1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyện “dệt” áo từ ngô ở Mỹ

(Dân trí) - Với việc tập trung phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp, chuyện ngược với truyền thống “trồng dâu nuôi tằm” ngàn xưa như “dệt” áo từ ngô là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.

 

Từ tập trung đầu tư công nghệ

 

Vào tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã có chuyến học tập và tham quam Mỹ kéo dài 2 tuần để tìm hiểu về nông nghiệp Mỹ nói chung và về công nghệ sinh học được áp dụng trong nông nghiệp ở Mỹ nói riêng.

 

Đại học bang Tennessee, thuộc thành phố Nashville, thành phố lớn thứ hai của bang Tennessee, là nơi đầu tiên chúng tôi được thấy người Mỹ đã đặc biệt chú trọng như thế nào tới nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học hay công nghệ biến đổi gen để phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao hơn, có khả năng chống sâu bệnh, môi trường khắc nghiệt, mà không gây tác động tiêu cực tới môi trường. Việc nghiên cứu được thực hiện riết ráo ở các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và ở các công ty, tập đoàn tại Mỹ, xuất phát từ thực tế 1,02 tỷ người trên toàn cầu hiện vẫn bị đói.

 
Hệ thống máy biến hạt cải dầu, đậu tương...thành dầu diesel được giới thiệu tại Đại học Tennessee.
Hệ thống máy biến hạt cải dầu, đậu tương...thành dầu diesel được giới thiệu tại Đại học Tennessee.
 

Tại trường Đại học bang Tennesssee, một trường xếp vào loại nhỏ so với các trường đại học của Mỹ, một phòng thí nghiệm nhỏ của sinh viên cao học ở đây cũng đã được trang bị rất nhiều máy móc, công cụ hiện đại để hỗ trợ đắc lực cho các công trình nghiên cứu của sinh viên, như máy tách DNA hay máy phân tích DNA. Chúng tôi được chứng kiến và thậm chí được mời tham gia vào quá trình chiết xuất DNA từ lá của một cây trồng. Nhờ máy móc, mà quá trình này diễn ra dễ dàng, nhanh chóng, trong thời gian chỉ tính bằng phút.

 
Một chiếc súng bắn gen được trưng bày tại Monsanto.
Một chiếc súng bắn gen được trưng bày tại Monsanto.
 

Còn khi muốn biến đổi gen của cây trồng, các nhà nghiên cứu cũng được hỗ trợ đắc lực bằng súng bắn gen, cho phép họ dễ dàng chuyển gen mong muốn vào tế bào.

 

Hay những bước phát triển lai tạo giống với các nhà khoa học tại Mỹ cũng được thực hiện nhẹ nhàng, với độ thành công cao hơn, tiết kiệm được thời gian, đất đai, nhờ tiến trình Chipping Process. Ví dụ, để biết được đặc tính của một hạt ngô, trước đây người ta phải trồng cả hạt ngô. Nhưng nhờ tiến trình này, giờ đây các nhà nghiên cứu chỉ cần lấy một mẩu nhỏ từ hạt bằng máy Corn Chipper (Máy tách mẫu ngô) để phân tích DNA, dự đoán đặc tính của cây được trồng từ hạt ngô đó. Tiến trình này cắt giảm quá trình chuyển giao sản phẩm mới tới các trang trại xuống còn 2 năm.
 

 

Máy lấy mẫu ngô

Máy lấy mẫu ngô

Dù Đại học bang Tennesssee là một trường nhỏ và không phải chuyên sâu về nông nghiệp, nhưng trong khuôn viên của trường cũng có khu nhà kính, hay khu trang trại rộng lớn, để giáo viên và sinh viên của trường thuận tiên giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

 

Nhưng những diện tích này không thấm vào đâu so với diện tích nhà kính rộng hàng hecta của công ty Pioneer đóng tại Des Moines, Iowa. Tại đây, cây trồng nghiên cứu được đưa vào và đưa ra từ phòng thí nghiệm qua một hệ thống hoàn toàn tự động. Chúng tôi cũng được tham quan 2 phòng thí nghiệm của Pioneer tại Des Moines, với hàng trăm máy móc và nhà nghiên cứu miệt mài làm việc nhằm phân tích hàng ngàn mẫu thử nghiệm từ khắp nơi trên thế giới gửi về và từ đó để phát triển giống biến đổi gen, có những đặc tính mong muốn.

 

Theo ước tính trung bình, người Mỹ chi tới 135 triệu USD để phát triển và đưa vào sử dụng mỗi một giống biến đổi gen mới. Mỗi một giống mới này được thử nghiệm và được kiểm tra gắt gao giống như khi đưa ra một loại thuốc mới và phải được Bộ Nông nghiệp, Cơ quan bảo vệ môi sinh và Cục quản lý thực và dược phẩm Mỹ phê chuẩn.

 

Chỉ nhìn vào những con số cũng có thể thấy rõ vấn đề đầu tư cho công nghệ, nghiên cứu khoa học, được chú trọng một cách nghiêm túc như thế nào ở Mỹ. Ví dụ như công ty Monsanto, đóng ở St Louis, Missouri, riêng chi phí hoạt động cho trung tâm nghiên cứu của họ đã lên tới khoảng 4 triệu USD/ngày, tức vào khoảng 1,5 tỷ USD/năm. Cứ 1 USD lợi nhuận thì có 3 xu được đầu tư trở lại vào nghiên cứu. Chính vì vậy, trung tâm nghiên cứu của công ty này có xấp xỉ 250 phòng thí nghiệm, 122 phòng phát triển cây, nơi các nhà nghiên cứu tạo môi trường khí hậu như thật ở một vùng địa lý cụ thể  trên thế để theo dõi, nghiên cứu sự phát triển của cây trồng. Ngoài ra còn có 2 acres (khoảng 1 hecta) nhà kính trên nóc tòa nhà nghiên cứu, biến nơi đây thành một trong những khu nhà kính trên cao lớn nhất thế giới.

 

Đến “dệt” áo từ ngô

 
Chiếc áo khoác có hành phần làm từ ngô.
Chiếc áo khoác có hành phần làm từ ngô.
 

Không những tập trung phát triển cây trồng biến đổi gen, Mỹ cũng nghiên cứu áp dụng công nghệ để tận dụng sản lượng cao đạt được từ cây trồng biến đổi gen như hạt cải dầu, dậu tương, hạt hướng dương hay thậm chí là cỏ ngọt (loài cây dễ trồng, kinh tế hơn) để sản xuất ra nhiêu liệu sinh học, trong đó có dầu diesel.

 

Tại trường Đại học Tennessee, chúng tôi được giới thiệu máy sản xuất dầu diesel sinh học loại nhỏ cho nông dân, để họ có thể tự chiết xuất và chế tạo dầu sinh học ngay trên cánh đồng của mình. Máy là hệ thống gọn nhẹ, có thể đặt trên xe tải nhỏ, gồm 2 bộ phận ép dầu và bộ phận xử lý thành dầu diesel. Với chiếc máy có giá từ vài nghìn cho tới vài chục nghìn, nông dân có thể tự sản xuất dầu diesel từ hạt đậu nành, hạt cải dầu hay hạt hướng dương.

 

Đặc biệt hơn, từ các sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen như ngô, các nhà nghiên cứu của công ty Pioneer, thuộc Dupont, đã nghiên cứu sản xuất ra loại thảm được giới thiệu là mềm hơn và cũng bền hơn.

 
Ngô cũng là thành phần để tạo nên loại thảm mềm hơn và bền hơn.
Ngô cũng là thành phần để tạo nên loại thảm mềm hơn và bền hơn.
 

Hay cũng từ ngô, mà họ cũng “dệt” được chiếc áo khoác có vải mềm hơn, chống bẩn cũng như có độ bền, chắc cao. Câu chuyện về vải Sorona đã được biết đến từ năm 2000 và chủ tịch của công ty này đã từng mặc một bộ vét làm từ “vải ngô” Sorona.

 

Ngoài nghiên cứu về để cho ra thị trường những hạt giống biến đổi gen, tại Monsanto, các nhà nghiên cứu còn đang nghiên cứu phát triển cây từ một tế bào duy nhất. Từ một tế bào, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu phát triển nó trong các môi trường hóc-môn khác nhau, để tạo ra rễ, lá, thân cây…và cuối cùng là một cây hoàn chỉnh.

 

Theo Greg Dana, Giám đốc phụ trách các nước xuất khẩu châu Á của công ty Pioneer tại Des Moines, Iowa, Mỹ, thì nhờ công nghệ sinh học, từ năm 1996, thế giới đã sản xuất thêm 195 triệu tấn ngô, 110 triệu tấn đậu tương và mang về thêm cho nông dân 98 tỷ USD. Riêng tại Mỹ, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, cây trồng biến đổi gen ngày càng được trồng rộng rãi tại nước này. Cụ thể 90% ngô được trồng ở Mỹ năm 2013 là ngô biến đổi gen, trong khi số đậu tương biến đổi gen được trồng tại đây cũng trong năm nay còn lớn hơn, chiếm 93%.

 

Một nông dân ở Des Moines, Iowa, với diện tích trang trại khoảng 600 hecta, cho biết, nhờ trồng ngô và đậu tương biến đổi gen, có khả năng chống sâu bệnh, hạn hán, mà năng suất mỗi vụ của ông cao hơn gấp 3-4 lần so với 15 năm trước.

 

Nhờ ứng dụng những kỹ thuật và máy móc tiên tiến, hiện đại, nên mặc dù chỉ khoảng 3% dân số làm nông nghiệp, nhưng họ không những cung cấp đủ nhu cầu về một số sản phẩm cho cả nước mà còn xuất khẩu trên khắp thế giới.

Chính vì vậy mà cách đây không lâu Joseph Glauber, kinh tế trưởng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), từng tự tin dự báo rằng, mặc dù phải đối mặt với hạn hán, triển vọng xuất khẩu nông sản của Mỹ (trong đó có ngô, đậu tương, bông) năm nay sẽ đạt mức kỷ lục, 142 tỷ USD, cao hơn năm tài khóa 2012 khoảng 6,2 tỷ USD.

 

Vũ Quý