1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Chiến tranh kiểu Mỹ” của Obama

(Dân trí) - Những gì Lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ tiến hành trong các chiến dịch chống khủng bố gần đây và quyết tâm chuyển hướng trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho thấy hình thái tiến hành chiến tranh toàn cầu kiểu Mỹ đang thay đổi.

                   

 

Những cuộc chiến ngầm của Barack Obama
Máy bay do thám, một trong những nhân tố trong "chiến tranh kiểu Mỹ" của Obama.
 

Cụ thể, đã không còn các cuộc xâm lược ồ ạt và các cuộc chiếm đóng với đội quân đông đảo ở khu vực lục địa Á-Âu, thay vào đó là các lực lượng đặc nhiệm Mỹ độc lập tác chiến, huấn luyện hoặc chiến đấu cùng các đội quân đồng minh tại các điểm nóng trên thế giới. Những thay đổi này cho thấy thực chất của học thuyết mới của Obama – Một chương trình 6 điểm nhằm tiến hành chiến tranh trong thế kỷ 21, chiến tranh kiểu Mỹ, đang được chính quyền phát triển và đúc rút một cách cẩn thận.

 

Mờ nhạt

 

Nhiều năm qua giới quân sự Mỹ đã thực thi và thúc đẩy khái niệm “cùng nhau”. Một kiểu tổ chức chiến tranh trong đó chủ yếu là Lầu Năm Góc hợp lực với các cơ quan chính phủ khác, đặc biệt là CIA, Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý dược phẩm – trong các chiến dịch phức tạp và chồng chéo trên toàn cầu.

 

Dưới chính quyền Obama, Mỹ đã mở rộng hoặc phát động thêm một số chiến dịch quân sự mới, trong đó hầu hết ứng dụng sáu nhân tố chiến tranh thế kỷ 21 của Mỹ mà cuộc chiến tranh của Mỹ ở Pakistan có thể được gọi là công thức chiến tranh của Obama, nếu không phải là một học thuyết.

 

Suốt thập kỷ qua, chính khái niệm về khu vực chiến tranh đã trở nên rất lẫn lộn, phản chiếu sự mờ nhạt của các sứ mệnh và các hoạt động của CIA và Lầu Năm Góc. Tờ Washington Post đã nhận xét rằng “tính mờ nhạt cũng thể hiện rõ trong đội ngũ quan chức cấp cao của hai tổ chức này như Panetta trước đây là Giám đốc CIA và giờ đây vị trí đó đang được một vị tướng bốn sao về hưu David H. Petraeus nắm giữ.”

 

Không chịu để vượt mặt, Bộ Ngoại giao cũng tiếp tục hành trình quân sự hóa (và bị hạn chế) khi họ đồng ý đóng góp một phần lực lượng của mình với Lầu Năm Góc để thành lập Quỹ khẩn cấp an ninh toàn cầu (GSCF). Chương trình này sẽ cho phép Lầu Năm Góc có tiếng nói mạnh hơn trong phân phối các khoản viện trợ của Mỹ cho các lực lượng được ủy quyền ở nước ngoài như Yemen và Sừng châu Phi.

 

Một điều khá chắc chắn: quá trình làm chiến tranh của Mỹ (cùng với các điệp viên và các nhà ngoại giao) đang ngày càng hướng sâu hơn vào các “bóng tối”. Điều này tất nhiên sẽ dẫn đến việc gia tăng các hoạt động bí mật của Mỹ ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới trong những năm tới.

 

Rọi sáng vào “lục địa Đen”

 

Những năm tới, người địa phương rất có thể sẽ chứng kiến nhiều điệp viên của Lầu Năm Góc đổ đến châu Phi. Dưới thời Obama các chiến dịch ở lục địa này đã được đẩy mạnh vượt xa các cuộc can thiệp dưới chính quyền Bush.

 

Điều ít được biết là những nỗ lực quân sự của Mỹ nhằm huấn luyện các lực lượng châu Phi liên quan mật thiết đến lợi ích của Mỹ ở đây như Lực lượng tuần tra đặc biệt trong Lực lượng đặc nhiệm hải lục không quân 12 (SPMAGTF -12) để huấn luyện lực lượng quân đội của Uganda sau này cung cấp quân cho Phái đoàn của Liên minh châu phi ở Somalia.

