1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyện chưa kể về hai vị cựu đại sứ

Họ can dự và là nhân chứng sống của nhiều mốc lịch sử quan trọng trên đấu trường chính trị và thương mại toàn cầu. Họ đã kể câu chuyện này, qua những giờ trò chuyện và những ngày nối mạng miệt mài giữa Hà Nội - Geneva và Brussels.

Nhân vật thứ nhất là một người Việt quốc tịch Pháp, là đại sứ đầu tiên của phái đoàn Ủy ban châu Âu được biệt phái sang Geneva từ năm 1979-1994. Nhiệm vụ của ông là tham gia các cuộc đàm phán về hệ thống thương mại đa phương cũng như tham gia việc thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ông tên là Paul Trần Văn Thình, hiện sống cùng vợ và hai con tại Brussels (Bỉ).

 

Nhân vật thứ hai có cái tên đậm chất VN, ông Lê Văn Lợi, cựu đại sứ của chính quyền miền Nam lúc đó bên cạnh Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Geneva từ năm 1966 -1975. Trong thời gian làm việc tại Geneva, ông liên tục được bầu vào vai trò phát ngôn viên và điều phối viên của khối 77 quốc gia đang và kém phát triển (G77) tại các hội nghị của UNCTAD (Hội nghị LHQ về phát triển và thương mại). Trong các cuộc đàm phán để tranh đấu quyền lợi thương mại cho các nước đang phát triển, “đối thủ” của ông Lợi lại chính là ông Trần Văn Thình.

 

Câu chuyện thứ nhất

 

Mối quan hệ thân thiết Lê Văn Lợi - Trần Văn Thình thiết lập từ những năm 1950. Hai ông cùng học tại Viện hàn lâm Khoa học chính trị Paris và tốt nghiệp tháng 6/1954, cùng thời gian với Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Ông Trần Văn Thình sau đó làm việc cho Bộ Kinh tế Pháp trong khi ông Lê Văn Lợi trở về VN. Mười năm sau, hai người bạn học gặp lại nhau lần đầu tiên tại London trong cuộc họp của Hội đồng Đường (Sugar Council), mở đầu cho quãng thời gian “bôn ba” tại các vòng đàm phán thương mại toàn cầu.

 

Ông Lê Văn Lợi kể trong một email: “Năm 1967 tại Hội nghị bộ trưởng các nước châu Á ở Bangkok, tôi lúc đó với tư cách là chủ tịch ủy ban trù bị đã yêu cầu Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) gửi phái đoàn đến Bangkok để trao đổi không chính thức về chương trình nghị sự của kỳ họp UNCTAD II tại New Delhi. Trưởng phái đoàn EEC hóa ra là Trần Văn Thình, người bạn học của tôi. Bộ trưởng các nước châu Á đánh giá rất cao sự đóng góp của Trần Văn Thình, cả trên cấp độ chính thức lẫn cá nhân.

 

Đó là điểm khởi đầu cho sự hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa Trần Văn Thình và các thành viên của G77. Lúc đó tại các nước châu Á, Thình được gọi là “người đàn ông EEC tự do hóa công nghiệp dệt may” với 32 hiệp định dệt may do ông chủ trì đàm phán. Tại Geneva, danh tiếng của Thình nổi như cồn bởi kỹ năng đàm phán nổi trội của mình. Trong rất nhiều dịp, tôi ngồi chung một bàn làm việc thực thi công việc đàm phán đầy khó khăn với Thình. Tuy nhiên, chúng tôi vô cùng tự hào bởi hai người sinh ra ở VN đã đóng vai trò dẫn dắt cho nhóm mình đại diện”.

 

Làm thế nào một người Việt đại diện cho quyền lợi các nước phát triển lại “được lòng” các nước đang phát triển trong các cuộc mặc cả thương mại đầy chông gai? Từ Brussels, ông Thình viết: “Tôi không bao giờ nói dối; tôi chỉ luôn nói lên sự thật nhưng không phải tất cả sự thật để tránh sự trần trụi. Tôi nhấn mạnh rằng điều khoản thỏa thuận ít quan trọng hơn việc thực thi nó. Thành công thật sự của mỗi nước nằm ở việc theo đuổi và triển khai các thỏa thuận thế nào. Cách thức này vẫn luôn phát huy hiệu quả.

 

Tất nhiên, thỉnh thoảng vẫn có nhiều người giận dữ với tôi, ví dụ phái đoàn của Hong Kong, Hàn Quốc và Đài Loan trong các cuộc đàm phán dệt may cực kỳ căng thẳng vào năm 1977. Nhưng một năm sau khi thực thi, họ đã nhận ra rằng thỏa thuận tuy cứng rắn nhưng công bằng và hạn chế thiệt hại của họ. Còn thỏa thuận với Bắc Kinh vào năm 1979 đã được hoan nghênh nhiệt liệt...”.

 

Sau 1975, ông Trần Văn Thình tiếp tục lập kỷ lục với việc dẫn đầu một nhóm 80 chuyên gia châu Âu tại 50 cuộc đàm phán đa phương trong khuôn khổ của GATT (tiền thân của WTO), bao gồm cả vòng Uruguay mà không gặp bất kỳ thất bại nào.

 

Trong một email, tôi tò mò hỏi ông Thình: Làm thế nào một người VN trở thành “một trong các kiến trúc sư cho vòng đàm phán Uruguay, một nhà chiến lược, một người bạn và cũng là một người luôn biết tìm ra lối thoát đối với những nhu cầu cấp bách của hệ thống thương mại toàn cầu”? (Theo lời của tổng giám đốc GATT cũng là tổng giám đốc WTO đầu tiên Peter Sutherland).

