1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cô dâu Ấn Độ đột tử trong đám cưới, chú rể lấy luôn em vợ

Thành Đạt

(Dân trí) - Một cô dâu ở Ấn Độ đã đột tử ngay trong đám cưới và chú rể đã lấy em vợ sau khi thi thể được chuyển đi chỗ khác.

Cô dâu Ấn Độ đột tử trong đám cưới, chú rể lấy luôn em vợ - 1

Chú rể Kumar và cô dâu Nisha làm đám cưới tại Ấn Độ (Ảnh: Weibo/ Haike News).

Khi đang làm lễ trao hoa với chú rể Mangesh Kumar tại đám cưới ở làng Samspura, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ hôm 27/5, cô dâu Surabhi bất ngờ lên cơn đau tim và gục xuống.

Một bác sĩ sau đó tới nơi tổ chức đám cưới để cấp cứu cho Surabhi, nhưng cô không qua khỏi.

Tuy nhiên, thay vì kết thúc đám cưới, cả hai gia đình quyết định tổ chức hôn lễ cho chú rể Kumar và Nisha - một trong số em gái của cô dâu.

"Chúng tôi không biết phải làm gì trong tình huống này. Cả hai gia đình đã ngồi lại với nhau và ai đó đã gợi ý rằng em gái tôi Nisha nên kết hôn với chú rể. Gia đình đã thảo luận về vấn đề này và cả hai đều đồng ý", anh trai của cô dâu cho biết.

Thi thể của Surabhi được giữ trong một căn phòng, trong khi hôn lễ của Kumar với Nisha được tổ chức.

"Đó là một tình huống bất thường vì đám cưới của em gái tôi diễn ra, trong khi thi thể của người em khác nằm trong một căn phòng khác", anh trai của cô dâu nói thêm.

Ajab Singh, chú của Surabhi, cho biết đây là một "quyết định khó khăn".

"Một cháu gái nằm chết trong phòng, còn đám cưới của một cháu khác diễn ra trong phòng khác. Chưa bao giờ chúng tôi trải qua những cảm xúc lẫn lộn như vậy", chú của cô dâu cho biết.

Sau đám cưới, gia đình ngay lập tức tổ chức tang lễ cho cô dâu Surabhi.

Tình huống xảy ra trong đám cưới khiến dư luận Ấn Độ "dậy sóng".

"Chuyện này thật hỗn loạn. Ngày cưới nhưng lại có người chết. Cần phải tôn trọng cô dâu đã khuất. Tôi cảm thấy thật kinh sợ", một người dùng Twitter bình luận.

Một số người hoài nghi về việc liệu em gái cô dâu có đồng ý với cuộc hôn nhân này không.

"Những người này không kết hôn vì tình yêu? Hay đó là một khái niệm đã lỗi thời? Có ai hỏi xem người em gái có muốn như vậy không?", một người khác bình luận.

Một số quan điểm cho rằng chú rể Kumar lẽ ra nên đợi đến sau đám tang của cô dâu Surabhi rồi mới tổ chức đám cưới với người vợ mới. Một số người phỏng đoán câu chuyện này còn liên quan đến của hồi môn và có lẽ gia đình chú rể không muốn trả lại.

Các nhà xã hội học nhận định, vụ việc đã phản ánh xã hội gia trưởng và bất bình đẳng giới ở Ấn Độ cũng như truyền thống hôn nhân đặt nam giới cao hơn phụ nữ.

"Hầu hết các cuộc hôn nhân ở Ấn Độ được sắp đặt giữa các gia đình, không phải giữa hai bên trai gái", Kamei Aphun, giáo sư xã hội học tại Đại học Delhi, cho biết.

"Trong trường hợp của Surabhi cũng vậy, những người lớn tuổi trong gia đình có lẽ nghĩ rằng, tốt nhất nên gả người con gái khác của họ cho chú rể. Nhưng có ai nghĩ đến tình cảm của cô ấy không? Hay cô ấy sẽ sống suốt đời trong sự kỳ thị khi lấy chồng của người chị đã chết?", giáo sư Aphun nói.

Các đám cưới ở Ấn Độ thường rất tốn kém, bất kể gia đình có khá giả hay không, và phần lớn chi phí tổ chức đám cưới do nhà gái lo liệu. Đây có thể là một lý do khiến em gái Surabhi phải kết hôn với chú rể để bù lại khoản tiền mà nhà cô dâu đã chi cho đám cưới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm