1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Châu Á, Ngoại trưởng Mỹ và chiến lược ngoại giao của Washington

(Dân trí) - Việc tân Ngoại trưởng Mỹ chọn châu Á làm chuyến công du nước ngoài đầu tiên hàm chứa định hướng đối ngoại mới của Washington - coi châu Á là trọng tâm với nhiều vấn đề nóng: bạo lực Trung Đông, căng thẳng Triều Tiên, cuộc chiến chống khủng bố Afghanistan, Pakistan, vấn đề Iran.

Châu Á, Ngoại trưởng Mỹ và chiến lược ngoại giao của Washington - 1
Bà Hillary Clinton tại Indonesia.
 
Hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, khủng hoảng kinh tế và thay đổi khí hậu sẽ là những chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của bà Hillary Clinton đến bốn nước Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và Mỹ từ ngày 16-22/2.  Nhưng ngoài việc củng cố liên minh với các quốc gia có truyền thống thân Mỹ, bà Hillary chắc chắn còn phải có sứ mệnh cho cả thế giới thấy chiến lược ngoại giao mới của Mỹ.

 

Hãy cùng theo chân tân Ngoại trưởng để tìm hiểu sứ mệnh của bà và trọng tâm của chuyến đi này. 

 

Nhật Bản: Cột mốc chính sách đối ngoại của Mỹ

 

Đến Nhật Bản trong chặng dừng chân đầu tiên (ngày 17/2), bà Hillary lập tức mô tả liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản là cột mốc của chính sách đối ngoại của chính phủ mới ở Washington. 

 

Trong chuyến thăm, bà Hillary rõ ràng là đã tìm cách tái khẳng định với Nhật Bản rằng chính quyền mới tại Washington sẽ ủng hộ các chính sách của Nhật Bản đối với Bình Nhưỡng. Bà cũng bày tỏ sự hỗ trợ tinh thần cho Nhật Bản về một vấn đề được coi là có tính cách tình cảm, đó là giải quyết số phận của các công dân Nhật đã bị bắt cóc và đưa sang Triều Tiên cách đây nhiều năm.

 

Bà Hillary đã thể hiện chính sách đối ngoại của chính phủ mới ở Mỹ về vấn đề này khi khẳng định chính phủ của Tổng thống Obama sẵn lòng bình thường hóa quan hệ nếu Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân và tôn trọng các hiệp định đã ký trước đây. Tuy nhiên, bà không quên cảnh báo Triều Tiên về kế hoạch phóng thử nghiệm phi đạn tầm xa.

 

Dưới thời chính phủ của Tổng thống Bush, Nhật Bản đã thất vọng khi thấy Mỹ gạt Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố mà không đạt được mấy tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc. 

 

Các cuộc gặp tại Tokyo cũng đem lại kết quả là một thông cáo cho biết thủ tướng Nhật Bản Taro Aso sẽ lên đường đi Washington vào tuần tới. Như vậy, ông Aso sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Tổng thống Barack Obama đón tiếp tại Nhà Trắng.

 

Indonesia- nhịp cầu mới với Đông Nam Á

 

Không phải ngẫu nhiên mà bà Hillary chọn Indonesia cho chuyến đi lịch sử này. Theo giới quan sát, sự kiện này khẳng định tầm quan trọng của Jakarta trong chính sách đối ngoại của Mỹ với thế giới Hồi giáo và với ASEAN. Tính biểu trưng của chặng dừng chân này là rất mạnh: đây là chuyến thăm đầu tiên của tân Ngoại trưởng Mỹ tới một nước đa phần là người Hồi giáo. Indonesia là một đất nước dân chủ, ổn định và cách xa Trung Đông tới nửa vòng trái đất.

 

Indonesia, theo cách nào đó, có lẽ là điểm dừng chân khiến nhiều người tò mò nhất của bà Hillary.

 

Đặt chân đến Jakarta hôm qua, 18/2, bà Hilary cho rằng quốc gia này chiếm vị thế hàng đầu trong việc quảng bá những giá trị mà chính quyền Obama bảo vệ. Ngoài thông điệp thân thiện với thế giới Hồi giáo chặng  đường Indonesia cũng cho phép bà Hilary Clinton tạo dựng một nhịp cầu mới với Đông Nam Á.

