Chiến sự tại điểm nóng Nagorno-Karabakh: Lửa xung đột Trung Á khó dập tắt
Cộng đồng quốc tế lo ngại, các vụ đụng độ tại điểm nóng Nagorno-Karabakh sẽ gây bất ổn lan rộng khắp khu vực Trung Á.
Tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ giữa Azerbaijan và Armenia liên quan tới Nagorno-Karabakh đang có nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự toàn diện khi chiến sự vẫn diễn ra ác liệt, khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải họp khẩn tìm giải pháp hạ nhiệt tình hình. Không chỉ cáo buộc lẫn nhau khai hỏa vào lãnh thổ của mỗi bên, hai bên xung đột thậm chí còn từ chối đối thoại theo lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.
Armenia và Azerbaijan hôm qua (29/9) đều đã đưa các khí tài quân sự hạng nặng đến khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, bất chấp việc quốc tế liên tục bày tỏ quan ngại, hối thúc hai bên ngừng bắn, giải quyết xung đột bằng các biện pháp ngoại giao. Trong lúc giao tranh không ngừng nóng, Armenia và Azerbaijan cũng lần lượt ban bố tình trạng thiết quân luật và chưa bên nào cho thấy thái độ sẵn sàng lùi bước.
Cộng đồng quốc tế lo ngại, các vụ đụng độ đang diễn ra tại điểm nóng Nagorno-Karabakh sẽ không chỉ làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia vốn có mối hiềm khích lâu năm, mà còn gây ra bất ổn lan rộng khắp khu vực Trung Á. Đặc biệt khi có sự can dự của bên thứ ba, những diễn biến tại khu vực này sẽ càng trở nên khó lường.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia được coi là có ảnh hưởng lớn trong khu vực- đã tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Azerbaijan cả trên bàn đàm phán và trên chiến trường. Mặc dù Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev khẳng định, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực chỉ mang tính chất "ổn định", không can dự lập tức vào năng lực của một bên xung đột. Song phía Armenia cáo buộc sự vào cuộc của Ankara là hành động gây hấn trực tiếp.
Về bản chất mối bất hòa lâu nay giữa Armenia và Azerbaijan xuất phát từ xung đột về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và đã kéo dài hơn ba thập kỷ. Do đó, trong bối cảnh xung đột biên giới leo thang như hiện nay, một giải pháp hòa bình bền vững, xuất phát từ đàm phán song phương là khó khả thi. Và thực tế, hai quốc gia láng giềng này vừa thẳng thừng từ chối giải quyết dứt điểm tranh chấp bằng con đường hòa bình.
Tổng thống Azerbaijan đã bác bỏ bất kỳ khả năng đàm phán nào với nước láng giềng Armenia về khu vực Nagorno-Karabakh, đồng thời khẳng định những đòi hỏi của Armenia là không thể chấp nhận được. Trong khi, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng khẳng định, tình hình hiện tại không thích hợp để đối thoại với Azerbaijan.
Đến thời điểm hiện tại, các nỗ lực ngoại giao đang chạy đua hết tốc lực với tình hình chiến sự ở vùng Nagorno-Karabakh, song chưa mang lại tiến triển cụ thể nào. Tuy nhiên, là quốc gia có lợi ích và “công cụ” để đóng vai trò trung gian hòa giải, Nga đang được kỳ vọng là có thể đem đến thay đổi cần thiết giúp nhanh chóng hạ nhiệt xung đột biên giới giữa Armenia và Azerbaijan. Đây cũng là cơ hội để Nga tiếp tục khẳng định vị thế nước lớn của mình trong giải quyết các vấn đề quốc tế nóng.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua (29/9) kêu gọi Armenia và Azerbaijan sớm chấm dứt giao tranh ở điểm nóng xung đột Nagorno-Karabakh, giải quyết xung đột bằng biện pháp chính trị, ngoại giao.
“Quan điểm chủ yếu của Điện Kremlin là cần phải ngừng bắn sớm. Bất kỳ tuyên bố nào về việc hỗ trợ quân sự đều như đổ thêm dầu vào lửa. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước, đặc biệt là các đối tác của chúng tôi, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, làm mọi cách để thuyết phục các bên tham chiến ngừng bắn”.
Rõ ràng, Nga cũng nhận thức được rằng nếu không được kiểm soát, xung đột biên giới Armenia và Azerbaijan có thể bùng phát thành chiến tranh cục bộ và khi đó Moscow sẽ bị đặt trong thế đối đầu với Ankara là điều chắc chắn. Không thể phủ nhận Nga đang ở trong thế khó vì nước này có thỏa thuận an ninh tập thể với Armenia, buộc phải bảo vệ trong trường hợp Armenia bị tấn công, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ thì lại tuyên bố kiên quyết đứng về phía Azerbaijan sẵn sàng chạm trán với Armenia.