1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến trường Syria - thế trận cờ tàn

Bất cứ một chiến thuật, đối sách sai lầm nào trong giai đoạn này là không có thời gian để sửa chữa mà sẽ thất bại chung cuộc.

Khi cờ tàn, trên bàn cờ chỉ còn rất ít quân, đôi bên rất khó để thắng nhau bằng lực mà chỉ thắng nhau bằng thế và trí tuệ. Nga-Syria sẽ tập hợp lực lượng cho trận quyết chiến với IS và Al-Qeada/Al-Nusra. Vì thế bất cứ bên nào sơ suất, sai lầm về chiến lược ở giai đoạn này là không có thời gian để sửa chữa sai lầm…

IS sẽ rút khỏi Palmyra, củng cố thế trận

Có thể nói IS rất tinh quái, khi giáng một đòn vào Palmyra. Một đòn tấn công nhằm đạt 3 mục tiêu: Cứu nguy cho lực lượng phiến quân tại Aleppo; đánh sập uy thế chính trị của Nga; chiếm căn cứ không quân T4 (mục tiêu chính của chiến dịch).

Rõ ràng Nga-Syria đã bị động và chịu tổn thất trong đòn tấn công này. Nga đã “muối mặt” khi IS “tổ chức lại buổi hòa nhạc” tại thành cổ Palmyra theo nhạc điệu thánh chiến. Tuy nhiên, Aleppo vẫn được giải phóng và đặc biệt căn cứ không quân T4 mà IS nhắm tới nhưng bất thành.

Ở góc nhìn quân sự, Nga-Syria thà mất Palmyra chứ T4 thì không bao giờ và IS đã gặp phải đối thủ xứng tầm tại T4. Bộ tham mưu IS đã kịp nhận ra rằng, nếu đối đầu với Nga và lực lượng mặt đất tinh nhuệ của Syria tại xung quanh khu vực Palmyra thì sẽ “sa lầy”, sẽ trở thành kẻ bị săn…

Thực tế đã chứng tỏ điều này khi Bộ tham mưu Nga-Syria đủ thời gian điều các lực lượng tinh nhuệ đến Palmyra thì T4 và xung quanh đã trở thành cái “cối xay thịt” lực lượng IS. IS đã bị tổn thất rất nặng nề khi dồn sức đánh chiếm T4.

Nếu như trước đây, tấn công Palmyra để kéo giãn lực lượng mặt đất Syria, giải vây cho Aleppo thì tình thế hiện nay, chiến thuật đó của IS lại như đòn “gậy ông đập lưng ông”, khi chính IS bị chiến trường Palmyra kéo giãn lực lượng IS tại Mosul, Al Bab, Raqqa và Deir ez-Zor.

Vì vậy, Bộ tham mưu IS không dại “tranh chấp một mất một còn” tại Palmyra, một vị trí không quan trọng về chiến lược. Rút quân khỏi Palmyra chỉ là vấn đề thời gian và thực tế, IS đã “rút lui ồ ạt từ phía Tây Palmyra” (theo xác nhận của Hãng thông tấn Iran Fars và Al-Masdar).

IS đang ồ ạt rút lui khỏi phía Tây Palmyra sau 3 tuần bị tổn thất nặng nề
IS đang ồ ạt rút lui khỏi phía Tây Palmyra sau 3 tuần bị tổn thất nặng nề

Lực lượng IS rút lui về cố thủ tại Raqqa và những nơi khác như Al-Bab… trong bối cảnh Nga -Thổ Nhĩ Kỳ - Iran đang thỏa thuận một giải pháp hòa bình cho Syria, tạm thời phân mảnh Syria… là hợp logic quân sự nhất để đạt được ý đồ chính trị của mình.

Nga-Syria xóa thế “da báo”, chuyển hóa lực lượng

Muốn phân chia tạm thời khu vực ảnh hưởng thì việc đầu tiên là quân đội Syria phải xóa bỏ thế “da báo” hay thế cài răng lược. Trận chiến sống còn nhất của Nga-Syria sau trận Aleppo là giải phóng Wadi Barada giành lại nguồn nước cung cấp cho Damascus từ tay phiến quân.

Đồng thời với chiến thuật đó là thực hiện sách lược chuyển hóa lực lượng, nghĩa là hoặc giải giáp các lực lượng đối lập hoặc buộc các lực lượng này án binh bất động chờ một giải pháp chính trị để trở thành đồng minh hoặc tốt hơn trở thành quân đội của chính phủ.

