1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyện hiếm ở Venezuela

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa quyết định trao cho Công ty Dầu khí Rosneft (Nga) quyền phát triển 2 mỏ khí đốt lớn nhất ở biển Caribbe là Patao và Mejillones.

Hãng tin RIA Novosti đánh giá đây là chuyện hiếm có trong lịch sử Venezuela khi lần đầu tiên nước này chuyển cho một công ty nước ngoài quyền xuất khẩu 100% khí đốt từ các mỏ nằm trên lãnh thổ của mình. Theo thỏa thuận này, Rosneft được quyền xuất khẩu nhiên liệu xanh đến bất cứ địa điểm nào trên thế giới.

Bất chấp những nguy cơ khi đầu tư vào một đất nước bất ổn như Venezuela, Phó Chủ tịch Rosneft Mikhail Leontyev nhận định các điều kiện do phía Caracas đưa ra là "độc quyền", đồng thời ông gắn kết thỏa thuận trên với "lịch sử hợp tác tích cực lâu dài" giữa 2 nước. Khoản thu nhập mà Rosneft nhận được có thể cực kỳ cao: Dự kiến hằng năm sẽ khai thác được 6,5 tỉ m3 khí đốt ở 2 mỏ trên.


Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (giữa), Chủ tịch Rosneft Igor Sechin (trái) và Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Manuel Quevedo kiêm Chủ tịch PDVSA gặp mặt ở Venezuela hôm 16-12 Ảnh: REUTERS

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (giữa), Chủ tịch Rosneft Igor Sechin (trái) và Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Manuel Quevedo kiêm Chủ tịch PDVSA gặp mặt ở Venezuela hôm 16-12 Ảnh: REUTERS

Venezuela đang thiếu công nghệ để khai thác dầu khí ở những khu vực xa xôi. Vào những thập niên 1980 và 1990, Caracas tìm kiếm công nghệ khai thác và đầu tư từ các công ty Mỹ. Tuy nhiên, khi ông Hugo Chaves lên nắm quyền, các nhà quản lý Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PDVSA) từng có quan hệ hữu hảo với Mỹ đều bị sa thải. Tiếp theo đó là thời của các nhà đầu tư Nga. Tính đến năm 2017, Rosneft và PDVSA đã thành lập 5 xí nghiệp chung.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, số lượng người dân Venezuela rời đất nước đến các quốc gia Nam Mỹ khác đã tăng lên hơn 7 lần trong 3 năm qua. Tờ Miami Herald nhận định những nguyên nhân hàng đầu của tình trạng này là thiếu lương thực, xã hội hỗn loạn và tâm trạng tuyệt vọng. Theo báo cáo mới của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), có hơn 629.000 công dân Venezuela sinh sống ở 9 quốc gia lớn ở Nam Mỹ trong năm 2017, so với chỉ 85.000 người hồi năm 2015.

Còn theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), đã có hơn 100.000 người Venezuela xin tị nạn ở nước ngoài trong giai đoạn 2014-2017. Riêng số đơn nộp trong năm nay chiếm một nửa. Người phát ngôn UNHCR Regina de la Portilla cho biết người dân Venezuela rời đi vì đủ loại lý do, như tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và những nhu yếu phẩm khác.

Theo Lục San

Người lao động