Cậu bé sinh ra để cứu cha thoát khỏi sóng thần
(Dân trí) - Tìm kiếm trong hàng dài thi thể sau thảm họa sóng thần ngày 11/3, Kenji Sato rùng mình bởi ý nghĩ: anh rất có thể đã là một trong số họ, nếu con trai anh không được chào đời vào sớm ngày hôm đó.
Sato cùng vợ và con trai Haruse
Trong khoảnh khắc tích tắc của số phận đó, Sato, con cháu của gia đình ngư dân lâu đời ở thành phố ven biển Minamisanriku, đã nghỉ làm để đi thăm cậu con trai thứ ba, Haruse, chào đời ở một bệnh viện tại thành phố cảng lân cận.
Nhiều giờ sau, thứ duy nhất còn lại tại nhà dưỡng lão mà anh làm việc chỉ là bộ khung sắt thép.
Gần như tất cả 70 người sống ở nhà dưỡng lão đã bị sóng thần do trận động đất 9,0 richter gây ra cuốn trôi. Trận động đất đã tàn phá thành phố Minamisanriku, một trong những thành phố bị thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa động đất/sóng thần ngày 11/3 năm ngoái. Sato và những người làm cùng với anh đã cùng nhau đi tìm họ.
“Tôi chỉ xác nhận được rằng vợ và con trai tôi an toàn. Sau đó, tôi dành nhiều ngày đi nhận diện các thi thể, tìm kiếm các trung tâm sơ tán cho người già”, Sato, 31 tuổi, cho biết tại nhà của họ, ngôi nhà quây quần với 4 thế hệ.
Một năm đã trôi qua, gia đình Sato, tất cả đều sống sót trong thảm họa do nhà họ được xây dựng trên một ngọn đồi, dự định tổ chức một bữa tiệc sinh nhật lặng lẽ với bánh, kem cho cậu con trai Haruse. