axit được chữa trị y tế miễn phí và yêu cầu phải có quy định về việc bán axit. “Ấn Độ cần luật mới để ngăn chặn tội phạm tạt axit…Nạn nhân cũng phải được chữa trị y tế, phục hồi miễn phí”.

 

“Axit là một vũ khí nguy hiểm”, ông khẳng định.

 

Vũ Quý

Theo AFP