 

Sau khi tiếp xúc với các lãnh đạo Indonesia như tổng thống Yudhoyono và ngoại trưởng Hassan Wirajuda, bà Hilary đến thăm Văn phòng Ban thư ký Hiệp hội ASEAN tại Jakarta. Bà Hillary nói Washington sẽ nghiên cứu về khả năng tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác của khối ASEAN, một động thái có thể là tín hiệu về mối quan hệ mạnh hơn của Mỹ với Đông Nam Á.

 

Hàn Quốc - thống nhất quan điểm về vấn đề hạt nhân Triều Tiên

 

Hôm nay, 19/2, bà Hillary sẽ đến Hàn Quốc. Dư luận đánh giá chuyến viếng thăm của bà Hillary diễn ra vào một thời điểm khá tế nhị, khi mà các cuộc thảo luận giải trừ vũ khí hạt nhân với Triều Tiên đang lâm vào bế tắc và chính quyền Bình Nhưỡng càng lúc càng tỏ thái độ cứng rắn với Seoul. Một tờ báo Pháp thậm chí vừa đưa tin Triều Tiên có thể sẽ thử lên lửa Daepodong 2 vào thứ Tư tuần sau, ngày 25/2 - ngày kỷ niệm 1 năm Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nhậm chức.

 

Ngoài các vấn đề quan tâm chung, như đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những nghị trình trong quan hệ song phương với mỗi nước, chắc chắn bà Clinton sẽ phải thảo luận với đồng minh Hàn Quốc về tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Nhiều nhà phân tích chắc chắn rằng Washington sẽ nhân dịp này thống nhất quan điểm giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, vì như Bộ Ngọai giao Mỹ vừa tái khẳng định, mục tiêu cuối cùng của chính sách của Mỹ đối với Bình Nhưỡng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên.

 

Một tờ báo Nhật Bản ngay trước đó dẫn bà Hillary khẳng định Mỹ sẽ đưa vấn đề thử tên lửa của Triều Tiên vào chương trình nghị sự của đàm phán 6 bên và kêu gọi Trung Quốc, Nga gây sức ép để buộc Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán này.

 

Trung Quốc: Trọng tâm chuyến công du 

 

Cho dù Trung Quốc sẽ là chặng dừng chân cuối cùng, song các nhà quan sát đều cho rằng đó mới chính là trọng tâm của chuyến viếng thăm châu Á của bà Hillary. 

 

 

Ở Bắc kinh từ 20-22/2, mục tiêu trước mắt cuả bà Hillary sẽ nhằm mở rộng quan hệ Mỹ - Trung, và hợp tác chặt chẽ trên hai hồ sơ chủ yếu là mậu dịch và Triều Tiên. Bên cạnh đó, vấn đề thay đổi khí hậu cũng là lĩnh vực mà hai quốc gia có thể sẽ cùng phác thảo những dự án tương lai.  

 

Trong bối cảnh hiện nay, các nhà quan sát đều thừa nhận một thực tế là : Washington cần sự hợp tác cuả Bắc Kinh để ngăn chặn khủng hoảng tài chính. Khi công bố lộ trình và nội dung các cuộc thảo luận cuả bà Hillary tại châu Á, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đặt vào hàng đầu hồ sơ ''biến động trên thị trường tài chính''. Bắc Kinh đang nắm trong tay 700 tỷ USD công trái cuả Ngân Khố Mỹ, trong khi Mỹ vẫn là thị trường béo bở cho các mặt hàng của Trung Quốc.

 

Bà Hilary chắc hẳn sẽ phải lắng nghe các mối quan ngại cuả Bắc Kinh về khuynh hướng bảo hộ mậu dịch tại Mỹ. Đổi lại, ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ giải thích cho các lãnh đạo Trung Quốc về gói kích thích kinh tế kếch xù gần 800 tỷ USD mà Tổng thống Obama vừa ký lệnh thực thi ngay trước chuyến đi châu Á của bà.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp