1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chính sách đối ngoại của Nga sẽ theo hướng nào?

(Dân trí) - Thời gian qua, giới học giả đã dành nhiều thời gian đánh giá những “bước đi đối ngoại” của tân tổng thống Nga Medvedev, để xem liệu ông có tiếp tục chính sách ngoại giao cứng rắn với phương Tây mà thủ tướng Putin đã khéo léo tiến hành khi còn đứng đầu điện Kremlin.

Tân tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã tiếp nhận một di sản chính sách đối ngoại tương đối phức tạp từ người tiền nhiệm, mà điểm then chốt đã được xác định trong bài phát biểu của ông Putin tại Munich (Đức) hồi tháng 1/2007.

Trong bài phát biểu đó, ông Putin kết luận rằng khoảng thời gian được cho là căng thẳng tột đỉnh trong quan hệ Mỹ - Xô những năm 1980 thực chất là một trong những thời kỳ êm đẹp nhất của quan hệ Đông - Tây. Do đó, ông thể hiện rõ sẽ nỗ lực đưa quan hệ Nga - Mỹ quay lại thời kỳ “ổn định” này.

Trên thực tế, khi còn nắm giữ cương vị Tổng thống Nga, ông Putin đã đưa rất nhiều vấn đề cũ và khá rắc rối của thời Chiến tranh Lạnh trở lại bàn đàm phán như hệ thống phòng thủ tên lửa, vấn đề cân bằng vũ khí thông thường tại Châu Âu, hay kế hoạch hạt nhân chiến lược. Bên cạnh đó, ông cũng không ngừng lên án ý đồ đạt thế “vượt trội” về quân sự của Mỹ và NATO.

Hiện tại, tổng thống Medvedev có ít nhất hai sự lựa chọn để quyết định nên làm thế nào với di sản chính sách đối ngoại này, tiếp tục đường lối cứng rắn với phương Tây hay thực thi một chính sách mang tính hàn gắn quan hệ nhiều hơn.

Từ khi nhậm chức, phát biểu quan trọng nhất của ông Medvedev, được xem thể hiện quan điểm về đường lối ngoại giao, là lời kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh toàn Châu Âu. Trong chuyến thăm Berlin hồi đầu tháng 6, ông đã đưa ra lời kêu gọi này nhằm đạt được hiệp định ràng buộc pháp lý về vấn đề an ninh của Châu Âu.

Trong nỗ lực định hình khuôn khổ chính sách an ninh của mình, ông Medvedev đã khẳng định Hiệp định Kellogg-Briand năm 1928, hiệp định đa phương lên án việc xem chiến tranh như một công cụ của chính sách quốc gia, “có hy vọng thành công” trong thế giới ngày nay.

Cũng như người tiền nhiệm, tổng thống Medvedev đang cố gắng ngăn chặn việc mở rộng NATO bằng những tuyên bố về hậu quả nghiêm trọng của chiến lược này. Trong bài phát biểu tại Berlin, ông Medvedev khẳng định nếu các quốc gia NATO tiếp tục chiến lược mở rộng, ông “tin rằng quan hệ giữa Nga và Liên minh quân sự này sẽ xấu đi trong thời gian tới. Tất nhiên, sẽ không có sự đối đầu trực diện, song cái giá phải trả sẽ rất cao.”

Tuy nhiên, ông Medvedev cũng không quá mạo hiểm trong quan hệ với phương Tây. Trong khi ông Putin đe dọa tấn công tên lửa vào Ukraine nếu nước này gia nhập NATO, thì ông Medvedev lại “mềm dẻo” hơn với gợi ý rằng quan hệ hợp tác giữa Nga và Liên minh trong việc triển khai quân tại Afghanistan có thể sẽ xấu đi.

Hơn nữa, tại hội nghị giữa Nga và Hội đồng NATO gần dây, hai bên cũng đã tuyên bố về kế hoạch tiếp tục hợp tác nhằm đi tới hiệp định về việc sử dụng chung các cầu hàng không của quân đội Nga. Chính vì vậy, nếu tổng thống Medvedev không tiếp tục lập trường cứng rắn của ông Putin về mối đe dọa quân sự của NATO đối với Nga, Hiệp định an ninh Châu âu do ông đề xuất sẽ góp phần làm “loãng” đi sự đối đầu Nga - NATO hiện nay.

Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của tổng thống Medvedev có thế sẽ được tiến hành theo hướng khác. Minh chứng rõ nét nhất đó là ý đồ kêu gọi tất cả các nước Châu Âu tham gia vào hiệp định an ninh Châu Âu mới do ông đề xuất, với tư cách các quốc gia riêng rẽ mà không liên quan tới bất cứ một khối nào (như NATO) hay động cơ ý thức hệ. Điều này có thể khiến Washington cho rằng Nga đang cố gắng tập hợp lực lượng tại Châu Âu, do đó, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ Nga - Mỹ.

Dù tổng thống Medvedev và chính quyền mới của ông vẫn chưa đưa ra quyết định về chiến lược đối ngoại, song trên thực tế, chính sách đối ngoại của nước Nga cuối cùng sẽ được định hình không ngoài mục đích đạt ưu thế trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Nhà Trắng và điện Kremlin.

Nhật Lệ
Theo Moscow Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm