1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm bình thường hóa: Thực trạng và triển vọng”:

Chiến lược nguy hiểm "gặm nhấm Biển Đông" và các "tam giác quan hệ"

(Dân trí) - Các học giả Việt-Mỹ cuối tuần này đã nhấn mạnh tính chất nguy hiểm của chiến lược "gặm nhấm Biển Đông" của Trung Quốc. Các chuyên gia cũng bàn tới các "tam giác quan hệ" Việt-Mỹ với Nhật và Trung Quốc như môi trường thúc đẩy hay kìm hãm sự hợp tác giữa Washington và Hà Nội.

Biển Đông, Việt - Mỹ và những “tập hợp quan hệ tam giác”

Các chuyên gia Mỹ- Việt trong phiên họp an ninh, chính trị thuộc Hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm bình thường hóa: Thực trạng và triển vọng”. (Ảnh:TP)

 
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) hôm 26/6 đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm bình thường hóa: Thực trạng và triển vọng” tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều quan chức ngoại giao và học giả hai nước Việt, Mỹ.

Phát biểu trong phiên thảo luận chính trị-an ninh chiều 26/6 trong khuôn khổ hội thảo tại hội thảo, TS. Thomas X. Hammes, Viện nghiên cứu Chiến lược quốc gia Mỹ nhấn mạnh việc tải tạo của Trung Quốc gần đây làm dấy lên quan ngại. Ông cho biết của Washington tiếp tục giữ lập trường cứng rắn, như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì các tiền đồn trên Biển Đông nhằm phòng ngừa xung đột trong khu vực. Ngoài ra, theo TS Hammes, trong quá trình hợp tác với Trung Quốc, Mỹ vẫn kêu gọi rằng các tranh chấp cần được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế chứ không phải là vũ lực, đe dọa hay hợp tác.

Trong khi đó, TS. Murray Hiebert, Phó Giám đốc, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Mỹ (CSIS) đã điểm lại một số dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ. Khi nhắc đến các yếu tố tác động đến mối quan hệ này, ông Hiebert nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc và những động thái hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Bình luận về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 tới vùng biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, TS. Muray cho biết ông cũng bị bất ngờ bởi Trung Quốc vẫn hạ đặt giàn khoan trái phép trong bối cảnh đang cố xoa dịu làn sóng phản đối dữ dội của quốc tế trước hoạt động cải tạo phi pháp Bắc Kinh.

Chiến lược “gặm nhấm” của Trung Quốc trên Biển Đông

 PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng, chuyên gia thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh:

 PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng, chuyên gia thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: TP)

Khi được hỏi liệu có xung đột Mỹ - Trung xảy ra trên Biển Đông, PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng, chuyên gia Học viện Ngoại giao Việt Nam nói điều đó xem như ít có khả năng xảy ra và nêu rõ rằng: hiện nay Trung Quốc phải tiến hành chiến lược “gặm nhấm” vì sợ một cuộc xung đột trực diện với Mỹ.

Bắc Kinh e sợ một động thái quyết liệt sẽ châm ngòi cho cuộc chiến thật sự với Mỹ và “đó mới thực sự là thảm họa với Trung Quốc”. “Cho đến nay, xét trên cán cân so sánh lực lượng, Bắc Kinh chưa theo được Washington”, PGS.TS Tùng lý giải.

Bên cạnh đó, xét trên góc độ của Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo cho quân đội sẵn sàng tham chiến và "phải thắng tất cả các cuộc chiến". Vậy viễn cảnh nào sẽ xảy ra nếu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tham chiến và thất bại?

"Khi đó, hai điểm yếu của PLA sẽ bị phơi bày: Đầu tiên, PLA chưa sẵn sàng trong các cuộc chiến. Thứ hai, PLA không có khả năng chiến thắng hay nói cách khác là khả năng đánh bại đối thủ còn chưa cao. Lúc ấy, những tuyên bố hùng hồn của Bắc Kinh sẽ phản tác dụng", PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng nói và nhấn mạnh rằng lối tư duy xây dựng năng lực phòng thủ, răn đe là hết sức đúng đắn với Việt Nam trong bối cảnh này.

Đại tá Vũ Văn Khanh (

Đại tá Vũ Văn Khanh (áo kẻ xanh, thứ 3 từ trái sang) phát biểu trong hội thảo. (Ảnh:TP)

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Đại tá Vũ Văn Khanh thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận xét: cho đến nay, các cơ chế khu vực phát huy tốt vai trò của mình trong ổn định tình hình Biển Đông. Ông Khanh cũng nhấn mạnh “trong thời đại ngày nay, ai nghĩ đến chiến tranh, người đó là kẻ lạc hậu”.

Ông Khanh lập luận rằng Biển Đông cũng không phải của riêng Việt Nam. Có tới 5 trong số 10 tuyến đường hải quan trọng nhất quốc tế đi qua, Biển Đông là tuyến đường cung cấp nguyên vật liệu, tạo đầu ra cho nhiều nền kinh tế thế giới, trong đó có Trung Quốc.

