1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Châu Âu liên minh chống nhập cư bất hợp pháp

(Dân trí) - Ngày 21/5, đại sứ của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp với hy vọng tìm ra thoả thuận chung về kế hoạch hướng dẫn kết hợp hài hoà các quy định về trục xuất người di cư bất hợp pháp.

Trên nguyên tắc, văn bản hướng dẫn này còn phải đệ trình lên Nghị viên châu Âu ngày 4/6 tới và ở Hội động các bộ trưởng ngày 5/6 để được thông qua. Hiện nay, dự thảo này đang gây ra các cuộc tranh cãi mạnh mẽ khi cho phép thời hạn giam giữ người di cư bất hợp pháp kéo dài tới 18 tháng và cấm họ quay trở lại châu Âu trong vòng 5 năm.

 

Trong nhiệm kỳ giữ chức chủ tịch EU bắt đầu từ tháng 7 tới, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hy vọng đạt sẽ có một “hiệp ước châu Âu về nhập cư”, theo đó khuyến khích các nước thành viên từ bỏ việc hợp thức hoá hàng loạt và tập thể, tăng cường kiểm soát các đường biên giới của EU. Hiện nay, chính sách di trú giữa các nước của EU rất khác nhau do văn hoá và chính sách hoạch định của từng nước.

 

Từ năm 2003, Pháp coi cuộc chiến chống nhập cư bất hợp pháp là một ưu tiên. Mỗi năm, chính phủ nước này đặt ra mục tiêu các con số trục xuất, năm 2002 là dưới 10.000 người, đến 2007: 25.000 người và dự báo con số của năm 2008 sẽ cao hơn nhiều.

 

Cũng trong giai đoạn 2003-2007, Pháp đã thông qua 3 đạo luật mới nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp (ước tính khoảng từ 200.000 đến 400.000 người) và thay thế một “nhập cư chọn lọc” (nhập cư tay nghề cao) bằng “nhập cư chịu đựng” (đoàn tụ gia đình và bất hợp pháp).

 

Mặc dù phản đối đối mọi hợp thức hoá hàng loạt, nhưng năm 2006, trước sức ép của dư luận xã hội, chính phủ Pháp đồng ý hợp thức hoá cho 6.927 cha mẹ của những trẻ đang theo học tại nước này.

 

Còn ở Anh, chính phủ của Công đảng một thời được cho là "rộng tay" với người nhập cư thì gần đây đã bắt đầu siết chặt luật này. London cho biết, cứ 8 phút lại có một người nhập cư bất hợp pháp bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước này (năm 2007: hơn 63.000 người).

 

Bộ trưởng Bộ di trú, ông Liam Byrne mới đây đã tung ra một kế hoạch nhằm tăng tốc độ trục xuất người nhâp cư bất hợp pháp, dự kiến tăng 60% số lượng trung tâm giam giữ, tăng cường kiểm soát biên giới quốc gia (Anh là nước không tham gia Hiệp ước phi biên giới Schengen).

 

Anh còn dự tính áp dụng từng bước việc sử dụng thẻ căn cước- một chủ đề gây nhiều tranh cãi và lấy dấu vân tay điện tử đối với những người đề nghị xin cấp visa. Một hệ thống “nhập cư trọng điểm” nhắm tới một chính sách nhập cư có lựa chọn đang được áp dụng.

 

Tại Đức, nhập cư bất hợp pháp được coi là một tội, có thể bị phạt tiền hoặc giam giữa đến 1 năm. Trong những năm gần đây, để chống lại làn sóng nhập cư bất hợp pháp (ước tính khoảng 100.000 đến 1 triệu người), cảnh sát Đức gia tăng kiểm soát nội địa.

 

Từ năm 2007, luật pháp nước này cho phép hợp thức hoá một số trường hợp đặc biệt là những người mà thủ tục trục xuất buộc phải hoãn lại vì những lý do khác nhau. Tuy nhiên có tới 14.750 người thuộc diện này trong tổng số 154.780 người nhập cư đã được hợp thức hoá.

 

Tây Ban Nha không còn ở giai đoạn hợp thức hoá ồ ạt như trước. Tình hình kinh tế đã buộc chính phủ của Thủ tướng Zapatero phải có biện pháp siết chặt ngăn nhập cư bất hợp pháp (ước tính khoảng 300.000 đến 800.000 người), chủ yếu là những người đến từ châu Âu, Mỹ Latinh, Ma-rốc.

 

Tuy nhiên, Madrid chỉ quan tâm chống làn sóng nhập cư từ các nước châu Phi vùng cận sa mạc Sahara. Năm 2007, Tây Ban Nha đã buộc 55.938 người hồi hương, tăng 6% so với năm 2006 và số người nhập cư trái phép bằng đường biển giảm 54%.

 

Trong cuộc họp Hội đồng các bộ trưởng diễn ra ngày 21/1 tại thành phố Napoli, tân Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi cho biết, sắp tới đây nhập cư bất hợp pháp có thể được coi là một tội, phạt tù giam giữa từ 6 tháng đến 4 năm. Đây là biện pháp cứng rắn nằm trong “gói an ninh” mà chính phủ của ông Berlusconi muốn áp dụng và là một trong hai ưu tiên mà phe cánh hữu đã hứa sẽ thực hiện nếu giành thắng lợi trong cuộc vận động bầu cử lập pháp hồi tháng 4 vừa qua.

 

Sắp tới, nghị viện nước này cũng bỏ phiếu thông qua một dự luật theo đó sẽ hạn chế số lượng người nhập cư theo diện đoàn tụ gia đình bằng cách yêu cầu xét nghiệm ADN, chứng minh năng lực tài chính và nhà ở ổn định đối với những người mang quốc tịch thuộc các nước thành viên EU, kéo dài thời gian lưu lại các trung tâm giam giữ lên 18 tháng, tăng cường quyền lực cho cảnh sát các thành phố... Tuy nhiên, dự luật này vấp phải sự phản đối của phe đối lập và chỉ trích của Nhà thờ Cơ đốc giáo.

 

Báo chí Italia cho rằng, rất có thể dự luật trên sẽ được chỉnh sửa, thậm chí huỷ bỏ tại phiên họp sắp tới của nghị viện nước này. Chính quyền các địa phương cũng tỏ ra bối rối nếu dự luật trên được thông qua: gần 300.000 trên tổng số 1,5 triệu người được các gia đình Italia thuê để trông con và chăm sóc người già là dân nhập cư bất hợp pháp. 

 

Ngọc Nhàn

Theo Le Monde

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm