1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chi bộn tiền cho quân sự, Mỹ vẫn dễ tổn thương trước cuộc tấn công bằng tên lửa

Dù chi hàng tỷ USD cho quân sự, Mỹ vẫn thiếu một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đáng tin cậy để bảo vệ lãnh thổ nước này trước các đối thủ như Nga, Trung Quốc hoặc Iran.

Chi bộn tiền cho quân sự, Mỹ vẫn dễ tổn thương trước cuộc tấn công bằng tên lửa - 1

Hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) (Ảnh: Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ).

Washington có một số biện pháp phòng thủ để ngăn chặn cuộc tấn công tiềm năng của Triều Tiên nhưng những hệ thống này đòi hỏi phải đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp.

Một giải pháp hữu ích cho Mỹ sẽ là sử dụng hệ thống phòng không Arrow-3 của Israel để bảo vệ an ninh nội địa trong khi dành thời gian phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mới, với năng lực vượt trội.

Điểm mặt các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ

Mỹ có 3 hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền và một hệ thống phòng thủ trên biển. Trong số các hệ thống phòng thủ trên đất liền, hệ thống tên lửa đánh chặn bố trí trên mặt đất (GBI), được cho là đóng vai trò quan trọng nhất trong việc bảo vệ lãnh thổ Mỹ khỏi một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Tuy nhiên, do GBI hoạt động kém trong các cuộc thử nghiệm, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định loại Boeing - nhà thầu chính của GBI, và trao hợp đồng "tạm thời" cho các tập đoàn Northrop và Lockheed để chế tạo 20 tên lửa đánh chặn mới. Các hợp đồng này trị giá 3,7 tỷ USD.

Hiện, các bệ phóng và radar của GBI đang được đặt tại căn cứ không quân Vandenberg ở California và căn cứ Fort Greely tại bang Alaska. Mỹ chỉ có 44 tên lửa đánh chặn và không tên lửa nào trong số này có thể bảo vệ Mỹ khỏi một cuộc tấn công tiềm năng của Trung Quốc, Nga, thậm chí Iran.

Ngoài ra, Washington cũng không có hệ thống nào có khả năng chống lại tên lửa đạn đạo tinh vi - loại tên lửa có thể bay với tốc độ siêu âm hoặc cận âm, được gắn nhiều đầu đạn, mồi nhử và các thiết bị chống phát hiện khác.

Nga đã trang bị công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV) cho các tên lửa đạn đạo liên lục địa của nước này kể từ năm 1973. Trước đó vào năm 1968, Mỹ cũng trang bị MIRV cho tên lửa Minuteman III. Trung Quốc tham gia cuộc chơi muộn hơn, nhưng ngày nay, nước này đã có một số loại tên lửa tầm xa có khả năng tích hợp MIRV.

Các nước khác như Pháp, Anh và Ấn Độ được cho là đã sở hữu những tên lửa có thể mang nhiều hơn một đầu đạn, nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng có thể nhắm bắn mục tiêu một cách độc lập hay không. Iran đang nghiên cứu chế tạo tên lửa tầm xa có ít nhất hai đầu đạn. Còn Triều Tiên cho biết đang nghiên cứu phát triển tên lửa siêu thanh tích hợp MIRV.

Việc tấn công và phá hủy 1 tên lửa đạn đạo không hề dễ dàng. Hầu như tất cả các hệ thống thử nghiệm đều gặp khó khăn khi bắn hạ những phương tiện bay không người lái mô phỏng tên lửa đạn đạo, không được gắn nhiều đầu đạn hoặc thiết bị đánh lừa như mồi nhử. Đánh giá khách quan, xác suất nhắm trúng mục tiêu của một tên lửa đánh chặn là 56%. Để có thể chống lại mối đe dọa của tên lửa đạn đạo tinh vi, cần phải có 4 tên lửa đánh chặn với xác suất trúng mục tiêu là 97%.

