1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thắng 30-4 qua hồi ức của phóng viên quốc tế

Sau 41 năm Việt Nam hoàn toàn thống nhất, trong ký ức của các phóng viên nước ngoài từng thường trú tại Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc Dinh Độc lập vẫn gợi nhớ nhiều kỷ niệm về những năm tháng ở chiến trường Việt Nam.

Là một trong những phóng viên nước ngoài được trở lại Việt Nam ít nhất 5 lần, nhà báo người New Zealand Peter Arnett kể rằng, duyên nợ của ông với Việt Nam như có từ “tiền kiếp”. 13 năm tuổi trẻ sung sức nhất, Peter Arnett đã lăn lộn đưa tin ở chiến trường Việt Nam. Chiến trường nào ông cũng có mặt và vào giây phút thiêng liêng của Sài Gòn, Peter Arnett là người chứng kiến tất cả.

Ông kể: “Tôi không bao giờ quên được nét mặt của anh bạn Matt Franjola khi thông báo về những chiếc xe tăng với các binh sĩ miền Bắc mặc quân phục đang tiến về phía Dinh Độc lập. Cạnh ngay chỗ văn phòng làm việc của tôi, nhiều nhóm lính Việt Nam Cộng hòa đã vứt bỏ quân phục, quăng cả vũ khí vào ô cửa các cửa hiệu. Tôi chạy như bay về văn phòng và hét lên: George! Sài Gòn thất thủ, gọi trụ sở New York đi. Khi ấy, đồng hồ chỉ 11h43 ngày 30-4-1975”.

Peter Arnett đã lăn lộn đưa tin chiến trường ở Việt Nam trong 13 năm. Ảnh: Tumblr
Peter Arnett đã lăn lộn đưa tin chiến trường ở Việt Nam trong 13 năm. Ảnh: Tumblr

Sau khi hét lên với Trưởng văn phòng đại diện của hãng AP tại Sài Gòn George Esper, Peter Arnett vội vàng viết một bản tin về những gì mình chứng kiến, chuyển cho người phụ trách điện tín người Việt tên là Tammy rồi cùng với Matt Franjola đi thăm dò các con phố. Peter Arnett nhớ lại: “Chúng tôi gặp rất nhiều đồng nghiệp khác đang đi ra từ Dinh Độc lập, trong đó có Neil Davis, một phóng viên quay phim người Australia. Anh này nói đã chứng kiến tận mắt Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh bị dẫn đi”.

Theo lời kể của nhà báo Peter Arnett, trong khoảng thời gian từ tháng 6-1962 đến tháng 5-1975, ông đã viết khoảng 3.000 bài báo. Ông viết sự thật và chỉ có sự thật. Peter Arnett nói: "Những bài viết của chúng tôi từ miền Nam Việt Nam rất quan trọng, bởi sự can dự của Mỹ ngay từ đầu đã gây nên tranh luận và vấp phải sự phản đối ở chính nước Mỹ. Công việc của chúng tôi là viết sự thật về cuộc chiến như chính những gì chúng tôi chứng kiến. Vì thế các tác phẩm của chúng tôi thường bị phê bình là quá chỉ trích Chính phủ Mỹ. Nhưng quả thật là tôi chưa từng mường tượng được rằng, chiến tranh ở Việt Nam sẽ kết thúc như buổi trưa ngày 30-4 năm ấy. Tôi đã nghĩ các kịch bản, nó phải chấm dứt với một thỏa thuận chính trị như ở Lào, hay thậm chí theo kiểu ngày tận thế với một thành phố bị phá nát hoang tàn. Song thực tế thì đó lại là sự đầu hàng vô điều kiện.

Bìa cuốn sách về chiến tranh ở Việt Nam của Beverly Deepe. (Ảnh: hawaii.edu)
Bìa cuốn sách về chiến tranh ở Việt Nam của Beverly Deepe. (Ảnh: hawaii.edu)

Còn đối với Trưởng Văn phòng đại diện của hãng AP tại Sài Gòn George Esper, kỷ niệm về Việt Nam, về chiến thắng 30-4 lại được ông lưu giữ trong những trang sách mang tiêu đề “The Eyewitness History of the Vietnam War” xuất bản năm 1983. Sau này, trước khi qua đời năm 2012, ông vẫn thường xuyên trở lại Việt Nam, thăm căn hộ trên tầng 3 và tầng 4 của chung cư tại đường Đồng Khởi, đối diện với khách sạn Continental; nơi ông đã gắn bó 10 năm, từ năm 1965-1975.

