Châu Á -Thái Bình Dương “nóng” với các cuộc tập trận
(Dân trí) - Châu Á -Thái Bình Dương thời gian này liên tục diễn ra các cuộc tập trận - song phương có, đa phương có, với quy mô có khi lớn nhất từ trước đến nay.
Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) - cuộc diễn tập hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, đang diễn ra ở Hawaii với sự tham gia của hơn 150 máy bay, 34 tàu chiến và 5 tàu ngầm và hơn 20.000 quân của 13 nước với giả định tình huống phối hợp để đối phó với một cuộc khủng hoảng.
Cuộc diễn tập, được khởi động từ ngày 23/6 và kéo dài đến hết 1/8, là cuộc diễn tập RIMPAC thứ 22. RIMPAC được tiến hành 2 năm một lần mà theo quan chức quân sự Mỹ, nước nắm quyền Mỹ chỉ huy, là “sẽ cho phép những nước tham gia có khả năng rất nhanh chóng trở thành một phần của một tổ chức đa quốc gia trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng bất ngờ và thực sự của thế giới”. Theo đại diện hải quân Mỹ, thì việc lên kế hoạch cuộc tập trận này không nhằm đối phó với những hồ sơ quốc tế nóng bỏng hiện nay, ví dụ như tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
Colombia, Pháp, Malaysia và Thái Lan đều là các nước mới tham gia RIMPAC. Các nước tham gia trước đó là Australia, Canada, Chile, Indonesia, Nhật Bản, Hà Lan, Peru, Singapore và Hàn Quốc. Ngoài ra, còn có ba quan sát viên là Brazil, Ấn Độ và New Zealand.
Diễn tập quy mô tại Viễn Đông và Siberia
Cuộc tập trận này không chỉ được chuẩn bị trên nước và trên không. Chống lại đối phương giả định sẽ có các lực lượng quân đường sắt, các đơn vị hậu cần, lực lượng phòng không và nhiều loại quân sự khác. Cuộc tập trận giả định bối cảnh chiến đấu tại các vùng lãnh thổ ở xa, triển khai lực lượng chiến đấu từ trên không và trên biển, di chuyển quân đội trên cự ly dài và coi trọng công tác đảm bảo hậu cần của toàn quân. Quân đội Nga cũng huấn luyện phương pháp di chuyển quân bằng máy bay vận tải từ khu vực châu Âu và Ural của Nga, cung cấp vũ khí tại các căn cứ ở Viễn Đông và Siberia.
Mùa Thu năm 2008, Nga bắt đầu tiến hành cuộc cải tổ quân đội đầu tiên, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, với chủ trương tinh giảm biên chế và nâng cao khả năng đối phó linh hoạt. Cuộc cải tổ quân đội này giảm quân số từ 1,13 triệu xuống còn 1 triệu người, mà trụ cột là việc thay đổi cơ cấu quân đội từ 4 cấp độ thành 3 cấp độ “quân khu, quân đoàn và lữ đoàn”. Cuộc tập trận lần này nhằm xác định tiến độ và hiệu quả của cuộc cải cách quân đội tại khu vực Viễn Đông và Siberia, nơi có điều kiện địa lý khắc nghiệt.
Vùng biển Hoàng Hải
Seoul và Washington đã tuyên bố sẽ tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm chung vào ở vùng biển ngoài khơi bờ biển Hoàng Hải, phía Tây Hàn Quốc, giữa lúc căng thẳng với Triều Tiên liên quan đến vụ đắm chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3. Kế hoạch tập trận chung này đã bị hoãn lại nhiều lần, nhưng hồi cuối tháng 5, Hải quân Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm mà dư luận cho là hoạt động phô trương sức mạnh đầu tiên của Seoul kể từ khi bùng phát những căng thẳng xung quanh vụ tàu Cheonan.
Đầu tháng 7, phát ngôn viên Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc tuyên bố sẽ tập trận với Mỹ sau khi Liên Hợp Quốc ra tuyên bố về vụ Cheonan. Tuy nhiên, người phát ngôn không nói thêm về thời điểm cụ thể và quy mô của cuộc tập trận ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào tháng trước này. Theo thông tin mới nhất, rất có khả năng sự trì hoãn lần này là “vô thời hạn”, hoặc quy mô tập trận sẽ được thu nhỏ, thậm chí, tàu USS George Washington sẽ không vào Hoàng Hải.
Trong khi đó, giới chức quân sự Trung Quốc vừa xác nhận Hạm đội Đông Hải của nước này ngày 5/7 đã kết thúc cuộc diễn tập và bắn đạn thật kéo dài 6 ngày tại Biển Hoa Đông, ở ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, Đông Nam nước này. Cuộc diễn tập thường niên này, được tiến hành sớm hơn 10 ngày so với kế hoạch ban đầu, diễn ra ngay trước khi diễn ra cuộc tập trận hải quân chống tàu ngầm giữa Mỹ và Hàn Quốc trên Hoàng Hải. Cuộc tập trận đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của Washington, trong khi đó, Trung Quốc phủ nhận cuộc tập trận này nhằm đáp trả cuộc tập trận chung đã lên kế hoạch giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Những cuộc tập trận gần đây nhất
Tàu đổ bộ RSS của Singapore tham gia tập trận CARAT-2010.
Cũng trong đầu tháng 7, Pakistan và Trung Quốc tập trận chống khủng bố chung kéo dài một tuần mang tên “Hữu nghị” - trong một dấu hiệu mới nhất mà hai nước tuyên bố là cho thấy mối quan hệ khăng khít hơn giữa hai quốc gia.
Trước đó, trong những ngày cuối tháng 6, các lực lượng đa quốc gia gồm Lực lượng Phòng vệ Timor Leste và Lực lượng Ổn định Quốc tế (ISF) đã tiến hành một cuộc tập trận trên biển chung mật danh ''Exercise Crocodile 10'' ở Timor Leste, với mục tiêu tuyên bố là thúc đẩy an ninh khu vực cũng như tăng cường sự sẵn sàng và hợp tác trong các nước đối tác. Tham gia cuộc tập trận còn có lính thủy đánh bộ và hải quân Mỹ, với sự hiện diện của hai tàu USS Peleliu và USS Pearl Harbor.
Hồi tháng 5, Indonesia, Mỹ, Thái Lan và Philippines đã tiến hành cuộc tập trận chung tại khu vực Tây Java của Indonesia nhằm thúc đẩy hợp tác và năng lực của quân đội các nước trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ. Cuộc tập trận, còn có sự tham gia của Bangladesh, Nepal và Brunei, là một trong những hoạt động do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ bảo trợ.