1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chiến thắng “ngậm ngùi”

Thủ tướng Anh Tony Blair đã chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra hôm 5/5 để trở thành người thứ hai trong lịch sử nước Anh, sau “bà đầm thép” Margaret Thatcher, giành ghế thủ tướng trong ba nhiệm kỳ liên tiếp.

Phải nói rằng chiến thắng này không phải là điều dễ dàng với ông Tony Blair. Hàng loạt những cơn sóng gió trước thềm bầu cử đã làm Thủ tướng Blair và Công Đảng chao đảo, khiến nhiều lúc khả năng thắng cử trở nên mờ ảo.

 

Việc không tìm ra bằng chứng về kho vũ khí hủy diệt ở Iraq, lý do mà Mỹ và Anh vin vào để tiến hành cuộc chiến chống nước này, cộng với thương vong ngày càng tăng của binh lính Anh đã giáng một đòn nặng vào uy tín của ông Blair và suýt nữa khiến ông phải rời ghế quyền lực khi sự nghiệp còn đang dang dở.

 

Chưa hết, ông còn bị quy kết là “lừa dối cả nước Anh” và “phóng đại mối đe dọa từ Iraq” sau khi bản báo cáo mật của Bộ trưởng Tư pháp Anh bị tiết lộ cho thấy sự mờ ám xung quanh vấn đề Iraq.

 

Trong khi khó khăn bên ngoài còn chưa dẹp yên, thì nội bộ Công Đảng cũng đầy mâu thuẫn. Vụ bê bối tình ái dẫn đến việc Bộ trưởng Nội vụ David Blunkett, cánh tay phải của ông Blair phải từ chức, tiếp đó là vụ rò rỉ thông tin về sự lục đục âm ỉ giữa ông Blair và nhân vật thứ hai trong đảng là Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown, rồi vụ một nghị sĩ Công Đảng “đào tẩu” sang phía đối thủ là Đảng Dân chủ Tự do vì bất đồng quan điểm cho thấy sự hậu thuẫn trong đảng đối với ông Blair không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”.

 

Thế nhưng ông Blair đã chiến thắng. Trong giờ phút khó khăn, chính thành tích về kinh tế đã trở thành chiếc phao cứu sinh quan trọng giúp ông Blair vượt qua các cơn sóng dữ. Tám năm dưới sự lèo lái của ông Blair, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới này đã phát ra không ít điểm sáng.

 

Đó là kỷ lục duy trì thời gian tăng trưởng với tốc độ từ 2,5-3%/năm dài nhất trong vòng 200 năm qua, là mức lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 30 năm qua. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ảm đạm bởi giá dầu cao và tác động của cuộc chiến Iraq, thành tích này đã đem lại điểm cộng quan trọng cho ông Blair.

 

Đối với người dân thường Anh, cuộc chiến Iraq cùng những câu chuyện tạo dựng xung quanh kho vũ khí hủy diệt của Iraq dù gây tác động tâm lý nhưng vẫn không ảnh hưởng trực tiếp đến “bát cơm manh áo” như sự lên xuống của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán London.

 

Cũng cần phải nhận thấy là các đối thủ của ông Blair là thủ lĩnh Đảng Bảo thủ Michael Howard và thủ lĩnh Đảng Dân chủ Tự do Charles Kennedy đã không tận dụng được cơ hội hiếm có mà những khó khăn của Công Đảng tạo ra. Ông Howard đã đánh mất lợi thế của mình trong vấn đề đối ngoại bởi cũng ủng hộ việc Anh tiến hành cuộc chiến Iraq.

 

Trong khi đó, trên nền sáng của kinh tế Anh dưới sự lãnh đạo của ông Blair, dù chính sách kinh tế của Đảng Bảo thủ đã cố nắm bắt tâm lý cử tri xung quanh kế hoạch cắt giảm thuế cộng với các biện pháp cứng rắn hơn trong bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội, vẫn tỏ ra thiếu tính thuyết phục so với Công Đảng.

 

Còn Đảng Dân chủ Tự do thì chẳng khác nào như người góp mặt cho cuộc đua thêm phần sôi động, chẳng làm được điều gì lớn ngoài việc chiếm mất phiếu của các cử tri ủng hộ Đảng Bảo thủ, gián tiếp tạo cơ hội cho Công Đảng giành chiến thắng.

 

Số 10 phố Downing tưng bừng trong không khí chiến thắng. Thế nhưng, giữa những lời chúc tụng, ca ngợi hiện đang vang lên, dư luận vẫn cho rằng khó có thể nói ông Blair được hưởng trọn hương vị ngọt ngào của chiến thắng.

 

Thực tế thì dù mục tiêu tái cử đã đạt được nhưng giờ đây, uy tín của ông Blair đã không còn áp đảo như trước, bởi con số 161 ghế chênh lệch so với Đảng Bảo thủ mà Công Đảng giành được trong cuộc bầu cử lần trước nay chỉ còn hơn 60. Đó là con số mong manh và dư luận cho rằng nó sẽ gây cho Thủ tướng Blair không ít khó khăn trong việc kiểm soát bộ phận chống đối trong nội bộ đảng, những người vốn không hài lòng với sự lãnh đạo của ông, đặc biệt là vấn đề Iraq.

 

Rất có thể đó là tiền đề dẫn đến việc ông Blair sẽ bị thay thế vào giữa nhiệm kỳ bởi một đối thủ của ông trong Công Đảng là Bộ trưởng Tài chính Brown. Ông Brown hiện rất được tín nhiệm nhờ những chính sách kinh tế hiệu quả gắn liền với những thắng lợi của Công Đảng giúp làm át đi những chỉ trích liên quan tới cuộc chiến Iraq mà đảng này đang đối mặt.

 

Đây không phải là giả thuyết bởi trước bầu cử, ông Blair cũng từng có lúc phải nghĩ đến việc trao lại quyền lãnh đạo cho ông Brown trước sự chỉ trích của dư luận và nội bộ đảng.

 

Nếu điều đó xảy ra thì cuộc bầu cử lần này không chỉ giúp ông ghi kỷ lục 3 lần làm thủ tướng mà còn lập kỷ lục là vị thủ tướng đầu tiên trong lịch sử “giữa đường đứt gánh”, bỏ lại những kế hoạch đầy tham vọng như thiết lập nền dân chủ ổn định ở Iraq, hòa bình lâu dài ở Bắc Ireland và đột phá cho hòa bình ở Trung Đông.

 

Chính vì thế mà chiến thắng lần này của ông Blair không trọn vẹn. Đó là chiến thắng không phải của kẻ mạnh mà là vì các đối thủ của ông quá yếu.

 

Theo Phạm Đan Thành

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm