1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyện về người 7 năm viết các bài diễn văn cho Đệ nhất Phu nhân Mỹ

(Dân trí) - Cũng giống như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama cũng có những người phụ trách viết những bài diễn văn để chúng trở nên hấp dẫn, dễ đi vào lòng người hơn.


Bà Sarah Hurwitz và Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama. (Ảnh: WhiteHouse)

Bà Sarah Hurwitz và Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama. (Ảnh: WhiteHouse)

Khi Sarah Hurwitz ngồi xuống bên chiếc máy tính cá nhân, cô đeo lên đôi tai nghe và tưởng tượng hình ảnh bà Michelle Obama đang nói. Một giọng nói có thể vang lên rằng "Không, cách chuyển ngữ đó chưa hay" hoặc "Chúng ta có thực sự muốn kể câu chuyện theo cách này để tôn vinh những người đó?".

Bà Sarah Hurwitz, người phụ trách viết những bài diễn thuyết của Đệ nhất Phu nhân Mỹ hiện nay, đã làm việc cho gia đình Tổng thống Obama trong 8 năm qua và làm riêng cho bà Michelle Obama trong gần 7 năm qua. Cả hai luôn hợp tác chặt chẽ để gần như mọi từ Đệ nhất Phu nhân Mỹ nói trước dư luận đều được viết hoặc sửa bởi Hurwitz.

"Với nhiệm vụ bây giờ, tôi chỉ chỉnh sửa lại bài phát biểu với giọng nói của bà Michelle trong đầu tôi vì bà ấy giúp tôi có nhiều thông tin phản hồi trong những năm qua và giúp tôi biết rõ điều bà ấy muốn", cô Hurwitz chia sẻ.

Nữ cử nhân Đại học Luật Harvard là một trong những người được Tổng thống Obama "mang" tới Nhà Trắng sau khi kết thúc chiến dịch tranh cử hồi năm 2008. Tuy vậy, Hurwitz bắt đầu sự nghiệp với tư cách trưởng nhóm phụ trách các bài diễn thuyết của bà Hillary Clinton. Hai ngày sau khi bà Clinton thừa nhận thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm 2008 bằng một bài phát biểu đáng nhớ, nhóm vận động tranh cử của ông Obama đã gọi điện cho Hurwitz để đưa ra đề nghị công việc mới. Đầu tiên, Hurwitz được giao phụ trách viết về bà Michelle khi Tổng thống Obama chuẩn bị giới thiệu về vợ mình tại một hội nghị ở Denver. Đó là giai đoạn mà bà Michelle được cho là gặp nhiều sức ép và không có được trạng thái tinh thần thoải mái nhất. Lúc đó, Hurwitz đã do dự và băn khoăn liệu bà Obama có nghi ngờ về cô không sau một chiến dịch tranh cử khắc nghiệt giữa ông Obama và bà Hillary Clinton.

Tuy nhiên, cuộc gặp mặt thứ hai giữa hai người là một cuộc thảo luận kéo dài 90 phút tại phòng khách của gia đình ông Obama ở thành phố Chicago. Hurwitz nhớ lại: "Bà ấy nói rõ với tôi rằng: 'Vâng, tôi biết mình là ai. Đây là nơi tôi xuất thân. Đây là gia đình của tôi. Đây là những giá trị của tôi và đó là điều tôi muốn nói trong hội nghị sắp tới'. Lúc đó, tôi nhận ra rằng bà Michelle biết rõ bà ấy là ai và bà ấy luôn biết điều gì mình cần phải nói".

Sau những bản thảo đầu tiên được viết ra rồi chỉnh sửa lại nhiều lần, cuối cùng Hurwitz cũng thống nhất được với bà Michelle về bản diễn thuyết cuối cùng, trong đó nhấn mạnh về câu chuyện vợ của ứng cử viên đảng Dân chủ lúc đó là con của một gia đình lao động ở khu vực South Side tại thành phố Chicago. Bài diễn thuyết cũng miêu tả bà Michelle là người phụ nữ không quá quan tâm tới các vấn đề chính trị nhưng là người luôn có niềm tin mạnh mẽ rằng chồng bà có thể tạo ra sự khác biệt. Và khi bài phát biểu này được bà Michelle đọc tại hội nghị, nó đã được ngợi ca như một điểm nhấn của sự kiện này, qua đó giúp nâng cao sự ủng hộ dành cho ông Barack Obama.


(Ảnh: Washington Post)

(Ảnh: Washington Post)

Không như trước đây, các Đệ nhất Phu nhân Mỹ những năm qua thường có nhiều bài phát biểu, chủ yếu về các vấn đề được quan tâm song không quá thiên về các chính sách hoặc hiếm khi nhắc tới những vấn đề chính trị. Đây cũng chính là điều làm bà Michelle Obama phải suy nghĩ. Bà và Hurwitz dường như đã lựa chọn cách hùng biện dễ hiểu. Sử gia Myra Gutin, tác giả cuốn sách "The President's Partner: The First Lady in the Twentieth Century", cho rằng: "Lựa chọn của bà Michelle luôn là việc đưa ra những đề xuất. Đó không phải là cách áp đặt lên bạn những điều mà bà ấy muốn".

Trong một phát biểu trước Đại học Tuskegee ở Alabama hồi năm ngoái, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama bất ngờ đề cập tới chủ đề da màu. Đầu tiên, bà cho rằng các sinh viên da màu thường phải đối diện với sức ép để đạt được thành tựu như những thế hệ người Mỹ gốc Phi trước đây. Sau đó, bà cũng thừa nhận rằng có thể có liên quan tới áp lực đối với những sinh viên đó.

Bà Michelle Obama nói: "Khi chồng tôi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống, những lời đàm tiếu về tôi bắt đầu xuất hiện. Họ băn khoăn rằng tôi trở thành Đệ nhất Phu nhân Mỹ sẽ ra sao hay các vấn đề mà tôi sẽ đề cập khi đứng vào vị trí này. Với việc có thể trở thành Đệ nhất Phu nhân Mỹ gốc Phi đầu tiên, tôi cũng thu hút sự tập trung của nhiều câu hỏi và những nghi vấn, những cuộc thảo luận đôi khi bắt nguồn từ nỗi sợ hãi và nhận thức sai lầm của người khác. Liệu có phải do tôi nói quá lớn hay tỏ ra giận dữ hay nhu nhược?".


Bà Hurwitz và các thành viên khác trong nhóm phụ trách viết diễn văn cho Tổng thống. (Ảnh: Washington Post)

Bà Hurwitz và các thành viên khác trong nhóm phụ trách viết diễn văn cho Tổng thống. (Ảnh: Washington Post)

Ông Tyler Lechtenberg, người phụ trách viết diễn thuyết cho Tổng thống Mỹ và cũng là người viết cho bà Michelle trước khi chuyển sang khu vực khác, đã viết bài diễn thuyết trên. Ông nói: "Bà Michelle thực sự muốn kết nối mọi người và đảm bảo rằng cảm xúc luôn là trung tâm của mọi bài diễn thuyết. Bà ấy không thích trình bày về những số liệu".

Cùng với thời gian, bà Hurwitz đã tham gia vào quá trình định hình phong cách phát biểu của Đệ nhất Phu nhân Mỹ. Bà luôn cố gắng đưa những câu chuyện cá nhân của bà Michelle vào trong những bài diễn thuyết. Đó là những câu chuyện về cuộc sống hay những kinh nghiệm của bà Michelle. Từ đây, bà Hurwitz có nhiệm vụ kể lại câu chuyện của Đệ nhất Phu nhân Mỹ và làm nó có sức hút hơn.

Ông Cody Keenan, người phụ trách các bài diễn thuyết của Tổng thống Obama, nhận xét: "Đệ nhất Phu nhân Mỹ thực sự thu hút người nghe và bà ấy luôn giữ được phong thái tốt nhất khi thảo luận với nhóm cố vấn. Do vậy, bất cứ khi nào bà ấy xuất hiện ở những nơi chưa từng chứng kiến sự có mặt của Tổng thống hay Đệ nhất Phu nhân, sự kiện đó sẽ trở nên rất ý nghĩa. Đó là một sức mạnh. Bà ấy và Hurwitz hiểu rõ điều đó".

Trong chuyến công tác mới đây tới bang New Mexico, Hurwitz có nhiệm vụ kết nối những câu chuyện trong quá khứ về thời kỳ nô lệ ở Mỹ với lịch sử ngôi trường 126 tuổi Santa Fe Indian. Và nếu không có sự hỗ trợ của bà Michelle, bài diễn thuyết đã không thể được hoàn chỉnh. Bà Hurwitz nhớ lại: "Tôi đã tự nhủ rằng: 'Tôi đang chứng kiến những thế hệ sau của một người nô lệ phát biểu tại một ngôi trường của những đứa trẻ Mỹ thuần chủng. Thật tự hào khi được chứng kiến một khoảnh khắc như vậy. Mỹ là một quốc gia vĩ đại".

Ngọc Anh

Theo WashingtonPost

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm