1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hậu Hồ sơ Panama và cam kết minh bạch tài chính:

Chờ thêm những quyết định dũng cảm

Vụ Hồ sơ Panama có thể còn để lại những hệ lụy về kinh tế, chính trị nặng nề hơn nếu nó không bị phát giác. Sau vụ việc, nhiều quốc gia, cá nhân các nhà lãnh đạo trên thế giới đã đưa ra những quyết định minh bạch tài sản cá nhân...

Công khai tài sản cá nhân để xây dựng chính phủ “sạch”

Sau khi tên tuổi bản thân và gia đình Thủ tướng Anh David Cameron được nêu trong Hồ sơ Panama, Thủ tướng Anh đã thừa nhận mình sai. Thủ tướng Anh đã trở thành nhà lãnh đạo Anh đầu tiên công khai các vấn đề tài chính cá nhân.

Thủ tướng Anh cho biết, ông đã công khai các khoản hoàn thuế trong suốt 7 năm qua, đồng thời nhấn mạnh việc công bố thông tin để ông “hoàn toàn cởi mở và minh bạch” về vấn đề tài chính của bản thân. “Tôi có thể đã giải quyết mọi chuyện một cách ổn thỏa hơn. Có những bài học hữu ích và tôi sẽ rút kinh nghiệm từ sự kiện này. Xin đừng chỉ trích văn phòng Thủ tướng hay các cố vấn. Hãy chỉ trích tôi”, Thủ tướng David Cameron nói.

Sau Thủ tướng Cameron, đến lượt Thủ hiến Scotland đồng thời cũng là thủ lĩnh Đảng Dân tộc Scotland (SNP) Nicola Sturgeon Bộ trưởng Tài chính George Osborne, thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn và Thị trưởng London Boris Johnson cùng nhiều quan chức cấp cao khác đã công khai về tình trạng thu nhập cũng như đóng thuế của mình.

Thông báo của Phủ Thủ tướng Anh khuyến cáo “các thủ tướng tiềm tàng” nên chuẩn bị tinh thần công khai hồ sơ đóng thuế của họ trong tương lai.

Người dân Iceland biểu tình phản đối việc gian lận thuế. Ảnh: Thenation.com
Người dân Iceland biểu tình phản đối việc gian lận thuế. Ảnh: Thenation.com

Nhận xét về điều này, cựu Ngoại trưởng, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh William Hague chỉ rõ cả những mặt tốt và những yếu tố còn tranh cãi. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng BBC ngày 12-4, cựu Ngoại trưởng Hague cho rằng, tăng cường sự minh bạch là cần thiết, nhưng dư luận cần có sự nhìn nhận thực tế rằng tình hình tài chính của một cá nhân không quyết định về khả năng lãnh đạo của người đó.

Còn thủ lĩnh Đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage cho rằng, công khai hồ sơ thuế cá nhân không đồng nghĩa với việc tất cả mọi người phải công khai những vấn đề riêng tư.

Để thể hiện quyết tâm minh bạch hóa tài chính và xây dựng một chính phủ “sạch”, ngay sau khi minh bạch tài sản của cá nhân, trong ngày 10-4, Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố kế hoạch thành lập “lực lượng chuyên trách” nhằm điều tra cụ thể những cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có liên quan tới các quỹ và công ty mà Mossack Fonseca giúp thành lập.

Trong một tuyên bố ông cho biết, các nhà điều tra do giới chức ngành thuế và cơ quan chống tội phạm quốc gia dẫn đầu, sẽ xác định các sai phạm liên quan tới Hồ sơ Panama.

Không hợp tác về thuế sẽ bị trừng phạt

Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo sẽ trừng phạt các nước có hành động “giống” Panama nếu tiếp tục từ chối hợp tác đầy đủ trong cuộc chiến chống rửa tiền và trốn thuế. Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ Pierre Moscovici cho rằng, EU cần phải sẵn sàng đối phó bằng những biện pháp trừng phạt đích đáng với các quốc gia không sẵn sàng hợp tác.

Trong một diễn biến liên quan, 5 nền kinh tế hàng đầu EU, gồm: Anh, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đã đồng ý việc trao đổi dữ liệu về những người trốn thuế. Thông tin về “chủ sở hữu hưởng lợi” thật sự của các công ty và quỹ đầu tư sẽ được tự động trao đổi.

Các quan chức Bộ Tài chính Anh phân tích rằng động thái này sẽ khiến các doanh nghiệp và giới nhà giàu gặp khó khăn hơn trong việc trốn thuế. Quan chức 5 quốc gia trên mong muốn thúc đẩy mở rộng ra những thành viên còn lại của khối G20 và các cường quốc khác theo hướng này.

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính 5 nước trên, vì vụ Hồ sơ Panama đã bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia để tăng cường biện pháp chống tình trạng gian lận thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

Ngày 12-4, Ủy ban châu Âu (EC) vừa trình Nghị viện châu Âu (EP) các biện pháp mới mà EC đề xuất, như: Tập đoàn đa quốc gia, bất kể đến từ quốc gia nào, nếu doanh thu lên hơn 750 triệu euro, sẽ phải công bố các thông tin về doanh số, kế toán và lợi nhuận… Lợi nhuận thu được ở quốc gia nào sẽ phải nộp thuế ở ngay đó. Tất cả những thông số này sẽ được những cơ quan thuế của các nước thành viên EU chia sẻ cho nhau một cách tự động.

Hàng loạt công ty đa quốc gia như Amazon, Google, Facebook, Coca Cola... sắp tới sẽ phải ra trước Nghị viện châu Âu để trình bày ý kiến của họ về những đề xuất mới nói trên của EC.

Liên quan tới Panama, sau vụ việc Hồ sơ Panama, quốc gia vùng Trung Mỹ này tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban chuyên gia quốc tế để tìm kiếm cách thức tăng cường tính minh bạch trong ngành tài chính ở nước ngoài. Theo Tổng thống Panama Hoan Juan Carlos Varela, các kết quả có được từ ủy ban này sẽ được chia sẻ để có thể cùng hành động thúc đẩy sự minh bạch ở các trung tâm pháp lý và tài chính trên thế giới.

Trong một tuyên bố ngày 14-4, Phó tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Panama Isabel De Saint Malo khẳng định, việc minh bạch hóa ngành tài chính của Panama là tiến trình “không thể đảo ngược”. Panama sẵn sàng và chủ động hỗ trợ đối thoại cũng như cải cách trong nước để giải quyết thách thức toàn cầu này.

Quan chức trên tái khẳng định cam kết của quốc gia Trung Mỹ này trong triển khai cơ chế trao đổi thông tin song phương tự động theo đúng mục tiêu của Tiêu chuẩn chung về báo cáo thuế. Bên cạnh đó, Panama sẵn sàng tham gia các đối thoại quốc tế với đội ngũ kỹ thuật quốc tế để đánh giá các cơ chế đa phương đặc thù cần thiết nhằm triển khai những tiêu chuẩn này.

Đồng thời, chính phủ Panama ngày 14-4 cũng thông báo sẽ tăng cường giám sát các công ty. Bà Carlamara Sanchez, người đứng đầu cơ quan giám sát các công ty phi tài chính của chính phủ, cho hay, biện pháp giám sát mới sẽ được khởi động trong vài ngày tới.

Theo Nguyễn Hòa

Quân đội nhân dân