Nga-Syria đưa ra đề nghị ngừng bắn cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran tìm kiếm một thỏa thuận cho giải pháp chính trị tại Syria. Cụ thể là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất đưa 7 lực lượng với hơn 60.000 tay súng, được phép ngồi vào bàn đàm phán (không có YPG, Al-Qaeda/Al-Nusra và IS).

Thỏa thuận ngừng bắn tìm giải pháp chính trị cho Syria lần này có khả năng thành công rất cao bởi 2 điều kiện thuận lợi:

Thứ nhất là được đề ra trong bối cảnh Aleppo đã thuộc về chính phủ Syria, trong khi đó các lực lực lượng đối lập (ôn hòa) đã mất hết chỗ dựa từ các thế lực bên ngoài. Họ chỉ được sử dụng để lật đổ chế dộ Assad, nhưng khi Assad đã vững mạnh không thể làm gì được thì họ bị bỏ rơi. Họ chỉ có 2 lựa chọn, hoặc là chiến đấu đến cùng để chết hoặc có một vị trí xứng đáng trong một hiến pháp mới được soạn thảo… nếu chấp nhận thỏa thuận.

Tất nhiên chỉ có kẻ bất chấp thời thế mới chọn đối sách tuyệt vọng, con đường cụt thay vì được đàm phán, soạn thảo hiến pháp bảo vệ quyền lợi của mình, được có chân trong chính phủ mới… Họ ít nhất đã có những gì họ muốn trong giải pháp chính trị sắp tới.

Thứ hai là Mỹ, thế lực “không có khả năng thỏa thuận” đã bị gạt ra trong thỏa thuận lần này thay vì chỉ có Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran. Đây là 3 thế lực có lực lượng mặt đất tại Syria mạnh nhất và hiện tại không đặt điều kiện tiên quyết là “Assad phải ra đi”.

Nga đã từng ký với Mỹ thỏa thuận có tính chất, nội dung như này vào ngày 9/9, nhưng ký chưa ráo mực thì Mỹ phá hoại, vì nguyên tắc, bản chất chiến lược Mỹ là không muốn Syria hòa bình, có một chính quyền ổn định…Mỹ muốn Assad phải ra đi, điều rất phi lí, phi pháp.

Như vậy, nếu thỏa thuận này thực hiện nghiêm túc thì Nga-Syria được lợi thế rất lớn trước khi bước vào trận quyết chiến với quân khủng bố IS và Al-Qeada/Al-Nusra.

Đó là, Nga-Syria đã chuyển hóa hơn 60.000 tay súng của 7 lực lượng trên chưa gồm FSA (Quân đội Syria tự do) thành lực lượng của chính phủ hay ít nhất là lực lượng đồng minh. Trong lúc lực lượng hiện tại của Assad còn mỏng thì đây là một sách lược lý tưởng nhất, cực kỳ khôn khéo.

Tiếp theo, không những thế, hầu hết 7 lực lượng đối lập này đều chiếm những vị trí tạo ra thế trận “da báo”. Chẳng hạn như nhóm Ahrar al-Sham có 16.000 quân, họ chiến đấu chủ yếu tại Aleppo, Damascus, Daraa, Idlib, Latakia, Hama và Homs. Nhóm Jaysh al-Islam có 12.000 quân, hoạt động chiến đấu tại các tỉnh Homs Aleppo, Damascus, Daraa, Deir ez-Zor, Latakia, Hama… Nhóm Jaysh al-Mujahideen có 8000 quân chiến đấu tại Idlid…

Rõ ràng là Nga-Syria không đơn giản để tách, chọn 7 lực lượng này trong thỏa thuận ngừng bắn. 7 lực lượng này khi bị dồn vào chân tường thì Nga và chính quyền Assad không thể đàn áp nổi trong ngày một ngày hai. Chuyển hóa được các lực lượng này thì thế trận "da báo" sẽ không còn.

Đúng lúc, đúng nơi, đúng thành phần, đáp ứng được tối đa lợi ích các bên trong thỏa thuận được đề xuất lần này do Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran tổ chức bảo lãnh thật sự có nhiều hứa hẹn. Và ít nhất cũng được LHQ nhất trí tán thành đã chứng minh tính tất yếu của nó.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ không ngồi nhìn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran kéo nhau đến Astana thủ phủ của Kazkhstan để “phân chia ảnh hưởng” một cách dễ dàng như vậy.

Theo Lê Ngọc Thống

Đất Việt