 

Và ông Thình đã gửi cho tôi những dòng tự sự từ Brussels:

 

“Cậu bé cầm tinh con rồng được sinh ra trên vựa lúa tỉnh An Giang, một vùng quê êm ả thanh bình. Nhưng mọi thứ đã đảo lộn. Đầu tiên là một cuộc chiến tranh bất ngờ ập đến, mọi trật tự cũng vì thế mà đổi thay... “Rồng Con” đã chọn con đường hoạt động bí mật, tham gia lực lượng vũ trang Bộ đội Hoàng Diệu thuộc Tỉnh bộ Đồ Chiểu (Bến Tre).

 

Một buổi tối, “Rồng Con” đã bị lính viễn chinh Pháp bắt quả tang vì trong túi quần giấu lựu đạn và sáng sớm hôm sau sẽ bị xử bắn vì phạm tội khủng bố. Nhưng “Rồng Con” thật là cao số: đúng vào lúc bình minh ngày hôm sau đó, một tuyên úy đạo Tin Lành đã cứu chú và đưa chú sang Pháp. Cuộc sống thường nhật ngày ấy ở Pháp cũng đầy rẫy những khó khăn vất vả nhưng bù lại người ta thật sự được tiếp cận với những giá trị của tự do, bình đẳng, bác ái và tinh thần nhân đạo cao cả...

 

Biết chiến tranh là thế nào thì ta sẽ càng yêu quí hòa bình và cũng chính vì vậy suốt cuộc đời sau này, “Rồng Con” đã chọn con đường phấn đấu làm cho châu Âu trở thành một nhân tố hòa bình. Và dù ở đâu, “Rồng Con” vẫn thủy chung với ba cội nguồn: VN, nước Pháp và châu Âu. Nói một cách vui vui đó là một món xốt mayonnaise, một món xốt có ba thành phần: lòng đỏ trứng gà, mù tạc và dầu, trong đó phần trứng là VN, mù tạc là Pháp và dầu là châu Âu. Ba thành phần này được đánh nhuyễn, luôn giữ ở nhiệt độ ấm áp, thêm chút muối, chút hạt tiêu. Đó chính là những gì tạo nên người viết những dòng này. Mới đấy đã 76 năm trôi qua...”.

 

Nhưng chắc chắn “món xốt mayonnaise” không thể làm nên chuyện nếu chỉ ngồi đợi người ta đưa ra bày biện tại các bữa tiệc sang trọng.  Hỏi ra mới biết trong suốt 35 năm ròng ông luôn làm việc cật lực 15-16 giờ một ngày và cố gắng làm tốt hơn người châu Âu. Phương châm sống của ông là “trọng thị, thẳng thắn và bao dung”. Ông luôn giúp đỡ các bạn trẻ, không phải bằng cách “lên lớp” mà bằng cách chia sẻ những giá trị sống và kiến thức của mình.

 

Câu chuyện thứ hai

 

 

Chuyện chưa kể về hai vị cựu đại sứ - 1
 

Ông Lê Văn Lợi cùng vợ

đang sống tại Geneva

Với người bạn Lê Văn Lợi, ông Thình còn thể hiện cả sự chia sẻ tri âm. Tại hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Geneva do phái đoàn VN tại Geneva tổ chức ngày 26/4/2004, ông Thình với tư cách là một trong các diễn giả đã đưa ông Lê Văn Lợi tới dự cùng. Ông Trần Văn Thình đã giới thiệu ông Lê Văn Lợi với đại sứ Ngô Quang Xuân, trưởng phái đoàn VN bên cạnh LHQ tại Geneva. Đó là lần đầu tiên hai đại sứ của VN tại Geneva - một của miền Nam VN lúc trước, một của nước VN thống nhất - có dịp gặp gỡ.

 

Ông Lợi quê ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng sinh ra ở Lạng Sơn năm 1927, nơi thân sinh ông lúc đó giữ chức tuần phủ. Ông từng theo học tại trường Pháp Lycée Albert Sarraut ở Hà Nội trước khi cha ông thuyên chuyển vào miền Nam. Năm 1954, ông Lợi tham dự Hội nghị Geneva tái lập hòa bình tại Đông Dương với vai trò tùy viên báo chí của phái đoàn miền Nam. Từ sau 1975, ông Lợi định cư luôn tại Geneva cùng với người vợ Đan Mạch. Suốt gần 30 năm, ông không trở lại quê nhà. Thế rồi vào năm 2004, ở tuổi 77, ông đã thay đổi ý định.

 

Ông Trần Văn Thình sau khi hoàn tất dự án eLàngViệt - dự án mang công nghệ thông tin đến vùng nông thôn VN - đã mời người bạn của mình về nước dự buổi lễ ký kết dự án tại Hà Nội. Ông Thình nhân đó nhờ đại sứ Ngô Quang Xuân hướng dẫn ông Lê Văn Lợi chuẩn bị hành trình về nước.

 

Ông Lợi về nước tháng 7/2004 và đoàn tụ với gia đình tại Hà Nội sau 52 năm xa biệt. Ông về thăm quê và lên Đà Lạt thắp hương tại mộ cha. “Tôi gặp lại chị dâu và lần đầu gặp mặt ba người cháu, tám người chắt. Cuộc đoàn tụ gia đình đầy xúc động này kéo dài hơn một tháng, nhờ sự khuyến khích của đại sứ Thình và đại sứ Xuân. Tôi và vợ tôi tạm biệt VN, mang về biết bao kỷ niệm tràn trề cảm xúc về buổi bình minh của quê hương. Chúng tôi đã cam kết với gia đình sẽ trở lại Hà Nội trong một ngày gần đây. Từ nay, VN sẽ là nơi chúng tôi về nghỉ hè chứ không phải là nơi nào khác như trước đây”, ông Lợi viết từ Geneva.

 

Theo Cẩm Hà

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm