1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chủ tịch Trung Quốc “đuối lý” khi nói về căng thẳng Biển Đông

(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục đưa ra những lập luận cũ kỹ và thiếu tính lập luận khi nói về tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Malaysia Najib Razak họp báo chung sau hội đàm.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Malaysia Najib Razak họp báo chung sau hội đàm.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày hôm qua ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc trân trọng hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Ông cũng nói rằng Trung Quốc sẽ có những phản ứng “ở mức độ cần thiết” đối với tình hình hiện nay ở vùng biển này và tái khẳng định quan điểm của Bắc Kinh phản đối quốc tế hóa các tranh chấp trong khu vực.

Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi trực tiếp về vấn đề Biển Đông với Thủ tướng Malaysia Najib Razak, một trong 4 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tranh chấp tại Biển Đông với Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong các phát biểu đưa ra, ông Tập Cận Bình không đưa ra được các lập luận sắc bén, mà chỉ lập lại những quan điểm phi lý cố hữu của Trung Quốc tại vùng biển có ý nghĩa chiến lược quốc tế này.

"Tình hình hiện tại Biển Đông nói chung ổn định, song các dấu hiệu đáng để lưu ý cũng bắt đầu xuất hiện... Chúng tôi sẽ không bao giờ gây rối, song sẽ phản ứng ở mức độ cần thiết đối với những hành động gây hấn của các nước hữu quan", ông Tập nói.

Với những căng thẳng ở Biển Đông hiện nay, với các vụ tàu Trung Quốc đâm va và bắn vòi rồng gần như hàng ngày vào các tàu chấp pháp của Việt Nam, và gần đây nhất là vụ đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, thì việc Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng “tình hình tại Biển Đông nói chung ổn định” và Trung Quốc “không bao giờ gây rối” chẳng khác nào hành động lảng tránh sự thật. Sự lảng tránh đó xuất phát từ việc Bắc Kinh không thể giải thích được về những hành vi ngang ngược này cũng như việc nước này ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam.

Không chỉ chối bỏ sự thật, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn lảng tránh các cuộc đàm phán đa phương về căng thẳng tại Biển Đông khi kiên quyết phản đối việc phức tạp hóa, mở rộng và quốc tế hóa các tranh chấp khu vực về chủ quyền.

Lâu nay, Trung Quốc vẫn kiên trì quan điểm chỉ đối thoại về tranh chấp Biển Đông với từng quốc gia liên quan hòng tận dụng lợi thế nước lớn để gây ảnh hưởng và sức ép lên các nước này.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tranh thủ kêu gọi tăng cường đối thoại song phương nhằm duy trì ổn định ở Biển Đông. Tuy nhiên, Thủ tướng Najib Razak khẳng định việc đối thoại cần được thực hiện giữa các bên có tuyên bố chủ quyền.

“Các bên tuyên bố chủ quyền sẽ giải quyết bất đồng một cách phù hợp thông qua trao đổi thông tin và đối thoại trực tiếp”, Thủ tướng Najib nhấn mạnh.

Thủ tướng Najib đang có chuyến thăm chính thức 6 ngày tới Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông hết sức căng thẳng sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Najib kể từ sau vụ mất tích máy bay mang số hiệu MH-370 chở 239 người, trong đó phần lớn là hành khách Trung Quốc.

Vũ Anh