 

Mỹ cũng đang tiến hành việc đào tạo chống khủng bố và cung cấp thiết bị cho các lực lượng quân đội ở Algeria, Burkina Faso, Chad, Mauritania, Niger và Tunisia. Ngoài ra, Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Phi (Africom) đã có kế hoạch mở 14 lớp đào tạo chung lớn trong năm 2012, bao gồm các cuộc tập trận ở Morocco, Cameroon, Gabon, Botswana, Nam Phi, Lesotho, Senegal, và một nước có khả năng giống như Pakistan ở châu Phi là Nigeria.

 

Tuy nhiên đây không bao gồm toàn bộ chương trình huấn luyện và cố vấn Mỹ cho châu Phi. Mùa Xuân vừa rồi Mỹ đã lôi kéo 11 nước, gồm Bờ Biển Ngà, Gambia, Liberia, Mauritania và Sierra Leone, tham dự vào một cuộc tập trận hải quân với tên Saharan Express 2012.

 

Tiếp tục chú ý đến sân sau

 

Từ khi ra đời, Mỹ luôn luôn nhúng tay vào những vấn đề ở cửa ngõ, coi biển Caribe như là chiếc hồ riêng và can thiệp vào tất cả khu vực Mỹ Latin bất cứ khi nào Mỹ muốn.  Dưới chính quyền Bush, lợi ích của Mỹ ở khu vực sân sau đã nhường chỗ cho các cuộc chiến ở xa nước Mỹ.

 

Gần đây chính quyền Obama đã sử dụng công thức mới tiến hành các chiến dịch ở khu vực phía nam. Đó là các chuyến bay của máy bay không người lái vào sâu trong lãnh thổ Mexico để hỗ trợ cho cuộc chiến của nước này chống các tập đoàn buôn ma túy. Các nhân viên CIA và dân sự được cử sang làm việc tại các căn cứ quân sự của Mexico để tham gia vào cuộc chiến chống ma túy.

 

Trong năm 2012, Mỹ cũng tăng cường các chiến dịch chống buôn lậu ma túy ở Honduras. Ở mức độ thấp hơn, Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã huấn luyện quân đội Guyana về kỹ thuật đổ bộ bằng trực thăng.

 

Quân đội Mỹ cũng tích cực ở các nước khác của Mỹ Latin như huấn luyện ở Guatemala, đỡ đầu cho các nhiệm vụ “xây dựng đối tác” ở Dominic, El Salvador, Peru và Panama, và ký một hiệp định thực hiện 19 hoạt động chung với quân đội Colombia trong năm tới, trong đó có các cuộc tập trận chung.

 

Vẫn là trung tâm của Trung Đông

Bất chấp việc kết thúc các cuộc chiến tranh ở Iraq và Libya, việc rút quân khỏi Afghanistan và tuyên bố công khai về tập trung chiến lược vào châu Á, Mỹ vẫn chưa có ý định rút lui khỏi khu vực Trung Đông mở rộng.

 

Thực tế Yemen và nước láng giềng Somalia đã trở thành phòng thí nghiệm chiến tranh cho Obama. Tại đây Mỹ đã thực hiện chiến tranh kiểu mới với những người lính da đen như các đặc nhiệm hải quân Mỹ và chính Lực lượng Delta của quân đội đã tiến hành các nhiệm vụ giết chóc và bắt sống, trong khi quân “trắng” huấn luyện quân địa phương và các máy bay tự động săn lùng và tiêu diệt các thành viên của nhóm al-Qaida và thuộc hạ, rất có thể được đội máy bay bí mất có người lái hỗ trợ.

 

Trung Đông cũng đang trở thành khu vực quảng bá cho một khía cạnh khác đang nổi bật của học thuyết Obama: Nỗ lực trong chiến tranh mạng. Ngoại trưởng H. Clinton đã khẳng định mong muốn của Bộ ngoại giao tham gia vào cách tiến hành chiến tranh mới của Mỹ trong một phát biểu của bà tại Florida gần đây.

 

Những nỗ lực trực tuyến khiêm tốn của Mỹ kết hợp các biện pháp tiềm tàng khác của chiến tranh mạng đang được CIA và Lầu Năm Góc khai thác triệt để, trong đó điển hình là chương trình mới được công khai gần đây mang tên “Olympic Games” gồm các cuộc tấn công phức tạp nhằm vào các máy tính trong hệ thống làm giầu hạt nhân của Iran do Cục an ninh quốc gia Mỹ (NSA) cùng với một đơn vị gọi là Unit 8200 của Israel (tương đương với NSA) chế tạo và tiến hành.

 

Từ đốm cháy thành cháy rừng

 

Từ Trung, Nam Mỹ đến châu Phi, Trung Đông và châu Á, chính quyền Obama đang  hình thành một công thức cho một cách chiến tranh mới của Mỹ. Trong nỗ lực này Lầu Năm Góc và các cơ quan chính phủ không ngừng bị quân phiệt hóa đang cố hình dung ra mọi thứ từ những giáo huấn về chiến tranh thực dân đến những công nghệ tiến tiến nhất.

 

Rõ ràng sự kết hợp hiện nay giữa các chiến dịch đặc biệt, máy bay không người lái, trò chơi gián điệp, lính dân sự, chiến tranh mạng và những đội quân ủy quyền nghe có vẻ như là một kiểu mẫu chiến tranh an toàn hơn, lành mạnh hơn - giống như một loại thuốc chữa bách bệnh cho những yếu kém về an ninh quốc gia của Mỹ. Trong thực tế, gọi nó là cái gì cũng được.

 

Tướng Peter Pace, nguyên chủ tịch tham mưu trưởng liên quân của Mỹ gần đây nhận xét rằng học thuyết mới ít người tham chiến của Obama thực sự làm cho việc tiến hành chiến tranh có vẻ là một lựa chọn hấp dẫn hơn và dễ dàng hơn.

 

Trên thực tế, cách tiến hành chiến tranh mới của Mỹ chứa đựng nhiểu dính líu không biết trước và hàng loạt hệ lụy. Châm ngòi hay thổi bùng các đốm lửa nhỏ ở một số lục địa có thể dẫn đến những đám cháy rừng có thể lan rộng không thể tưởng tượng và khó, nếu như không muốn nói là không thể dập tắt được.

 

Theo bản chất, các cuộc can dự quân sự nhỏ thường có xu hướng lan rộng và chiến tranh thường lan rộng ra ngoài biên giới. Theo định tính, hành động quân sự thường  mang lại những hậu quả khôn lường. Ta chỉ cần nhìn lại năm 2001, khi ba cuộc tấn công với công nghệ thấp trong một ngày đã dấy lên một cuộc chiến tranh kéo dài hơn một thập kỷ và lan ra khắp thế giới. Phản ứng đối với một ngày đó bắt đầu bằng cuộc chiến tranh ở Afghanistan sau đó lan sang Pakistan rồi ngoặt sang Iraq, rồi ở Somalia và Yemen, v.v..

 

Lịch sử đã chứng minh là Mỹ thường không giành chiến thắng trong chiến tranh. Từ năm 1945 đến nay họ chưa từng thắng trong bất cứ một cuộc chiến tranh lớn nào. Trong các cuộc can thiệp nhỏ thì thành tích cũng lẫn lộn, với những thắng lợi khiêm tốn ở Panama và Grenada và với các kết quả nhục nhã ở Li-Băng (1980) và Somalia (1990).

 

Khó khăn là ở chỗ người ta khó dự đoán một cuộc can thiệp sẽ phát triển đến đâu đến khi mọi thứ trở nên quá muộn. Chiến tranh thường không theo một quy luật nào: Cuộc chiến ở Việt Nam, Afghanistan và ở Iraq, tất cả đều bắt đầu tương đối nhỏ, trước khi chúng biến thành lớn và mang tính hủy diệt. Hiện triển vọng của học thuyết mới của Obama không phải là mầu hồng bất chấp nó được báo chí trong vòng kiểm soát của Washington tung hứng tốt.

 

Điều mà ngày nay trông có vẻ như là một công thức để dễ dàng mở rộng ảnh hưởng cho lợi ích bá quyền của Mỹ với chi phí thấp, có thể chẳng bao lâu sẽ trở thành một thảm họa tuyệt đối – một thảm họa mà rất có thể không rõ nét cho đến khi mọi thứ đều quá muộn.

 

Phạm Ngọc Uyển (Tổng hợp)