1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

CIA và những thắng - bại trong cuộc chiến gián điệp chống Trung Quốc

Ngày 20/5 vừa qua, tờ Thời báo New York đăng bài cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc đã phá tan mạng lưới gián điệp của CIA, khiến cơ quan này gánh chịu một trong những tổn thất lớn nhất trong mấy chục năm qua”.

Các cơ quan tình báo Mỹ không thể xác định nguyên nhân thất bại là trong nội bộ CIA có kẻ phản quốc, hay là Trung Quốc đã thành công trong việc đánh người vào nội bộ CIA.

Một cuộc điều tra được tiến hành, nhưng quan điểm của những người điều tra về nguyên nhân thất bại bất đồng nghiêm trọng, không đưa ra được kết luận cuối cùng.

Tiết lộ bất ngờ về thất bại toàn diện

Tác giả của bài báo gây xôn xao này là nhóm 4 người: Mark Mazzetti, Adam Goldman, Michael S. Schmidt và Matt Apuzzo. Họ viết: “Chỉ từ mấy tuần cuối năm 2012 đến cuối năm 2012, Trung Quốc đã giết chết ít nhất mười mấy điệp viên của CIA.

Một cựu quan chức của cơ quan hữu quan Mỹ nói, trong đó một người bị bắn chết ngay tại phòng làm việc trong trụ sở chính phủ trước mắt các đồng sự. Ngoài ra còn một số người khác bị tống vào tù. Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tiêu diệt và tống giam từ 18 đến 20 điệp viên của CIA trong nội bộ, phá hủy mạng lưới mà CIA tốn bao năm mới xây dựng nên.

Bài báo dẫn lời một quan chức hữu quan đánh giá: “Đây là lần thất bại tồi tệ nhất trong suốt mấy chục năm qua”. Có quan chức tình báo cho rằng có lẽ do người của Trung Quốc đánh vào hàng ngũ CIA đã lấy được bí mật về hệ thống liên lạc.

Bài báo không tiết lộ nguồn tin cũng như không nêu ra bất cứ tên người nào bị giết hại, gây nên sự chú ý sâu sắc của dư luận. Sau khi đăng tải, bài báo liên tục được đưa lại trên các phương tiện truyền thông của cả Trung Quốc lẫn các nước. Cho đến nay, cả CIA lẫn Cục Điều tra Liên bang (FBI) đều không đưa ra bất cứ bình luận gì về những thông tin này.


Khang Nhật Tân dẫn đầu đoàn Trung Quốc phát biểu tại Hội nghị Năng lượng hạt nhân thế giới ngày 15.11.2007, sau đó ít lâu bị bắt...

Khang Nhật Tân dẫn đầu đoàn Trung Quốc phát biểu tại Hội nghị Năng lượng hạt nhân thế giới ngày 15.11.2007, sau đó ít lâu bị bắt...

Tuy mấy năm gần đây, Trung Quốc mới ban hành Luật chống gián điệp và Luật an ninh quốc gia nhưng xét về lịch sử cuộc chiến phản gián của Trung Quốc, họ thường sử dụng biện pháp tử hình để đối phó với gián điệp nước ngoài, nhất là điệp viên của Đài Loan. Điều này có thể thấy rõ qua các vụ án nhà khoa học Ốc Duy Hán du học ở Đức, Thiếu tướng quân đội Lưu Liên Côn, Đại tá Thiệu Chính Trung.

Tuy Thời báo New York không nêu bất cứ cái tên hay vụ án cụ thể nào, nhưng nói chung, nếu điệp viên CIA là công dân Mỹ thì Bắc Kinh không vội vàng hành quyết mà không qua xét xử. Còn nếu là công dân Trung Quốc thì điều này có thể xảy ra, song nếu có việc “bị bắn chết trong trụ sở chính phủ trước mặt các đồng sự” thì trong thời đại Internet ngày nay, chuyện như thế khó giấu kín được mãi, sớm muộn cũng bị lộ lọt.

Những vụ án gián điệp nổi tiếng bị Bắc Kinh phát hiện

Báo chí nước ngoài đều biết rõ vụ Du Cường Sinh, anh trai của Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Du Chính Thanh – một điệp viên được CIA móc nối là quan chức cao cấp trong hệ thống công an – an ninh quốc gia của Trung Quốc chạy trốn sang Mỹ, tiết lộ điệp viên chiến lược Kim Vô Đãi (Larry Wu-Tai Chin) của Trung Quốc nằm trong đơn vị ngoại vi của CIA khiến mạng lưới gián điệp của Trung Quốc ở Mỹ bị thiệt hại nặng nề.

Cuối cùng, Du Cường Sinh được nước Mỹ bảo vệ an toàn trong khi những người Trung Quốc luôn tung tin ông ta đã bị đặc công Trung Quốc ám sát ở nước thứ ba. Về điều này, một quan chức FBI đã khẳng định với đài VOA: “Tin này không chính xác, Du Cường Sinh vẫn an toàn”.

Một số nhân vật là điệp viên CIA và các nước bị Trung Quốc trừng phạt được VOA đưa tin hoặc lộ lọt qua các trang mạng gồm có: Đông Đạt Ninh - Chủ nhiệm Văn phòng Quỹ Bảo hiểm xã hội Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cáo buộc Ninh tiết lộ bí mật quan trọng về kinh tế và tiền tệ cho Đài Loan, Ninh bị tử hình năm 2006.


