Chân dung thống đốc khiếm thị đầu tiên của nước Mỹ
(Dân trí) - Thứ hai, ngày 17/3 tới sẽ là một ngày lịch sử của bang New York khi ông David Paterson sẽ trở thành thống đốc da đen đầu tiên của bang này và cũng là thống đốc khiếm thị đầu tiên của nước Mỹ.
Hôm thứ 4, Thống đốc bang New York Eliot Spitzer đã tuyên bố từ chức vì bị cáo buộc là “khách quen” của một đường dây gái gọi cao cấp với giá lên tới hàng nghìn USD mỗi giờ. Ông Spitzer sẽ chính thức rời khỏi chiếc ghế thống đốc vào ngày 17/3 tới, nhường lại vị trí này cho phó thống đốc bang là ông David Paterson.
Xét về nhiều phương diện thì người đàn ông sẽ trở thành thống đốc tiếp theo của New York chỉ là một thống đốc ngẫu nhiên mà thôi. Nhưng với tất cả những gì mà David Paterson đã làm suốt thời gian qua, mọi người đều tin rằng ông xứng đáng với vị trí mới.
Khi David Paterson chỉ mới 3 tháng tuổi, ông đã mắc phải một căn bệnh nhiễm trùng ở tai ảnh hưởng tới thần kinh thị giác, khiến ông bị mù. 53 năm sau đó, ông Paterson sẽ trở thành thống đốc khiếm thị đầu tiên của New York sau tuyên bố từ chức của ông Eliot Spitzer.
Paterson sinh trưởng trong một gia đình quyền lực ở khu Harlem (New York). Nhưng theo những người đã từng làm việc lâu năm với Paterson, vị thống đốc tương lai của New York đã tiến tới con đường quyền lực bằng chính tài năng, sự quyết đoán, tính cách dễ chịu và khả năng chính trị của chính bản thân ông.
Paterson, 53 tuổi, được cho là người cở mở, thẳng thắn, dễ tính - trái ngược hoàn toàn với phong cách hiếu chiến của Spitzer. Người dân New York hi vọng, tính cách và khả năng của Paterson sẽ giúp chữa lành lại vết thương mà ông Spitzer đã gây ra. Paterson sẽ hoàn thành nốt nhiệm kỳ của Spitzer tới năm 2010.
Ông Spitzer, người mới trở thành thống đốc New York hơn 1 năm về trước, không hoà hợp với các nghị sĩ ở cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hoà. Ngược lại, ông Paterson đã làm đại biểu tại thượng viện của bang New York trong 20 năm và rất “được lòng” các đối thủ đảng Cộng hoà trong hội đồng lập pháp bang. Paterson còn nổi tiếng với tính cách hài ước và thật thà.
Thượng nghị sĩ Martin Golden của đảng Cộng hoà nhận xét về ông Paterson: “Trước đây mọi người đã đánh giá thấp người đàn ông này nhưng tôi nghĩ ông ấy sẽ dần chứng minh được tài năng trước thử thách. Ông ấy biết bang này hoạt động thế nào, ông ấy tới từ thành phố New York, ông ấy đã trưởng thành trong khó khăn - căn bệnh khiếm khị buộc ông ấy phải vượt qua rất nhiều trở ngại”.
New York Times trích lời một người ủng hộ Paterson: “Ông ấy rất hài ước và rất hiền lành. Về điểm này thì Paterson trái ngược hoàn toàn Spitzer”.
Nỗ lực phi thường
David Paterson chào đời tại thành phố New York năm 1954. Cha ông, ông Basil Paterson, là phó thị trưởng thành phố New York và bộ trưởng nội vụ tiểu bang - người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức vụ này trong lịch sử New York.
Bệnh nhiễm trùng ở tai khi mới 3 tháng tuổi đã khiến một mắt của ông bị mù hẳn còn mắt kia nhìn rất hạn chế. Tuy nhiên, ông từ chối học chữ Bray dành cho người mũ, không sử dụng gậy hay chó dẫn đường mà cố gắng sống như một người bình thường.
Paterson từng phát biểu năm 2002 khi được bầu làm lãnh đạo phe Dân chủ tại hạ viện của bang: “Mọi người thích nói với những người tàn tật rằng họ cũng giống như mọi người. Nhưng câu nói đó chỉ nhằm động viên bạn mà thôi. Khi bạn là người tàn tật, bạn mới hiểu bạn chẳng giống mọi người chút nào”.
Nhưng với nỗ lực của bản thân, cậu bé khiếm thị đã trở thành sinh viên tàn tật đầu tiên tại ngôi trường công lập của cậu. Mặc dù một mắt nhìn rất mờ nhưng Paterson đã cố gắng để trở thành một sinh viên bình thường giống như bạn bè. Nhờ vào những cuốn sách được thu âm và những gì người khác đọc cho Paterson nghe, cậu đã tốt nghiệp loại ưu tại đại học Columbia và sau đó là Trường Luật của Đại học Hofstra. Khi còn là sinh viên ở đó, người ta thường thấy Paterson chạy bộ dọc Hempstead Turnpike, một xa lộ 6 làn đường và không có vỉa hè.
Giáo sư Eric Lane tại ĐH Hofstra, một trong những giáo viên của Paterson và sau này đã cùng làm việc với ông trong cơ quan lập pháp, nói: “Cậu ấy thường chạy bộ gần 5 km trên con đường đó mỗi ngày - và hãy nhớ là cậu ấy bị khiếm thị. Đó là một chàng trai có nghị lực phi thường và khiến người khác rất ấn tượng. Cậu ấy muốn vượt qua tất cả trở ngại từ đôi mắt nên đã rất chăm chỉ”.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Hofstra, Paterson làm việc tại văn phòng công tố của quận Queens ở New York. Năm1985, ông trở thành đại biểu đại diện cho khu vực Harlem trong thượng viện của bang. Năm 2002, Paterson được bầu làm lãnh đạo phe thiểu số tại thượng viện bang New York.
Giáo sư Eric Lane nhật xét: “Tại thượng viện, ông ấy đã thăng tiến từ một nghị sĩ vừa mới vào nghề thành lãnh đạo phe thiểu số và chứng minh khả năng chính trị. Ông ấy có khướu hài ước. Ông ấy biết cách nói chuyện với mọi người, hiểu điều họ cần, thứ họ muốn”.
Tờ New York Times miêu tả Paterson là người thông minh, ngay thẳng nhưng cũng cho rằng ông hầu như vẫn chưa được “thử lửa” vì chức phó thống đốc chỉ mang tính tượng trưng. Paterson được cho là người theo chủ nghĩa tự do và là một chính trị gia khôn khéo. Nhưng những người chỉ trích Paterson tỏ ra nghi ngờ rằng ông quá hiền lành khi đảm nhiệm trọng trách khó khăn sắp tới.
VTH
Theo Christian Science Monitor