Do Mỹ chỉ có 44 tên lửa đánh chặn ở Fort Greely và Vandenberg, cơ hội ngăn chặn một cuộc tấn công sử dụng 10 tên lửa đạn đạo trở lên là rất thấp. Trung Quốc có từ 50 đến 75 tên lửa ICBM và nước này được cho là đang gia tăng số lượng cũng như nâng cấp tên lửa trong các hầm chứa ở nhiều địa điểm khác nhau. Còn Triều Tiên, theo đánh giá của Washington, có khoảng 12 ICBM nhưng những tên lửa này ngày càng được cải tiến để trở nên tinh vi hơn. Với năng lực tên lửa hiện tại, Triều Tiên có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ ở Bờ Tây và tấn công vào các mục tiêu trên lục địa Mỹ. Nga có khoảng 310 tên lửa ICBM có thể mang tới 1.189 đầu đạn.

Mỹ đã triển khai 3 hệ thống phòng thủ tên lửa khác bên ngoài lãnh thổ nước này, bao gồm hệ thống phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3 và hệ thống Aegis được gắn các tên lửa mới như SM-3 và SM-6 để đánh chặn tên lửa đạn đạn đạo tầm trung và tầm xa. Phiên bản Aegis trên biển đang được Mỹ và Nhật Bản sử dụng. Còn phiên bản trên đất liền đang được triển khai ở Deveselu, Romania.

Hệ thống THAAD đang được triển khai tại Hàn Quốc, UAE, Israel và Romania. Saudi Arabia thời gian gần đây cũng mua hệ thống này nhưng chưa được bàn giao. THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn "truy đuổi - tiêu diệt" tương tự như công nghệ được trang bị trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot, cho phép vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo bên trong hoặc bên ngoài khí quyển.

Tên lửa dùng cho THAAD là loại sử dụng nhiên liệu rắn, có trọng lượng phóng 900kg, chiều dài 6,17m, tầm bay khoảng 200 km và trần bay khoảng 93 km. Tuy vậy trong các cuộc thử nghiệm, THAAD đã không thành công khi tiêu diệt những tên lửa tinh vi. Nó chỉ dược sử dụng để chống lại những tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Patriot PAC-3 - phiên bản cao cấp nhất của dòng Patriot - có thể được dùng để chống lại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay siêu thanh. Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc đã coi đây là hệ thống phòng thủ chính của họ.

Patriot đã đánh chặn một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn. Trong một số trường hợp, nó bắn hạ thành công tên lửa đang bay tới nhưng thường quá muộn vì khi đó tên lửa đã đến gần mục tiêu hoặc gây ra một số tác động nhất định. Thêm vào đó, Patriot dường như thiếu khả năng phân biệt giữa thân và đầu đạn tên lửa, đồng thời gặp khó khăn khi đối phó với những mục tiêu phức tạp hơn.

Giải pháp nào cho Washington?

Xét trong bối cảnh trên, nếu hệ thống phòng thủ duy nhất mà Mỹ triển khai trên lãnh thổ nước này là GBI và GBI đang chờ đợi những tên lửa mới thì điều gì sẽ xảy ra? Một số nhà phân tích cho rằng, Mỹ có thể cân nhắc sử dụng hệ thống tên lửa đánh chặn Arrow 3 do nước này phối hợp với Israel sản xuất như một giải pháp tạm thời.

Hệ thống Arrow có tầm bắn 2.400km, được tích hợp radar AN/TPY2 - tương tự như loại radar mà GBI sử dụng. Trong cuộc thử nghiệm tại Alaska, hệ thống này đã phóng tên lửa đánh chặn phá hủy thành công các mục tiêu. Cơ cấu của một tổ hợp Arrow-3 gồm radar mảng pha quét điện tử chủ động đa nhiệm Green Pine và các bệ phóng tên lửa đánh chặn. Tên lửa này có khả năng đánh chặn các đầu đạn hạt nhân khi chúng đã tách khỏi tên lửa chiến lược trong tầng khí quyển. So với GBI, Arrow-3 có kích thước nhỏ gọn hơn nhiều.

Theo các nhà phân tích, việc sử dụng Arrow-3 như một giải pháp tạm thời sẽ giúp Mỹ xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mới và thực sự hiệu quả - thứ mà nước này đã thiếu trong nhiều thập kỷ qua. Điều đó cũng giúp Washington tiết kiệm hàng tỷ USD dự định được dùng để nâng cấp một hệ thống phòng thủ kém hiệu quả như GBI.

Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) của Mỹ cũng đang hợp tác với Israel trong dự án chế tạo hệ thống phòng không Arrow-4 thế hệ tiếp theo. Rất ít thông tin về Arrow-4 được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng hệ thống này được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa từ MIRV.