Đại tá không quân Giả Thế Khánh - điệp viên của CIA

Đại tá không quân Giả Thế Khánh - điệp viên của CIA

Thái Tiểu Hồng - Tổng thư ký Văn phòng liên lạc của chính phủ Trung Quốc ở Hongkong bị kết tội làm gián điệp cho Anh quốc, bị nhận án 15 năm tù. Khang Nhật Tân - Bí thư đảng ủy kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp hạt nhân - bị phạt tù chung thân vì “bán thông tin tình báo cho nước ngoài”. Lý Bân - Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc bị cáo buộc làm gián điệp cho Hàn Quốc và nhận án 7 năm tù.

Ngoài ra còn có Từ Tuấn Bình, Cục trưởng Cục Mỹ-Canada thuộc cơ quan tình báo quân sự - bị cáo buộc bán thông tin về tên lửa đạn đạo cho Mỹ, cung cấp “các thông tin tuyệt mật về tính cách, tập quán và phương thức quyết sách của người lãnh đạo”. Năm 2000, nhân cơ hội đi thăm Mỹ, Bình đã trốn ở lại không về; năm 2007, Bình bị xét xử vắng mặt và bị kết án tử hình hoãn thi hành.

Một trường hợp nữa là Giả Thế Khánh - Đại tá Không quân, từng là Phó giám đốc Tạp chí Không quân - bị CIA mua chuộc. Thiếu tướng, giáo sư Kim Nhất Nam ở Đại học Quốc phòng tiết lộ Khánh đã bị “quốc pháp nghiêm trị”, nhưng không rõ vào thời gian nào. Một Đại tá khác là Vương Khánh Giản – một chuyên gia về Nhật Bản, từng giữ chức Bí thư thứ nhất sứ quán tại Tokyo. Giản bị cáo buộc đã tiết lộ thông tin và làm gián điệp cho Nhật, năm 2007 đã bị kết án tử hình hoãn thi hành.

Một nhà khoa học ở Viện Khoa học xã hội là Lục Kiến Hoa bị cáo buộc làm gián điệp cho nước ngoài (có tin nói là điệp viên của 5 nước Mỹ, Nga, Nhật, Hàn, Đài Loan), năm 2006 bị kết án 20 năm tù. Hai tướng lĩnh làm gián điệp cho Đài Loan là Thiếu tướng Lưu Liên Côn và Đại tá Thiệu Chính Trung, sau khi bị bắt đã bị tử hình năm 1999.

Mấy năm gần đây cũng liên tiếp xảy ra các vụ án gián điệp được đưa tin, như: Lý Khải, Giáo sư người Mỹ gốc Hoa đang bị giam giữ vì làm gián điệp; Phan Uyển Phần - nữ thương gia làm gián điệp mới được phóng thích cho về Mỹ; nhà khoa học hạt nhân Trung Quốc Quách Vạn Quân; Phó ban Tuyên truyền Liên minh Đài Loan Khúc Vĩ; phóng viên Minh Báo Tịch Dương; học giả Cao Chiêm, Lý Thiều Dân; người Mỹ gốc Hoa Đàm Quảng Quang; phóng viên Thời báo Eo biển Singapore Trình Tường; học giả Hongkong Từ Trạch Vinh và học giả Mỹ Tiết Phong.

Tuy nhiên xem xét về thời gian xét xử thì trong số các trường hợp nêu trên đây chỉ có duy nhất một người phù hợp với thông tin nêu trong bài báo của Thời báo New York. Đó là Khang Nhật Tân - Ủy viên Trung ương, Ủy viên Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương - bị Tòa án Bắc Kinh kết án chung thân ngày 19/11/2010.

Từ những phân tích trên đây, nếu xét về tính chất vụ án và thời gian thì có lẽ Khang Nhật Tân nằm trong số “18 – 20 điệp viên CIA bị Trung Quốc hành quyết hoặc tống giam” – ít ra là phía Trung Quốc đã có nhìn nhận.

Trang tìm kiếm chính thức Baidu ghi thông tin về Khang Nhật Tân như sau: Giáo sư Đại học Quốc phòng Kim Nhất Nam trong khi lên lớp đã nói: “Khang Nhật Tân liên quan đến vụ án gián điệp, bán thông tin về hạt nhân của Trung Quốc cho nước ngoài. Sau khi Tân xảy ra vấn đề, trung ương rất lo lắng, yêu cầu điều tra triệt để, nhưng cuối cùng chỉ có thể thông tin ra ngoài là ông ta phạm tội kinh tế vì những chuyện khác không tiện nói ra”.


 Lưu Liên Côn - Thiếu tướng quân đội làm gián điệp cho Đài Loan

Lưu Liên Côn - Thiếu tướng quân đội làm gián điệp cho Đài Loan

Cũng Baidu có ghi: “Có báo chí Trung Quốc nói số tiền liên quan trong vụ án Khang Nhật Tân lên tới 1,8 tỷ NDT”. Như thế khác nào đã gián tiếp xác nhận chuyện Ân bán tình báo bí mật để kiếm tiền.

Thời báo New York cho biết, một số nhân viên FBI than phiền: Người của CIA ở Bắc Kinh phụ trách liên lạc với các điệp viên đã quá thường xuyên sử dụng một tuyến đường, một địa điểm tiếp xúc, như thế khác nào giúp cho mạng lưới giám sát rộng rãi của Trung Quốc dễ dàng xác định được thân phận của điệp viên. Có sĩ quan CIA còn lắp đặt thiết bị nghe trộm tại phòng ăn nơi họ gặp gỡ điệp viên mà không nghĩ rằng các nhân viên phục vụ ở đó cũng làm việc cho cơ quan tình báo Trung Quốc…

Theo Lan Hương

Pháp luật Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm