1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyên gia lý giải “yếu tố Nga” khiến quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ lục đục

(Dân trí) - Thỏa thuận mua bán hệ thống tên lửa S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng, dẫn tới quyết định ngưng cung cấp thị thực của Washington.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik của Nga, phóng viên Cansu Camlibel đã chỉ ra những vấn đề ẩn sâu trong căng thẳng ngoại giao hiện nay giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo phóng viên đang làm việc tại Washington này, quyết định của Mỹ có thể có liên quan tới việc Ankara quyết định mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Hệ thống tên lửa S-400. (Ảnh: Sputnik)
Hệ thống tên lửa S-400. (Ảnh: Sputnik)

Phóng viên Camlibel chia sẻ: “Nói về nguyên nhân gây ra căng thẳng, ai cũng đề cập tới vụ bắt giữ nhân viên Metin Topuz, song tôi cho rằng mọi người cũng cần nhớ là vào tháng 3 vừa qua, một thông dịch viên làm việc cho Sứ quán Mỹ tại Adana là Hamza Ulacay cũng bị bắt với cáo buộc có liên hệ với tổ chức của Giáo sĩ Gulen. Vụ việc khi đó không được dư luận Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm nhiều song lại gây ra chú ý với Washington”.

Tuần trước, nhân viên lãnh sự Mỹ Metin Topuz tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắt giữ với cáo buộc do thám.

Về vụ đảo chính bất thành hồi năm 2016, Ankara dường như cho rằng nhóm ủng hộ giáo sĩ Gulen cũng nhận được sự hỗ trợ từ Washington. Do vậy, quan điểm này đã dẫn tới những trục trặc trong quan hệ ngoại giao song phương thời gian qua. Phóng viên Camlibel đánh giá: “Sau cuộc đảo chính bất thành, có những ý kiến trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nghi ngờ về việc dường như Mỹ đứng đằng sau. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và vụ bắt giữ nhân viên ngoại giao như một ngòi nổ”.

Ngoài ra, phóng viên Camlibel cũng cho rằng thỏa thuận mua S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể là yếu tố đẩy căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Phóng viên này nhận định: “Trong các cuộc thảo luận với giới chức Mỹ, tôi cảm thấy những quan ngại nghiêm trọng của họ về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga. Về vấn đề này, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng lập luận rằng một thành viên khác của NATO là Hy Lạp cũng từng mua hệ thống S-300 song khi đó, những vấn đề liên quan tới ngoại giao không được nêu ra".

Với những diễn biến hiện nay, phóng viên Camlibel nhận định rằng không thể loại trừ khả năng Mỹ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, giống cách mà Washington làm với Moscow.

Hiện tại mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trải qua căng thẳng ở cấp độ nhẹ hơn do một số động thái từ phía Ankara. Ngày 9/10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hủy thỏa thuận mua hệ thống S-400 nếu Nga không đồng ý hợp tác sản xuất với Ankara.

Một ngày sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng cho biết sẽ không thừa nhận việc Crimea sáp nhập vào Nga dù Moscow khẳng định tiến trình trưng cầu dân ý và ly khai của bán đảo này là hợp lệ. Cùng ngày, Ankara tuyên bố áp lệnh trừng phạt với hoạt động nhập khẩu nông sản Nga.

Căng thẳng ngoại giao Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đã bùng phát từ tuần trước sau khi Ankara bắt giữ một nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul do nghi ngờ có quan hệ với nhóm mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016. Phản đối vụ bắt giữ này, Mỹ đã quyết định ngừng cấp thị thực không định cư cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới việc Ankara áp dụng biện pháp trả đũa tương tự và ra lệnh bắt nhân viên thứ hai người địa phương làm việc cho lãnh sự quán Mỹ.

Ngọc Anh

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm