1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chiến đấu cơ tàng hình tự chế đầu tiên của Nhật sắp "tung cánh"

(Dân trí) - Dự kiến trong mùa Hè này, chiến đấu cơ tàng hình rất được chờ đợi F-3, do Nhật Bản tự thiết kế và chế tạo sẽ được đưa ra bay thử nghiệm, đánh dấu bước đột phá của nước này về công nghệ tàng hình và động cơ công suất cao, báo giới Trung Quốc đưa tin.

Chiến đấu cơ F-3 của Nhật (Ảnh: Internet)
Chiến đấu cơ F-3 của Nhật (Ảnh: Internet)

Thông tin được tờ PLA Daily của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đăng tải. Theo đó, chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 ra đời theo chương trình thí điểm trình diễn công nghệ cao của Nhật, được thiết kế để đem lại khả năng hoạt động xuất sắc ở cả 4 tiêu chí đánh giá, gồm tàng hình, bay hành trình tốc độ siêu thanh, dễ dàng điều khiển và hệ thống điện tử hàng không tích hợp.

Về công nghệ tàng hình, lớp vỏ của F-3 được khẳng định có chứa vật liệu hấp thụ sóng điện từ, giúp giảm thiểu phản xạ sóng radar. Ngoài việc lẩn tránh sự phát hiện của radar, chiến đấu cơ này còn được thiết kế với mục tiêu loại trừ các tín hiệu ánh sáng có thể thấy bằng mắt thường, tín hiệu điện tử, nhiệt và tiếng ồn, khiến đối phương khó phát hiện.

Khả năng bay hành trình của F-3 sẽ dựa trên động cơ công suất cao 15 tấn, được phát triển bởi IHI Corporation của Nhật và Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ của Bộ quốc phòng. Động cơ được trang bị công nghệ cùng vật liệu đặc biệt giúp tăng khả năng chịu nhiệt.

Thông thường, các chiến đấu cơ sẽ phải đánh đổi giữa khả năng tàng hình và mức độ dễ dàng trong điều khiển, nhưng thiết kế của chiếc F-3 được khẳng định đã hóa giải trở ngại này. Máy bay có trọng lượng nhẹ và sẵn sàng tác chiến đa nhiệm, với cánh hình kim cương và không cần bộ phận thăng bằng phía đuôi.

F-3 cũng tận dụng ưu điểm về thiết kế của các chiến đấu cơ Mỹ khác, khi hốc đón gió tương tự chiếc X-32, còn đuôi có hình chữ Y, giống chiếc YF-23.

Hệ thống điện tử của F-3 được tích hợp radar mảng pha quét điện tử, hệ thống tác chiến điện tử và các cảm biến RF đa năng, với sợi dây cáp quang cho phép tăng khả năng điều khiển và công nghệ radar cải tiến giúp mở rộng diện tích và cự ly phát hiện mục tiêu.

Dù vậy, theo PLA Daily, dù có thiết kế ấn tượng, F-3 hiện phải đối diện với một số trở ngại, bao gồm việc chế tạo các máy nén và buồng đốt cho một động cơ công suất cao như vậy. Động cơ trên chiếc F-2 tiền nhiệm dù không mạnh bằng F-3, nhưng đã gặp trục trặc trong khi bay, với các vấn đề như rung lắc ở tốc độ cao.

Ngoài ra, hệ thống điện tử của máy bay cũng còn nhiều vấn đề về phần mềm và phần cứng. Hệ thống thủy lực của máy bay được tin là cũng gây quan ngại, do thiết kế có phần mỏng manh.

Thanh Tùng
Theo Want China Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm