1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu làm lu mờ kế hoạch giải cứu thị trường của Mỹ

(Dân trí) - Chính phủ các nước châu Âu ngày hôm qua đã nhất trí “bơm” gần 2.000 tỷ USD để giải cứu hệ thống tài chính khu vực nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.

Kế hoạch giải cứu của các nước châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Áo và Bồ Đào Nha, đã làm lu mờ kế hoạch giải cứu thị trường tài chính trị giá 700 tỷ USD của Mỹ.

Một số chính phủ đã loan báo kế hoạch của nước mình, chẳng hạn như Đức sẽ sử dụng 480 tỷ euro, Hà Lan 200 tỷ, Tây Ban Nha và Áo, mỗi nước 100 tỷ euro, Bồ Đào Nha 20 tỷ. 

 

Về phần nước Pháp, Tổng tổng thống Nicolas Sarkozy đã loan báo một kế hoạch 360 tỷ euro, nhưng kế hoạch này sẽ làm tăng món nợ của Nhà nước Pháp, mà hiện đã vượt xa mức cho phép của các hiệp ước châu Âu.

 

Những tin này ngay lập tức khiến thị trường chứng khoán quay đầu đi lên.

 

Sau khi trải qua một tuần hết sức tồi tệ, thị trường chứng khoán New York đã tăng một mạch 936 điểm, mức tăng lớn nhất từ trước đến nay. 

 

Chỉ số Dow Jones đã lên tới 9387 điểm, tăng hơn 11% so với phiên giao dịch tuần trước.

 

Một dấu hiệu khác cho thấy các thị trường đang tin tưởng trở lại, đó là giá dầu giao dịch ở châu Á hôm qua tiếp tục tăng trở lại trên mức 80USD/ thùng, sau khi đã sụt xuống còn 75 USD hôm 10/10. Tỷ giá đồng euro cũng vượt trở lại mức hơn 1,37USD.

 

Mỹ hành động

 

Trong nỗ lực bình ổn cho lĩnh vực ngân hàng, Tổng thống Mỹ George Bush hôm qua tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ mua cổ phần của các ngân hàng lớn nhất Mỹ. Hành động này trị giá khoảng 250 tỉ USD và được lấy từ gói 700 tỉ USD mà các nghị sĩ Mỹ thông qua hồi đầu tháng này.

 

Giống như các biện pháp của Anh và các nước châu Âu, Mỹ cũng sẽ mua cổ phần trong các ngân hàng lớn nhất, trong đó có Goldman Sachs và Morgan Stanley. Ông Bush nói: "Đây là biện pháp ngắn hạn cần thiết nhằm đảm bảo tính bền vững của hệ thống ngân hàng Mỹ. Biện pháp này không nhằm để chiếm lĩnh thị trường tự do, mà là để bảo vệ nó".

 

Kế hoạch trên được đưa ra sau khi lãnh đạo các ngân hàng lớn nhất nước này kết thúc phiên họp đặc biệt tại Bộ Tài chính.

 

Mặc dù vẫn chưa có thông báo về chi tiết cụ thể, nhưng tin tức cho rằng những vụ mua bán đầu tiên sẽ là với 9 ngân hàng lớn nhất của Mỹ, trong đó có Citigroup, Wells Fargo và Ngân hàng Mỹ.

 

Mục đích - cũng tương tự như hành động khi trước của Mỹ - là gia tăng nguồn vốn dự trữ vốn đã cạn kiệt tại các ngân hàng này.

 

Bộ Tài chính Mỹ hi vọng hành động này sẽ cho phép các ngân hàng tái tiếp tục các hoạt động cho vay bình thường và giúp giảm bớt gánh nặng của cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay.

 

Nguyễn Viết

Theo Reuters, BBC