Chiến trường Syria: Mỹ sẽ can thiệp sâu hơn?
Trong bốn năm qua, chính sách của Mỹ đối với Syria luôn được đánh giá là “bất đắc dĩ”. Vì vậy, cái chết của 200.000 dân thường Syria hay sự quản lý đất nước một cách hà khắc của chính quyền Bashar al-Assad thực sự không làm cho Mỹ quan tâm đặc biệt đến quốc gia Trung Đông hỗn loạn này.
Tuy nhiên, kể từ mùa hè năm 2014, việc phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tung các video ghi lại cảnh hành quyết dã man hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff cộng với hàng loạt vụ tấn công khủng bố theo kiểu “sói cô độc” tại các quốc gia phương Tây đã khiến dư luận Mỹ chấn động. Trong bối cảnh đó, Nhà Trắng đã cho phép quân đội Mỹ thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS bên trong lãnh thổ Syria.
Không dừng lại ở đó, hiện nay, chính quyền Obama đang thể hiện xu hướng can thiệp ngày càng sâu hơn vào Syria khi theo đuổi kế hoạch huấn luyện và viện trợ cho các nhóm phiến quân nổi dậy ôn hòa ở nước này. “Mỹ phải hỗ trợ những lực lượng này, bởi trong trường hợp họ bị đánh bại, điều đó sẽ không có lợi cho chính sách của Mỹ”, theo giáo sư Daniel Serwer thuộc Đại học Johns Hopskin. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Christine Wormuth hôm 11/3 cũng cho biết rằng, “các hình thức hỗ trợ đang được xem xét một cách cẩn trọng và chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng”.
Có thể thấy, kế hoạch nói trên của Washington đang có nhiều thuận lợi khi lần đầu tiên trong vòng nhiều năm qua, người dân Mỹ tỏ ra không phản đối chính phủ can thiệp sâu hơn vào các cuộc xung đột. Theo một cuộc điều tra dư luận của NBC News/ Wall Street Journal công bố hôm 10/3, có tới 52% cử tri Mỹ cho biết họ mong đợi một ứng viên tranh cử Tổng thống vào năm 2016 có thể thúc đẩy hoạt động quân sự chống lại IS. Theo giới phân tích, nguyện vọng này của cử tri Mỹ sẽ góp phần tạo ra sức ép khiến chính quyền đương nhiệm phải hành động quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tuy nhiên, hiện còn nhiều nghi vấn xoay quanh kế hoạch hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ở Syria của Mỹ. Một số học giả và chính trị gia nêu ra quan ngại rằng, liệu Mỹ có đủ sức huấn luyện cho những lực lượng này hay không, và liệu các nhóm phiến quân đó sẽ tập trung tiêu diệt IS hay sẽ đứng về phía chính phủ Bashar al-Assad, vốn được coi là kẻ thù của Mỹ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 10/3 thừa nhận Washington đến nay vẫn chưa xác định được cơ sở pháp lý cho kế hoạch của mình, cũng như Quốc hội đã tuyên bố rằng sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động huấn luyện và viện trợ vũ khí của Mỹ ở Syria.
Lầu Năm Góc cho biết, dự kiến trong năm nay, Mỹ sẽ huấn luyện cho khoảng 5.000 chiến binh nổi dậy ở Syria và con số này sẽ tăng lên trong các năm sau. Theo chuyên gia Murhaf Jouejati thuộc Viện Nghiên cứu Trung Đông (Mỹ), số lượng tay súng mà Mỹ có thể huấn luyện là “rất ít ỏi”. Vì vậy, theo Jouejati, kế hoạch của Mỹ thực chất chỉ mang tính “động viên” các nhóm phiến quân ở Syria và xoa dịu các đồng minh tại khu vực của Washington như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia.
Cùng chung ý kiến này, cây bút Tom McCarthy của tờ The Guardian cho rằng thay vì dựa vào những nhóm phiến quân Syria, Mỹ nên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh ở Trung Đông và châu Âu để thực hiện hiệu quả chiến dịch không kích IS. Theo số liệu của Lầu Năm Góc, cho đến nay, liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành tổng cộng 1.224 đợt không kích nhằm vào các mục tiêu quan trọng của IS, tiêu diệt khoảng 8.500 tay súng cực đoan.
Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford, cho dù chọn phương án đẩy mạnh không kích hay hỗ trợ phiến quân ôn hòa, chính quyền Washington thực sự phải dành thêm nhiều nguồn lực và quan tâm cho cuộc chiến chống IS tại Syria. Ông Ford so sánh, trong khi Mỹ đã cử 3.000 cố vấn quân sự tới Iraq thì hoạt động của quân đội Mỹ ở Syria mới chỉ dừng lại ở các cuộc không kích. “Thời gian là có hạn, và dường như chúng ta đã dành quá nhiều thời gian và ưu tiên cho mặt trận tại Iraq mà lơ là tình hình ở Syria”, vị cựu Đại sứ Mỹ nhấn mạnh.