Người thân trong gia đình, bạn bè và cả Peter Arnett nói rằng, đối với George Esper, Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung là tình yêu của ông. Ông yêu nó không chỉ vì 2 đứa con của ông chào đời tại đây, mà còn vì từ đó ông đã trưởng thành trong sự nghiệp.

George Esper từng viết: “Trong thời khắc nghe tin Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi chạy ra góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi bây giờ, phỏng vấn tâm trạng của các binh lính Cộng hòa. Rồi tôi được tiếp xúc với 2 chiến sĩ giải phóng quân đến văn phòng AP, nghe họ kể về cuộc sống, chiến đấu trong các khu căn cứ và tâm sự về niềm vui, sự mong đợi được sum họp với gia đình. Tôi đã khóc khi được hai chiến sĩ giải phóng quân ấy cho xem hình ảnh gia đình được họ cất trong ví. Nhờ đó mà tôi đã có được một bài tường thuật đăng trên trang nhất của tờ The New York Times số ra ngày hôm sau”…

Trong khi đó, với phóng viên ảnh Tim Page, hồi ức về Việt Nam là những bức ảnh về chiến tranh và sự ra đi của đồng nghiệp. Năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam, Tim Page đã tổ chức một cuộc triển lãm ảnh mang tên “Hồi niệm” tại TP Hồ Chí Minh. Cựu phóng viên ảnh chiến trường này cho biết, “Hồi niệm” là một dự án được ông và đồng nghiệp Horst Fass theo đuổi từ cách đây gần 20 năm với mục đích là tập hợp lại những bức ảnh về chiến tranh Đông Dương.

Tim Page tâm sự: “Tôi ghét chiến tranh, tôi muốn có hòa bình. Tôi muốn mọi người đến triển lãm để họ hiểu hơn về lịch sử, hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam”. Tim Page đến Việt Nam khi ông tròn 21 tuổi. Và ông đã có mặt tại Sài Gòn vào Tết Mậu Thân năm 1968 và cũng là người ghi lại hình ảnh các binh đoàn đầu tiên của Mỹ đặt chân đến Sài Gòn…

Cũng thương nhớ và yêu Việt Nam từ những bức hình, cựu phóng viên ảnh của tạp chí Newsweek, Hiroji Kubota (người Nhật Bản) kể rằng, ông được giao nhiệm vụ đến Sài Gòn vào tháng 3 năm 1975 để chụp hình về cuộc chiến tranh tại đây. Cuộc chiến ở Việt Nam khiến ông nhớ lại ký ức về chiến tranh thế giới lần thứ 2, khi ông mới 6 tuổi.

Hiroji Kubota nói: “Tôi đặc biệt cảm thấy thương cảm với trẻ nhỏ bị ảnh hưởng tâm lý, tinh thần kể cả sau cuộc chiến. Từ ngày đầu tiên tới Sài Gòn, tôi chỉ chứng kiến được những cảnh đau buồn. Tôi bị ám ảnh bởi những gương mặt trẻ thơ đó, đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ”.

Ngày 29-4-1975, Hiroji Kubota rời Việt Nam. Xe chở ông phải mất tới ba tiếng để đi từ quận 1 tới sân bay Tân Sơn Nhất. Ông lên được một trong những chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi Sài Gòn khi đó để đến tàu USS Okinawa đến Hong Kong rồi về nước.

Hoàn cảnh tương tự cũng đến với Hubert Van Es, cựu phóng viên hãng UPI (1968-1975). Hubert Van Es là người chụp bức ảnh chiếc trực thăng cuối cùng rời Sài Gòn trên nóc một tòa nhà vào ngày 29-4-1975.

Là một trong số ít nữ nhà báo có mặt tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, nữ nhà báo Beverly Deepe tưởng rằng bà sẽ chỉ ở Việt Nam có 2 tuần nhưng cuối cùng, bà đã lưu lại mảnh đất này tới 8 năm. Quãng thời gian ấy, bà đã sống và viết về cuộc chiến tranh Việt Nam cho độc giả của tạp chí Newsweek, New York Herald Tribune và Christian Science Monitor…

Theo Sông Thương (tổng hợp)

Công an nhân dân