Chuyện thương tâm về một cô dâu 4 tuổi ở Afghanistan
(Dân trí) - Kết hôn ở tuổi lên 4, Gulsoma đã bị đánh đập, tra tấn ròng rã nhiều năm trời; cuối cùng khi trốn thoát, cô bé mới nhận ra rằng trong "thế giới tàn ác này", tình thương vẫn còn tồn tại…
Gulsoma, 11 tuổi, nằm bò trên đất, trước mặt cha chồng. Ông ta nói với cô bé, nếu sáng ngày mai không tìm thấy chiếc đồng hồ đeo tay, ông ta sẽ giết cô bé. Và chắc chắn ông ta sẽ làm như thế.
Tức giận vì mất đồng hồ, cha chồng của Gulsoma đã dùng gậy đánh cô bé không ngớt. Máu rỉ ra từ các vết thương trên khắp cơ thể, tay phải và chân phải cô bé bị gãy.
Từ phút đó, cô bé nhận ra rằng, nếu không trốn đi, ông ta sẽ giết chết mình thật.
* * *
Nhưng khi gặp cô bé tại Ủy ban Phụ nữ của Afghanistan, thật ngạc nhiên khi thấy cô gái bé nhỏ, giờ đã 12 tuổi, lại chính là cô bé đã từng phải chịu đựng những đớn đau trên. Gulsoma đội chiếc mũ lưỡi trai đỏ, trên cổ quàng một chiếc khăn màu da cam. Đôi mắt nâu của cô bé thật đẹp, và nụ cười mới thật tươi tắn và rạng rỡ.
Trông cô bé khỏe mạnh, nhưng già hơn trước tuổi. Tại trại trẻ mồ côi, cô bé đã có một năm để bình phục sau quãng thời gian dài bị giam cầm, hành hạ và tra tấn.
Trong văn phòng của Ủy ban, cô bé ngồi kể về cuộc đời mình từ trước đến nay. Thỉnh thoảng cô bé lại dừng lại để lấy khăn quàng cổ lau mắt và hỉ mũi.
Câu chuyện của cô bé bắt đầu ở làng Mullah Allam Akhound, gần Kandahar.
“Cha cháu mất khi cháu 3 mới ba tuổi, một năm sau, mẹ cháu lấy người khác. Nhưng chồng của mẹ không chấp nhận cháu. Vì vậy mẹ đã đưa cháu đi, giữ lời hứa gả cháu cho người con trai cả đã 30 tuổi của người hàng xóm.”
“Họ đã tổ chức một buổi lễ, cháu được đặt lên lưng ngựa (theo truyền thống Afghanistan) và họ trao cháu cho người đàn ông đó.”
Bởi vì Gulsoma vẫn còn quá bé, lễ cưới không có đêm động động phòng. Nhưng chỉ một năm, Gulsoma đã học được quá nhiều điều cần thiết để trở thành một nô lệ thực sự cho một gia đình.
5 tuổi, cô bé bị ép phải chăm sóc không những “chồng” mà cả bố mẹ chồng cùng 12 người con khác của họ.
Cả gia đình chồng đều tham gia hành hạ Gulsoma, nhưng theo em, cha chồng là kẻ tàn ác nhất. “Cha chồng cháu yêu cầu cháu làm đủ mọi thứ, từ giặt quần áo đến các việc trong nhà. Và cháu chỉ được ngủ trong nhà mỗi khi họ có khách. Nếu không, cháu sẽ phải ngủ ở ngoài, trên một mảnh thảm và không có chăn gối. Mùa hè thì không sao. Nhưng vào mùa đông, có một người hàng xóm đã sang và cho cháu một chiếc chăn. Thỉnh thoảng người đó còn cho cháu thức ăn.”
Và khi không làm hết được công việc, Gulsoma sẽ bị đánh túi bụi.“Họ dùng dây điện đánh cháu, thường là vào chân. Cha chồng bảo những đứa con khác của ông ấy làm vậy để có thể giấu được các vết thương. Ông ta nói với họ rằng “hãy đập vỡ xương nó ra, nhưng đừng đánh vào mặt nó.”
Thậm chí có những lúc gia đình đó còn hành hạ Gulsoma một cách dã man, vô nhân tính hơn nhiều những đòn roi do thói bướng bỉnh, ngang ngạnh của con trẻ. Đôi lần, họ đã bắt cô bé làm bàn kê, nằm sấp xuống rồi thái thức ăn trên tấm lưng trần của cô bé.
| |
"Bản đồ buồn" trên lưng Gulsoma. |
Trong gia đình, chỉ có một cậu bé cũng cùng tuổi với Gulsoma, tên Atiqullah, là không tham gia vào trò hành hạ cô bé. “Cậu ấy thỉnh thoảng tuồn thức ăn cho cháu, và khi mẹ cậu ấy sai đi lấy roi để đánh cháu, lúc quay trở lại cậu ấy nói rằng không tìm thấy roi. Cũng có lần cậu ấy cố ngăn những người khác đánh cháu. Cậu ấy nói “cô bé là chị con, và làm như thế là tội lỗi.” Đôi khi cháu cũng nhớ tới cậu ấy, và ước cậu ấy có thể ở đâu, ước cháu và cậu ấy có thể làm chị em.”
Gulsoma kể, một tối, khi bố chồng nhìn thấy người hàng xóm đưa cho cô bé thức ăn và chăn, ông ta đã đuổi họ đi, và đánh cô bé túi bụi. Sau đó, ông ta nhốt cô bé vào một nhà kho suốt 2 tháng liền.
“Cháu bị nhốt trong đó cả ngày. Đến tôi, họ cho cháu vào nhà tắm, và mỗi ngày cho cháu ăn một lần. Thức ăn chỉ có bành mỳ, thỉnh thoảng có thêm đậu.”
Bị giam trong nhà kho, ngày nào cô bé cũng ước nguyện cha mẹ sẽ đến và mang cô bé đi. Nhưng sau đó, Gulsoma mới chợt nhớ ra rằng cha đã mất còn mẹ đã đi rồi.
Nhưng cô bé có một sức mạnh mãnh liệt ẩn chứa bên trong, thậm chí người cha chồng cũng không tài nào hiểu nổi. “Khi ông ấy tới nhà kho, ông ấy liên tục hỏi cháu “Sao mày không chết đi? Tao đã giam mày, và tao chỉ cho mày ít thức ăn, nhưng sao mày vẫn không chết hả.”
Những điều đó cũng không đủ giết chết Gulsoma. Cuối cùng, khi đưa cô bé ra khỏi nhà kho, ông ta đã buộc hai tay cô bé quặt ra sau lưng, rồi đánh cô bé đến bất tỉnh. Ông ta còn đổ nước trà nóng lên đầu, lên lưng cô bé.
“Lúc đó rất đau,” cô bé sụt sùi, lấy khăn cổ lau nước mắt và hỉ mũi. “Cháu đã khóc và gào thét suốt.”
5 ngày sau, cha chồng lại nện cho cô bé một trận đòn đầy hằn học nữa khi đứa con gái của ông ta kêu mất đồng hồ. “Ông ấy nghĩ cháu đã ăn trộm nên dùng gậy đánh khắp người cháu. Ông ta nói nếu ngày hôm sau cháu không tìm ra chiếc đồng hồ, ông ta sẽ giết cháu.”
* * *
Đêm đó, cô bé đã bò đi, và trốn dưới một chiếc xe kéo. Khi người lái xe phát hiện ra Gulsoma, tả tơi và dính đầy máu, ông đã đưa cô bé đến sở cảnh sát. Ngay lập tức, cô bé được đưa tới bệnh viện. Phải một tháng sau, cô bé mới hồi phục khỏi trận đòn cuồi cùng. Nhưng nỗi sợ hãi, và những bất ổn tâm lý vẫn còn đó. “Cháu rất vui khi được ngủ trên giường và được ăn ở bệnh viện. Nhưng cháu sợ khi khỏe lại, họ sẽ đưa cháu trở lại với gia đình đó.”
| |
Vết tích của những vụ tra tấn. |
Gulsoma ở một trại trẻ mồ côi ở Kandahar. Sau đó, cô bé được đưa tới trại ở Kabul, nơi ở hiện giờ của cô bé.
Gulsoma bỏ mũ và cho mọi người xem chỏm sẹo ở trên đầu. Trông nó giống như chỏm hói của một vị thầy tu thời trung cổ vậy. Sau đó, cô bé vén áo phông lên và cho mọi người xem “một bản đồ buồn” của những vết sẹo, vết cắt, bầm tím trên lưng.
Nhưng cô bé vẫn cười. “Giờ cháu cảm thấy tốt hơn rồi. Ở đây, cháu có bạn bè. Nhưng hằng đêm cháu vẫn sợ gia đình đó sẽ đến bắt cháu đi.”
Gulsoma nói mỗi khi mặt trời lặn, tự nhiên cô bé cảm thấy rùng mình – như một phản ứng đối với 7 năm ngủ ngoài trời, đôi khi trong cái lạnh cắt da cắt thịt ở vùng sa mạc. Đã phải chịu quá nhiều đau khổ, giờ cô bé cảm thấy rất khó có thể tin rằng vẫn còn người tốt trong thế giới này. “Không, cháu không nghĩ lại có ái đó giúp cháu, ngoài Thánh. Cháu thấy rất lạ là vẫn còn có người tốt: người hàng xóm, người lái xe, và cảnh sát. Cháu sẽ cầu nguyện cho những người đã giúp giải phóng cháu.”
Cô bé cho biết vẫn còn nhiều bé gái khác như cô bé ở Kandahar, và có thể đâu đó trên đất nước Afghanistan. Và giờ cô bé muốn được học về nhân quyền, rồi một ngày nào đó sẽ trở lại nơi chính mình đã bị hành hạ để giúp họ.
Trang Thu
Theo Hotzone.yahoo