1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia nhận định về mục đích của Triều Tiên khi liên tiếp thử tên lửa

Đông Phong

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, việc Triều Tiên liên tục thử nghiệm tên lửa cho thấy nước này vừa muốn thúc đẩy hiện đại hóa vũ khí, vừa muốn gây sức ép với Mỹ trước khi hai bên thực sự ngồi vào bàn đàm phán.

Chuyên gia nhận định về mục đích của Triều Tiên khi liên tiếp thử tên lửa - 1

Tên lửa phóng từ tàu hỏa của Triều Tiên hôm 14/1 (Ảnh: Reuters).

Chỉ trong vài tháng đầu năm nay, Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ phóng thử tên lửa hơn cả năm 2021. Sau một tháng tạm nghỉ, Triều Tiên trở lại gây chú ý với hai vụ thử nghiệm mới nhất mà nước này nói là để phục vụ việc phóng vệ tinh do thám lên quỹ đạo.

Phát triển kho vũ khí

Về hai vụ thử mới nhất hôm 27/2 và 5/3, Triều Tiên nói họ tiến hành những "thử nghiệm quan trọng" liên quan đến hệ thống vệ tinh do thám , song không nêu rõ loại tên lửa được phóng đi. Theo giới chức Hàn Quốc, Triều Tiên có thể đã phóng tên lửa đạn đạo trong cả hai vụ thử, từ một sân bay gần Bình Nhưỡng.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn luôn nghi ngờ rằng Bình Nhưỡng dùng những vụ phóng vệ tinh làm vỏ bọc để tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa, hành động bị cấm theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trước đó trong tháng 1, Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 7 vụ thử nghiệm, bao gồm các vụ thử "tên lửa siêu thanh", cũng như các vụ thử tên lửa phóng từ sân bay và tàu hỏa. Trong cả năm 2021, nước này chỉ tiến hành 6 vụ thử tên lửa.

Triều Tiên đã tạm dừng thử nghiệm trong phần lớn thời gian của tháng 2, dường như là vì không muốn "làm khó" Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của họ, khi Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội mùa Đông.

Song giờ đây khi thế vận hội đã kết thúc, các nhà phân tích dự báo Triều Tiên sẽ quay lại thử tên lửa, vừa để kiểm tra, cải tiến công nghệ vũ khí, vừa để giành được đòn bẩy ngoại giao với Mỹ sau 3 năm hai bên không có bất kỳ tiến triển nào trong đàm phán.

"Cần phải nhìn nhận rằng việc Triều Tiên thử tên lửa ồ ạt trong tháng 1 không phải là điều quá bất bình thường", ông Vũ Xuân Khang, nghiên cứu sinh tiến sĩ về an ninh quốc tế tại Đại học Boston, nhận định với Dân trí. "Sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội tháng 2/2019, nước này đã tuyên bố sẽ thử tên lửa tầm gần khi không đạt được bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào với Mỹ".

"Triều Tiên cần thử tên lửa đơn giản là vì nước này cần thu thập thêm thông tin kỹ thuật sau khi những nỗ lực ngoại giao trong năm 2018 và đầu năm 2019 đã làm chậm chương trình tên lửa của nước này", ông Khang, một người chuyên theo dõi các vấn đề liên quan tới bán đảo Triều Tiên, nhận định.

Theo ông Evans Revere, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ với nhiều năm kinh nghiệm đàm phán với Triều Tiên, Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm trước hết là vì muốn cải tiến và hoàn thiện các công nghệ tên lửa mới để đảm bảo chúng sẽ hoạt động như thiết kế trong trường hợp tham chiến.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Daniel Pinkston, giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học Troy (Mỹ), cho rằng khi tên lửa đang trong giai đoạn thiết kế và phát triển, các kỹ sư phải thử nghiệm nhiều lần.

"Đây là trường hợp của hai vụ thử đầu tiên trong năm 2022, mà Triều Tiên nói là thử 'tên lửa siêu thanh', nhưng chính xác hơn được gọi là 'phương tiện tái nhập cơ động (MaRV)'. Đây là những hệ thống mới nên thiết kế phải được thử nghiệm", ông cho hay.

Trong hội nghị của đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 1/2021, Bình Nhưỡng từng bố một danh sách chi tiết các loại vũ khí mà họ đang phát triển, trong đó có vệ tinh do thám, theo New York Times. Với hai vụ thử mới nhất, một số chuyên gia cho rằng việc Triều Tiên phóng vệ tinh lên quỹ đạo chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ngoài ra, đối với các hệ thống đã được triển khai, tên lửa thỉnh thoảng phải được thử nghiệm để kiểm tra độ tin cậy, theo ông Pinkston. Khi tiến hành bay thử, quân đội cũng có thể thực hành trong khi thực hiện một cuộc diễn tập quân sự, đây là cơ hội để kiểm tra các hệ thống chỉ huy và điều khiển.

"Các vụ thử thành công không chỉ giúp Triều Tiên tin tưởng vào vũ khí mới của mình mà còn gửi thông điệp mạnh mẽ tới các đối thủ tiềm tàng, bao gồm Mỹ", ông Revere, cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, nói với Dân trí. "Triều Tiên không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân".

Chuyên gia nhận định về mục đích của Triều Tiên khi liên tiếp thử tên lửa - 2

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các điểm bất thường tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên (Ảnh: Kyodo).

Để mở cánh cửa ngoại giao

Điều đáng chú ý là trong các vụ thử vừa qua, Triều Tiên mới chỉ thử tên lửa tầm gần và tầm trung nhưng chưa thử tên lửa tầm xa hay vũ khí hạt nhân như năm 2017. Khi đó, Bình Nhưỡng lần đầu tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng chạm đến đất liền Mỹ, khiến cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa "hỏa lực và thịnh nộ" với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đến năm 2018, trước thềm các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều, ông Kim tuyên bố sẽ tạm dừng thử tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân, hy vọng các cuộc đàm phán sẽ mang lại kết quả. Đến nay, dù nhiều lần đe dọa sẽ từ bỏ tuyên bố này, mới nhất là vào tháng 1, ông Kim vẫn chưa thực hiện.

"Điều đó cho thấy Triều Tiên vẫn chưa muốn hoàn toàn đóng lại cánh cửa ngoại giao với Mỹ", ông Khang bình luận.

Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể đang muốn nhân căng thẳng tại Ukraine hiện nay để gây thêm áp lực cho Mỹ trước khi hai bên có thể nối lại đàm phán. Nỗ lực đàm phán giữa hai bên đã bị ngưng trệ từ năm 2019 khi chính quyền Trump bác bỏ yêu cầu của Bình Nhưỡng về việc nới lỏng cấm vận để đổi lấy việc Triều Tiên phá hủy một cơ sở hạt nhân, tức cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ một phần năng lực hạt nhân của nước này.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden không còn coi Triều Tiên là ưu tiên ngoại giao số một như thời Trump. Thậm chí, có nhận định cho rằng ông Biden đang đi theo đường hướng của người tiền nhiệm Barack Obama với chính sách "kiên nhẫn chiến lược", khi chỉ dựa vào cấm vận thay vì ngoại giao với Bình Nhưỡng để đạt được kết quả.

"Với việc ông Biden đang dồn sự chú ý tới Ukraine, tôi nghĩ sẽ không có nhiều thay đổi trong chính sách của Mỹ với Triều Tiên. Washington vẫn coi mọi thứ trong tầm kiểm soát, bằng chứng là Triều Tiên chưa thử vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa", ông Khang nhận xét.

Hàn Quốc sẽ có tổng thống mới vào tháng 5 với cuộc bầu cử diễn ra trong tuần này. Do đó, ông Biden khả năng cao sẽ chờ người kế nhiệm Tổng thống Moon Jae-in để thảo luận chính sách Triều Tiên mới cho giai đoạn 2-3 năm tới.

Theo ông Revere, vấn đề không phải nằm ở phía Washington mà nằm ở phía Bình Nhưỡng, vì chính quyền Biden "chưa từng bàn ra hay bàn vào" khả năng đối thoại với Triều Tiên ở bất cứ mức độ nào.

Cho đến nay, ông Biden trước sau vẫn khẳng định rằng chính quyền của ông không có "ý định thù địch" với Bình Nhưỡng và sẵn sàng gặp gỡ "vô điều kiện" với mục tiêu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Tuy nhiên, ông Kim tỏ ra không hứng thú với những lời lẽ của Mỹ, vì Bình Nhưỡng cho thấy họ có ý định phi hạt nhân hóa như mong muốn của Washington, theo các chuyên gia.

"Phi hạt nhân hóa chỉ là mục tiêu của Mỹ, không phải của Triều Tiên", ông Revere nhận định. "Bình Nhưỡng dường như không muốn đàm phán vào thời điểm này. Thay vào đó, Bình Nhưỡng muốn có được sự nhượng bộ, chủ yếu từ Mỹ, về các lệnh trừng phạt và cái gọi là "chính sách thù địch' của Washington".

"Tôi không nghĩ nỗ lực kiểm soát vũ khí và giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ có kết quả sớm. Vì vậy, răn đe và ngăn chặn là lựa chọn thực tế duy nhất cho chính quyền Biden trong việc đối phó với Triều Tiên", ông Pinkston bình luận.

Theo các chuyên gia, quan hệ đang căng thẳng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc - hai nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an - sẽ khiến Liên Hợp Quốc khó đưa ra được nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì thử nghiệm vũ khí. Do đó, có khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ phóng tên lửa mang vệ tinh vào tháng 4 tới.