1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiêu "giữ" vaccine của EU: Nguy cơ thổi bùng căng thẳng với nhiều quốc gia

Chiêu giữ vaccine của Liên minh châu Âu này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia đang phụ thuộc vào vaccine ngừa Covid-19 sản xuất tại EU.

Ủy ban châu Âu đang có kế hoạch gia hạn Cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19, sau khi cơ chế này chính thức kết thúc vào ngày 31/3 tới.

Cơ chế của EU được đưa ra từ cuối tháng 1/2021, như một phản ứng của khối trước những thông báo hoãn chuyển vaccine Covid-19 của các nhà sản xuất cho khối. Mặc dù cơ chế này sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3 song Ủy ban Châu Âu (EC) muốn gia hạn tới tháng 6.

Chiêu giữ vaccine của EU: Nguy cơ thổi bùng căng thẳng với nhiều quốc gia - 1

Vaccine Covid-19 AstraZeneca (Ảnh: Reuters).

Nhiều quốc gia trong liên minh châu Âu bày tỏ ủng hộ với biện pháp này, trong đó có các quốc gia có tiếng nói như Đức và Pháp. Italy đã trở thành quốc gia đầu tiên kích hoạt các quyền lực của Liên minh châu Âu, ngăn cản xuất khẩu vaccine sang Australia, trong một động thái leo thang căng thẳng với Tập đoàn dược AstraZeneca.

Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho rằng, quyết định này không phải hành động thù địch nhằm vào Australia và tất cả người dân châu Âu đều đang lo lắng về các ca mắc mới gia tăng trong khối.

"Có một cơ chế của EU cho thấy một nước có thể phối hợp với Ủy ban châu Âu, đề xuất chặn xuất khẩu vaccine tới một quốc gia không có nhiều nguy cơ. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang phối hợp với các thể chế châu Âu chặn xuất khẩu vaccine. Đây không phải là hành động thù địch nhằm vào Australia mà chúng tôi chỉ áp dụng các cơ chế của EU", ông Luigi Di Maio nhấn mạnh.

Theo chân Italy, một số quốc gia trong châu Âu, trong đó có Pháp cũng đang cân nhắc chặn vận chuyển vaccine tới các quốc gia khác. Hiện ba loại vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech, AstraZeneca và Moderna đều có cơ sở sản xuất ở các nước EU. Tuy nhiên, khối này chỉ mới tiêm chủng cho 8% dân số, thấp hơn nhiều so với Anh.

Rất nhiều vaccine sản xuất từ EU được xuất đi các nước thứ ba, trong khi Mỹ và Anh hầu như không chia sẻ vắc xin của họ. Điều này khiến các quốc gia phải sử dụng cơ chế kiểm soát xuất khẩu vaccine là cách thức "tự vệ chính đáng" trước các tác động tiêu cực của đại dịch cũng như tình trạng khan hiếm vaccine hiện nay. Tuy nhiên khả năng gia hạn cơ chế này của EU đang đối mặt với chỉ trích của nhiều quốc gia bên ngoài EU. Australia yêu cầu Ủy ban châu Âu xem xét lại quyết định.

Thủ tướng Australia Scot Morrison nhấn mạnh: "Chủ nghĩa dân tộc vaccine là điều chúng ta thường nói đến trên các diễn đàn quốc tế. Điều quan trọng là các hợp đồng đã ký kết cần phải được tôn trọng. Vaccine cũng không chỉ dành cho châu Âu, khu vực Bắc Mỹ hay chỉ dành cho thế giới các quốc gia phát triển".

Tại phiên họp Đại hội đồng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong tuần này, một số nước cho rằng EU đang "phát tín hiệu xấu" trong cuộc chiến vaccine, kêu gọi EU nên chấm dứt cơ chế vào cuối tháng này.

Để tránh phụ thuộc nguồn cung vaccine, nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả EU, cũng đang đa dạng hóa nguồn cung vaccine của mình. Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu bắt đầu tiến trình xem xét cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V của Nga.

Vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 của Nga hiện là loại vaccine phổ biến thứ hai trên thế giới, được các cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia các nước phê duyệt sử dụng, chỉ sau vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca.