1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện ly dị của các tổng thống: Từ Điện Elyse đến Nhà Trắng

(Dân trí) - Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuần này phải nói lời chia tay với cuộc hôn nhân 11 năm của mình với bà Cecilia, người đã không một chút giấu giếm kể về những trục trặc trong mối quan hệ của họ với báo chí. Theo nhiều nhà quan sát thì đó là điều không thể tưởng đối với một tổng thống Mỹ.

Ly dị với Nhà Trắng

 

Tại Mỹ, chuyện ly dị đối với một tổng thống dường như mới xảy ra một lần duy nhất trong lịch sử. Đó là vào đầu những năm 1800, những đối thủ chính trị của tổng thống Andrew Jackson đã lật tẩy bí mật rằng cuộc ly hôn của ông với người vợ trước đó thực ra chưa được hoàn tất. Và vụ việc đã gây ra một làn sóng giận dữ trong dân chúng.

 

Tuy nhiên, ngày nay, mặc dù tỉ lệ ly hôn của Mỹ đã tiến tới con số 45%, nhưng người Mỹ vẫn coi thành trì hôn nhân là “bất khả xâm phạm” đối với một vị tổng đang thống tại vị.

 

“Vấn đề là chúng ta luôn nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của chúng ta không sống như cách chúng ta đang sống”, Catherine Allgor, giáo sư chính trị thuộc Đại học California Riverside và là một chuyên gia về các đệ nhất phu nhân, cho biết. “Chúng ta biết có rất nhiều người ly dị, bản thân chúng ta cũng phải ly dị, nhưng khi nói đến các nhà lãnh đạo của chúng ta, người Mỹ lại như những đứa trẻ và chúng ta giống như những người cha lớn lao”, bà cho biết. “Chúng ta muốn họ là những người hoài cổ, những người sống theo nếp cũ, những người luôn hướng về gia đình”.

 

Trong lịch sử, có rất nhiều tổng thống Mỹ vào Nhà Trắng mà không có các đệ nhất phu nhân đi cùng. Ví dụ như Tổng thống Van Buren, một tổng thống “góa” vợ, đã phải cho con dâu đóng vai trò làm đệ nhất phu nhân. Và cựu tổng thống Buchanan, mặc dù không giống với  Michael Douglas trong bộ phim “Tổng thống Mỹ” năm 1995, nhưng cũng ở Nhà Trắng suốt 1 nhiệm kỳ trong tình trạng độc thân.

 

Tính “nem chả” dường cũng ảnh hưởng đến một số nhân vật nổi tiếng, như cựu Tổng thống Kennedy và Wendell Wilkie. Song hiện nay sự nghiệp chính trị của cựu Tổng thống Clinton vẫn tỏa sáng, bất chấp việc ông từng có mối quan hệ tình ái với một nữ sinh thực tập tại Nhà Trắng.

Chuyện ly dị của các tổng thống: Từ Điện Elyse đến Nhà Trắng - 1

Ông Clinton khó mà đứng vững nếu không có sự giúp đỡ của bà Hillary trong vụ bê bối tình ái với một cô thực tập sinh.

 

“Về mặt chính trị, Clinton sẽ không thể tồn tại được, nếu ông ấy từ bỏ gia đình”, Allgor nhận xét. “Ông ấy có Hillary để cảm ơn, bởi ông sẽ không thể nổi tiếng như bây giờ nếu Hillary khi đó nói: “Được rồi, tôi sẽ đi”. Nhưng bà đã khéo léo hàn gắn được gia đình”.

 

Tuy nhiên, nhà tư vấn chính trị đảng Dân chủ Bob Shrum lại đánh giá thấp tầm quan trọng của những cuộc ly dị, một vấn đề mà theo ông không có nghĩa lí gì đối với sự tín nhiệm của mọi người dành cho đệ nhất phu nhân Betty Ford hay cựu tổng thống Reagan. Cả hai đã từng có một cuộc hôn nhân khác trước đó.

 

“Ly dị không còn quan trọng nữa”, Shrum cho biết sau khi ông rời Paris, nơi hiện đang diễn ra các cuộc biểu tình về vấn đề cải cách lương hưu, làm rung chuyển chính quyền của ông Sarkozy. “Mọi người sẽ đánh giá một tổng thống dựa vào khả năng lãnh đạo đất nước, chứ không phải là cuộc sống riêng tư của ông ấy.”

 

“Có thể báo chí ở Mỹ sẽ lu loa về chuyện này, và sẽ tốn rất nhiều giấy mực. Nhưng để đánh đổ được một tổng thống đơn giản vì ông ta ly dị vợ thì thật khó”.

 

Với người Pháp thì sao?

 

Với công chúng Pháp, tin về vụ ly dị của Tổng thống Sarkozy dường như không phải là điều gì gây sốc. Từ trước các tổng thống và đệ nhất phu nhân của họ cũng đã có truyền thống “ông chẳng bà chuộc”.

 

Cựu Tổng thống Francois Mitterrand chẳng những sống ly thân vợ, bà Danielle, mà còn duy trì một gia đình bí mật thứ hai. Và nàng tình nhân của ông cuối cùng còn xuất hiện trong đám tang ông.

 

“Người Pháp nghĩ điều đó có một chút khác lạ, nhưng họ không tỏ ra quá quan tâm, sốt sắng”, Anne-Marie Gustavson, một giáo viên người Pháp cho biết.

 

Chính cựu Tổng thống Jacques Chirac cũng đã từng bóng gió đến một số mối quan hệ. Khi còn tại vị ông và vợ chỉ xuất hiện cùng nhau trong những buổi lễ quan trọng.

 

Vợ chồng tổng thống Sarkozy cũng có một cuộc hôn nhân ầm ĩ. Họ vẫn sống cùng nhau bất chấp những lời đồn đại không chung thủy. Rồi cả hai đều có hai con từ những cuộc hôn nhân trước đó.

 

Theo một cuộc thăm dò dư luận tuần này của Pháp, có tới 4 trong 5 người dân nước này coi cuộc ly dị của ông Sarkozy không có vấn đề gì. Khoảng 92% nói rằng thông tin về cuộc ly dị không có ảnh hưởng gì đối với đánh giá của họ về tổng thống.

 

Thậm chí trong cuộc phỏng vấn với tờ L'Est Republican hôm thứ năm vừa qua, bà Cecilia Sarkozy còn công khai mối quan hệ của bà với một người khác, nguyên nhân dẫn đến cuộc chia tay tạm thời với Sarkozy năm 2005. “Tôi gặp ai đó, tôi yêu người đó và rời bỏ” cuộc hôn nhân của mình, bà đã nói như vậy trước báo chí.

 

“Khi họ ly dị, người Pháp có xu hướng tách bạch giữa cuộc sống riêng tư và cuộc sống chính trị hơn người Mỹ”, Gustavson nhận xét.

 

Theo học giả nghiên cứu về các tổng thống Mỹ Russell Riley, ngược lại, người Mỹ thường đặt ra cho tổng thống của họ một tiêu chuẩn đạo đức cao hơn nhiều. “Mối khác biệt lớn giữa chúng tôi và phần lớn các nước châu Âu là chúng tôi coi tổng thống là một vị lãnh đạo về đạo đức. Ly dị vẫn là một “vết nhơ”. Và cuộc ly dị có thể làm cho một tổng thống khó mà đứng vững được trước những hậu quả chính trị nghiêm trọng. Ly dị không thể bị buộc tội, nhưng có thể sẽ không còn ai ủng hộ cho ông ấy”.

 

Nguyên Hạ

Theo AP