1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Châu Phi yêu cầu ông Trump xin lỗi vì phát ngôn “gây sốc”

(Dân trí) - Tổ chức đại diện cho các quốc gia châu Phi đã yêu cầu Tổng thống Donald Trump phải đưa ra lời xin lỗi sau khi bình luận khiếm nhã của nhà lãnh đạo Mỹ vấp phải sự chỉ trích dữ dội của dư luận.

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)

“Phái đoàn Liên minh châu Phi lên án các bình luận (của Tổng thống Trump) ở mức mạnh mẽ nhất và yêu cầu rút lại các bình luận này cũng như đưa ra một lời xin lỗi không chỉ tới người dân châu Phi mà còn tới tất cả những người gốc Phi trên toàn thế giới”, Reuters dẫn thông báo của Phái đoàn Liên minh châu Phi tại Washington, Mỹ ngày 12/1 cho biết.

Tuyên bố của Liên minh châu Phi được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang vướng vào vụ lùm xùm “lỡ miệng” khiến ông vấp phải sự chỉ trích dữ dội của dư luận. Một số nguồn tin cho biết, phát ngôn gây tranh cãi của nhà lãnh đạo Mỹ được đưa ra khi ông có cuộc họp với các nghị sĩ hôm 11/1 để thảo luận về một dự luật mới liên quan tới vấn đề nhập cư.

Tổng thống Trump được cho là đã nói với các nghị sĩ rằng, thay vì cho phép công dân từ những nước đang chịu thiên tai, xung đột hoặc bệnh dịch nhập cư vào Mỹ, Washington nên tiếp nhận người nhập cư từ những nước khác như Na Uy. Các nguồn tin tiết lộ ông Trump đã sử dụng từ “quốc gia dơ bẩn” để ám chỉ một loạt quốc gia như El Salvador, Haiti và các nước châu Phi, đồng thời đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại muốn có người nhập cư từ các quốc gia này.

“Cảm thấy sốc, thất vọng và tức giận, Liên minh châu Phi tin tưởng mạnh mẽ rằng chính quyền Mỹ đang có sự hiểu lầm rất lớn với lục địa châu Phi cũng như những người dân châu Phi. Một cuộc đối thoại giữa chính quyền Mỹ với các nước châu Phi là vô cùng cần thiết”, thông báo của Liên minh châu Phi cho biết.

Theo phát ngôn viên của Liên minh châu Phi Ebba Kalondo, “khi xét đến thực tế lịch sử về rất nhiều người châu Phi đã tới Mỹ làm nô lệ, tuyên bố của ông Trump đã đi ngược lại với tất cả những hành vi và thông lệ được chấp thuận”.

Nhận định về vụ việc trên, phát ngôn viên của văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc Rupert Colville nói rằng “không thể loại bỏ toàn bộ các quốc gia và lục địa” và “không còn từ nào để nói về điều này ngoài từ phân biệt chủng tộc”.

Chính phủ Haiti cho biết các phát ngôn được cho là của Tổng thống Trump đã cho thấy “quan điểm phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng người Haiti”. Trong khi đó, El Salvador đã gửi thư phản đối chính thức tới chính phủ Mỹ, nói rằng Tổng thống Trump đã “ngầm” sử dụng “những từ ngữ miệt thị làm tổn thương lòng tự trọng của El Salvador và các quốc gia khác”.

Tổng thống Trump lên tiếng

Trước làn sóng phản ứng của dư luận, Tổng thống Trump đã đưa ra một loạt tuyên bố nhằm phủ nhận những phát ngôn gây tranh cãi trên là do ông đưa ra. Trong bình luận trên mạng xã hội Twitter ngày 12/1, nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận lập trường cứng rắn của ông trong vấn đề nhập cư, nhưng ông khẳng định không dùng những từ ngữ miệt thị như dư luận đồn thổi.

“Tôi chưa bao giờ nói bất kỳ điều gì xúc phạm người Haiti mặc dù Haiti rõ ràng là một quốc gia rất nghèo và bất ổn. Chưa bao giờ nói “đuổi họ đi”. Đó là những lời bịa đặt của đảng Dân chủ. Tôi đã có mối quan hệ tuyệt vời với người Haiti. Có lẽ các cuộc họp trong tương lai nên được thu âm lại!”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Dick Durbin, đảng viên Dân chủ duy nhất có mặt trong cuộc họp của Tổng thống Trump, bác bỏ những lời “phản pháo” của Tổng thống Trump.

“Chính ông ấy (Donald Trump) đã nói những lời lẽ đầy thù hằn đó và ông ấy còn nói đi nói lại”, Thượng nghị sĩ Durbin cho biết.

Thành Đạt

Tổng hợp