1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến đấu cơ “Made in China” giữ vai trò chủ lực trong không quân Trung Quốc

(Dân trí) - Máy bay chiến đấu/ném bom đa năng J-16 do Trung Quốc sản xuất đang giữ vai trò chủ lực trong quá trình dịch chuyển từ chỗ là một đơn vị phòng thủ trở thành một đơn vị tấn công của không quân Trung Quốc.

Một chiến đấu cơ đa năng J-16 của Trung Quốc. (Ảnh:

Một chiến đấu cơ đa năng J-16 của Trung Quốc. (Ảnh: WCT)

Theo báo Want China Times, đây là nhận định của công ty phân tích quốc phòng Sina Military Network có trụ sở ở Bắc Kinh.

Thông thường, chiến đấu cơ chỉ là chiến đấu cơ và máy bay ném bom chỉ là máy bay ném bom. Tuy vậy, với công nghệ phát triển, mức độ tự động hóa ngày càng cao trong lĩnh vực hàng không, các loại vũ khí có độ chính xác cao hơn và trọng lượng nhẹ hơn đã dẫn tới sự ra đời của các loại máy bay quân sự đa năng.

Được sản xuất bởi công ty Tập đoàn máy bay Thẩm Dương của Trung Quốc, chiếc J-16 dựa trên chiếc J-11BS - loại máy bay cũng của Trung Quốc với các tính năng "học theo" chiếc Su-20MKK do Nga sản xuất. Với hệ thống điện tử được nâng cấp toàn diện, radar mảng phân kỳ mới, và hệ thống theo dõi hồng ngoại, chiếc J-16 được cho là sở hữu công nghệ điện tử hàng không cao cấp hơn cả chiếc Su-35 đời mới nhất của Nga.

Không quân Trung Quốc đã bắt đầu việc đầu tư vào các loại chiến đấu cơ đa vai trò kể từ khi cuộc chiến tranh vùng Vịnh kết thúc. Sau đó, nước này bắt đầu mua chiến đấu cơ Su-27SK từ Nga vì không đủ tin tưởng vào chất lượng của dòng Su-30. Mặc dù vậy, những chỉ báo về năng lực của Su-30 sau đó đã khiến quân đội Trung Quốc mua thêm khoảng 100 chiếc Su-30MKK và tiếp đó là Su-30MK2.

Su-30MKK là một loại máy bay chiến đấu mạnh, nhưng hệ thống điện tử và vũ khí của dòng này vẫn thua kém so với một số loại chiến đấu cơ cùng thời của phương Tây. Vì lý do này, Trung Quốc quyết định phát triển loại máy bay chiến đấu của riêng mình dựa trên công nghệ từ Nga và dừng nhập khẩu chiếc Su-30MMK và cả Su-30MK2 sau khi chế tạo được J-16.

Theo đánh giá dựa trên những bức ảnh thu thập được, chiếc J-16 lẽ ra nên được bổ sung thêm một trụ tháp bên dưới cánh giống như chiếc Su-30MKK để trang bị các loại vũ khí đối đất hạng nặng. Chiếc J-16 cũng có khả năng được trang bị các hệ thống phòng thủ tàng hình do Trung Quốc sản xuất và bom hành trình xuyên đất. Bên cạnh đó, J-16 được bổ sung một hệ thống đổ nhiên liệu ngay trong khi bay, giúp kéo dài thời gian bay.

Hệ thống điện tử của J-16 có một radar mảng phân kỳ chủ động có thể cùng lúc theo dõi các vật thể trong không trung và trên mặt đất. Về tên lửa đối không ngoài tầm nhìn (BVR), chiếc J-16 có thể được trang bị một tên lửa thuộc dòng tên lửa PL-12 dẫn đường bằng radar, cho phép đương đầu với những loại chiến đấu cơ đa vai trò như Dassault Rafale do Pháp sản xuất mà không quân Ấn Độ đã chọn mua.

Về vũ khí chiến đấu tầm gần, J-16 có những trụ tháp mới trên đầu cánh có thể được gắn tên lửa đối không PL-10 do Trung Quốc sản xuất. Loại tên lửa này có thể đi kèm với một hệ thống nhìn nhằm giúp tăng góc tấn công ngoài trục.

Bên cạnh đó, J-16 có vẻ như đã được bổ sung một hệ thống ngụy trang kéo theo. Hệ thống này được coi như một biện pháp phục vụ cho việc chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa.

J-16 lẽ ra nên được trang bị động cơ quạt turbo WS-10 do Trung Quốc sản xuất, loại động cơ được coi là cao cấp hơn động cơ Soviet Al-31F phát triển cho Su-27. Tuy vậy, lực đẩy của động cơ WS-10 có thể cần phải được nâng lên từ ngưỡng 12-13 tấn hiện nay lên mức 14 tấn do loại động cơ này có trọng lượng tối đa và trọng lượng cất cánh lớn hơn so với động cơ dòng J-11. Máy bay J-16 được Trung Quốc chính thức “trình làng” vào năm 2013 và theo một số nguồn tin, đến nay đã có 16 chiếc chiến đấu cơ loại này được sản xuất.

Phương Anh
Theo Want China Times