1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyến công du khó khăn của Obama tới châu Á

(Dân trí) - Chưa nguôi ngoai sau thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 4/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama lại lên đường tới Trung Quốc vào cuối tuần này để tái khẳng định với các quốc gia châu Á về cam kết của Washington nhằm "xoay trục" sang khu vực.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ lên đường công du châu Á vào ngày mai 9/11.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ lên đường công du châu Á vào ngày mai 9/11.

Lo lắng bộn bề trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu, từ phiến quân Hồi giáo tại Iraq và Syria tới cuộc xung đột ở Ukraine và đại dịch Ebola, ông Obama sẽ vẫn đặt mục tiêu bác bỏ những lo ngại rằng sự chú ý của Washington ngày càng rời xa khỏi các vấn đề của châu Á.

Ngoài việc tham dự hội nghị thương đỉnh kéo dài 2 ngày với các lãnh đạo APEC, khai mạc vào thứ Hai tuần tới tại Bắc Kinh, ông Obama sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Ba và thứ Tư.

Sau đó nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đi Myanmar tham dự hội nghị cấp cao Đông Á bên lề một nghị thượng đỉnh ASEAN tại Naypyidaw trước khi tới Brisbane, Úc dự hội nghị G20.

"Đây là sẽ một chuyến công du khó khăn cho Tổng thống", Ernest Bower, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), nhận định.

"Tôi nghĩ khi Đông Nam Á quan sát chuyến thăm này và khi ông ấy đến, họ sẽ băn khoăn tự hỏi rằng Barack Obama bây giờ là ai sau cuộc bầu cử giữa kỳ".

"Họ sẽ muốn xem liệu ông ấy có bổn phận và khả năng chính trị, nguồn lực chính trị để thực hiện các cam kết trước đó hay không", ông Bower nói thêm.

Đảng Dân chủ của ông Obama đã thất bại nặng nề trước đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua. Các đối thủ chính trị của ông Obama đã nắm vị thế lãnh đạo tại quốc hội, giành quyền kiểm soát thượng viện và củng cố thế đa số tại hạ viện.

Các đồng minh trên toàn cầu giờ đây đang quan sát một cách lo lắng xem liệu ông Obama có thể thực hiện các chương trình đối ngoại nào hay không hay ông sẽ bị gây "làm khó" bởi một quốc hội với các ý tưởng rất khác về đường hướng tương lai của nước Mỹ.

Chỉ ít ngày trước chuyến công du châu Á, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã mỉa mai sự lãnh đạo của ông Obama.

"Ông Obama thường nói "Đúng, chúng tôi có thể", vốn khiến mọi người rất kỳ vọng vào ông ấy", tờ Thờ báo Hoàn cầu viết, liên hệ tới khẩu hiệu "Yes, we can" trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2008 của ông. "Nhưng ông ấy đã làm một công việc tẻ nhạt, hầu như không mang lại điều gì cho những người ủng hộ. Xã hội Mỹ ngày càng chán nản với sự tầm thường, vô vị của ông ấy".

Nhưng chuyến thăm này cũng là cơ hội để ông Obama gắn kết với châu Á sau khi bị cuộc phải hủy chuyến công du tới Bali, Indonesia để tham dự hội nghị APEC hồi năm 2013 do cuộc khủng hoảng ngân sách. Mặc dù các quốc gia châu Á vẫn lịch sử nói rằng họ hiểu lý do ông Obama không đến, nhưng ở "hậu trường" đã xuất hiện những lời bàn tán.

"Tổng thống vẫn cam kết với châu Á về chiến lược tái cân bằng và việc thực thi nó sẽ là ưu tiên hàng đầu trong suốt nhiệm kỳ 2", cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice khẳng định hôm 7/11.

"An ninh và sự thịnh vượng của Mỹ ngày càng gắn bó chặt chẽ với châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ hiện vẫn là sẽ là một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương", bà Rice nhấn mạnh.

Những quan tâm hàng đầu của ông Obama trong các cuộc hội đàm với giới chức Trung Quốc là tội phạm mạng, căng thẳng lãnh thổ do các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.

Có một vài hi vọng cho các cuộc hội đàm mang tính xây dựng về chủ đề biến đổi khí hậu tại Bắc Kinh trong bối cảnh hai nước thải khí CO2 nhiều nhất thế giới và tiêu thụ năng lượng lớn nhất hướng tới các cuộc đàm phán quan trọng của Liên hợp quốc về sự nóng lên của khí hậu toàn cầu ở Paris, Pháp vào năm tới.

Ông Obama cũng sẽ gặp lãnh đạo từ các đồng minh khu vực, trong đó có Thủ tướng Úc Tony Abbott, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, và có cuộc hội đàm đầu tiên với tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Tại Myanmar, chuyến công du lần thứ 2 của ông tới nước này, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ gặp Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Washington đang nỗ lực để bình thường hóa quan hệ với Myanmar, dỡ bỏ hầu hết các biện pháp cấm vận của Mỹ vốn được áp dụng với chính quyền quân sự cũ.

Việc đảng Cộng hòa kiểm soát quốc hội có thể là tin tốt cho chính quyền Obama trong bối cảnh Mỹ muốn ký kết một thỏa thuận thương mại tự do đầy tham vọng, Hiệp ước Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia gồm 12 nước, vì phe Cộng hòa có khuynh hướng ủng hộ TPP.

Trung Quốc đã bị loại khỏi các cuộc đàm phán hiện thời, nhưng Mỹ và Nhật đang mong muốn ký kết hiệp ước sớm nhất có thể. Tuy nhiên, giới chức Nhà Trắng nói rằng một tuyên bố về TPP tại các cuộc hội đàm APEC là không có khả năng xảy ra.

An Bình
Tổng hợp