“Nếu đặt tình huống xung đột nổ ra trên Biển Đông làm các tuyến đường hàng hải bị đánh sập hay bị phong tỏa, nền kinh tế của Bắc Kinh sẽ bị sụp đổ… Trong bối cảnh ấy, chính sách gặm nhấm của Trung Quốc mới là điều đáng sợ”, Đại tá Khanh chỉ rõ.

Đại tá Khanh cũng phân tích rằng trong Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc 2015, lần đầu tiên vấn đề Biển Đông được đưa vào. Đồng thời đây cũng là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa Hải quân lên hàng chủ đạo của PLA. Trung Quốc cũng nói sẽ kết hợp phòng thủ “xa bờ” và “vùng biển mở”, một động thái nhằm hiện thực hóa "đường lưỡi bò" vô lý do họ tự đưa ra, bất chấp "động chạm" tới nhiều nước trong khu vực, kể cả Mỹ.

Những “tập hợp quan hệ tam giác” Việt Mỹ-Nhật, Việt-Mỹ-Trung

Trong phiên thảo luận an ninh-chính trị, PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng, Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh: yếu tố lợi ích và vấn đề lòng tin có ý nghĩa quan trọng trong chặng đường 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Đáng chú ý, PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng chỉ ra một điểm mới, đó là: “Các tập hợp quan hệ tam giác như Việt-Mỹ-Nhật đang tạo ra môi trường mới cho quan hệ song phương Việt-Mỹ phát triển”.

Ông Tùng nhấn mạnh hiện mối quan hệ song phương Việt-Nhật  hay Việt - Mỹ đều đã phát triển hết sức mạnh mẽ, Nhật-Mỹ lại là hai nước đồng minh thân thiết tại châu Á-Thái Bình Dương. Vấn đề đặt ra là cách thức để kết hợp 3 mối quan hệ song phương đơn lẻ này trở thành một “tập hợp quan hệ tam giác vững mạnh và bổ trợ cho nhau. Đây cũng là một không gian đầy tiềm năng để các bên sáng tạo, suy nghĩ và tiếp tục hành động”.

Nhật và Mỹ đang cùng giúp đỡ Việt Nam phát triển lực lượng phòng thủ bờ biển, một điều kiện để hai bên cùng hợp tác, nhằm giảm các chi phí song trùng và các nỗ lực trùng lặp. Hiện Tokyo đã giúp Hà Nội phát triển kinh tế trong khuôn khổ quan hệ song phương, nhưng khi đưa yếu tố này vào mối quan hệ ba bên, ý nghĩa của nó sẽ tăng lên đáng kể.

Ông Tùng nhận định rằng Tokyo gần gũi với Hà Nội hơn về địa lý, văn hóa và cả lòng tin so với Washington, hai bên có mối quan hệ “ít sóng gió” hơn. Ngoài ra, hợp tác Nhật- Việt cũng phát triển thuận lợi hơn mà không quá đặt nặng "vấn đề dân chủ, nhân quyền".

“Việt-Nhật gần nhau hơn sẽ tạo sức ép khiến Mỹ cần phát triển tốt hơn mối quan hệ với Việt Nam”, ông Tùng nhận định. “Một nữ chuyên gia Mỹ từng nói với tôi khi đến Việt Nam, cái bà nhìn thấy đầu tiên là nhà ga T2, đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân – những dự án có sự chung tay của Nhật Bản. Và đó chính là động lực khiến Mỹ cảm thấy mình cũng cần phải hành động”, PGS.TS Tùng chia sẻ.

TS Nguyễn Đình Luân thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh:

TS Nguyễn Đình Luân thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: TP)

Trong khuôn khổ hội thảo, TS Nguyễn Đình Luân thuộc Học viện Ngoại giao cũng chia sẻ về một “tập hợp quan hệ tam giác” khác đang đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam là Việt - Mỹ - Trung Quốc. TS Luân nhận định sự tiến triển của quan hệ Việt - Mỹ phụ thuộc nhiều vào chính sách của Mỹ và tác động của mối quan hệ Mỹ-Trung.

Ông Luân trích dẫn một nhận định của sử gia thời Hy Lạp cổ đại Thucydides - tác giả cuốn “Lịch sử của Chiến tranh Peloponnesus”, người được cho là "ông tổ" của chủ nghĩa chính trị hiện thực - rằng: “Nước lớn có thể làm được mọi điều họ muốn, còn nước nhỏ phải chịu đựng”.

"Tôi mong muốn Việt Nam, với tư cách là một chủ thể nhỏ hơn, sẽ ít phải chịu đựng, và nếu may mắn hơn sẽ không phải chịu đựng từ mối quan hệ Mỹ - Trung, một mối quan hệ nước lớn vốn biến thiên và rất khó đoán trước", TS. Nguyễn Đình Luân nhấn mạnh.
 
Thoa Phạm  (ghi)