1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cây xương rồng Việt Nam trong nhà một cựu binh Mỹ

Với sức sống bền bỉ vốn có của xương rồng, cộng với sự chăm sóc của chủ nhà, từ một cành xương rồng nhỏ mang về từ Việt Nam, nay gia đình bà Dora Layton đã có nhiều chậu xương rồng.

Trung tuần tháng 4/2006, chúng tôi tới thăm nhà cựu binh Mỹ Gilbert Layton. Bà Dora Layton - vợ ông - cùng ba người con tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại vùng Fairfax, bang Virginia.

 

Tuy đã 94 tuổi nhưng bà vẫn còn khỏe và minh mẫn. Gilbert B. Layton đã mất năm 1996 sau 43 năm phục vụ trong quân đội, trong đó có 20 năm làm việc trong Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ (CIA).

 

Năm 1961 ông được điều sang Việt Nam và ở đó đến năm 1964. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Dora đã tự kể về những kỷ niệm của gia đình, về thời gian bà cùng chồng và các con sống tại Việt Nam.

 

Bà Dora nhớ lại: “Cuối năm 1960, chúng tôi đang ở Paris. Một hôm Gil gọi điện cho tôi hỏi nếu ông ấy được chuyển đến Sài Gòn thì tôi nghĩ sao. Thực sự lúc đó tôi không biết Sài Gòn ở đâu.

 

Gil nói: Sài Gòn là Paris của Đông Nam Á, là một thành phố ở miền Nam Việt Nam. Nghe Gil nói vậy, tôi đồng ý sẽ cùng các con theo ông ấy sang Việt Nam.

 

Ba con tôi lúc đó - hai con gái đầu và một con trai út- đang ở độ tuổi 19, 11 và 9 tuổi. Khi đến Sài Gòn, chúng tôi ở trong một biệt thự đẹp trên đường Trương Minh Giảng, các con tôi theo học ở một trường quốc tế”.

 

Theo bà Dora thời gian gia đình bà sống ở Sài Gòn là những tháng ngày tốt đẹp và bà nói đã cảm thấy gắn bó với thành phố xa lạ này. Anh Todd Layton, con trai út của bà Dora, hồi tưởng lại ngôi nhà của họ được canh gác cẩn thận, xung quanh có tường cao bao bọc, phía trên lại có hàng rào thép gai, và anh chỉ có thể nhìn ra bên ngoài qua những ô lỗ nhỏ.

 

Tuy vậy, Todd nói anh thực sự muốn có dịp trở lại Sài Gòn để về thăm ngôi nhà cũ, thăm trường học cũ và thăm Trường bắn Thủ Đức – nơi anh đã có dịp đến cùng với bố anh.

 

Tuy nhiên, quãng thời gian bốn năm ở Sài Gòn thực sự không hề bình yên như bà Dora mong muốn. Năm 1963, gia đình bà đã chứng kiến cuộc đảo chính lật đổ anh em Ngô Đình Diệm.

 

“Thật là những ngày hỗn loạn” - Bà Dora nhớ lại. “Tôi và các con phải ở trong nhà không dám ra ngoài. Tiếng súng nổ khắp nơi”. Cũng trong năm đó, gia đình nhà Layton trở về Mỹ.

 

“Tôi đã khóc khi phải rời Sài Gòn - Bà Dora kể tiếp - Tôi đã có cảm giác thân quen với thành phố này, với căn nhà xinh đẹp, đặc biệt với những chậu cây cảnh, trong đó tôi thích nhất chậu cây xương rồng. Tôi rất muốn được mang chậu cây cảnh đó về Mỹ, nhưng không được, và tôi đã khóc.

 

Nhưng một điều kỳ diệu đã xảy ra. Trở về nhà, sau hơn một tuần thu dọn, tôi thấy một hộp nhỏ, mở ra xem thì thấy trong đó có một cành xương rồng nhỏ. Thì ra người giúp việc trong gia đình thấy tôi thích chậu cây này đã bí mật cắt một cành, cho vào hộp và để lẫn trong đống đồ đạc của gia đình.

 

Thật kỳ lạ vì sau cả tuần trong hộp kín, không có nước, không có ánh sáng, vậy mà cành xương rồng vẫn xanh tươi. Chúng tôi đã đem nó trồng vào trong một chiếc chậu và cây xương rồng Việt Nam đã có mặt trong gia đình chúng tôi kể từ đó”.

 

Bà dẫn chúng tôi đến bên góc đầu hồi nhà. Bên cạnh ô cửa sổ mở rộng tràn đầy ánh sáng, ba chậu xương rồng – hai chậu đặt trên giá và một dưới sàn nhà - tất cả đều xanh tươi.

 

Trong mỗi chậu, hàng chục nhánh xương rồng vươn lên, nhấp nhô, trổ ra những chiếc lá màu vàng chanh non trông thật mát mắt. Thời gian trôi qua, với sức sống bền bỉ vốn có của loài cây này, cộng với sự chăm sóc, yêu mến của chủ nhà, từ một cành xương rồng nhỏ mang về từ Việt Nam, nay gia đình bà Dora đã có nhiều chậu xương rồng.

 

Mỗi chậu có hàng chục nhánh khác nhau và chúng đã trở thành kỷ vật quí của gia đình nhắc lại thời gian gia đình bà sống ở Việt Nam.

 

Nghe bà Dora kể về hành trình của cây xương rồng đến từ Việt Nam và ngắm nhìn bà vuốt ve những chiếc lá xanh non của nó, tôi chợt có suy nghĩ: những ký ức về chiến tranh, về bom đạn, chết chóc, về một thời gian khó đã qua dường như đã không còn chỗ trong gia đình này.

 

Thay vào đó là màu xanh của một loài cây cảnh có sức sống kiên cường, dễ thích nghi với điều kiện sống mới và mang lại sự bình an trong tâm trí cho mọi thành viên trong gia đình người cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.

 

Phượng Linh (Washington D.C)

Tiền phong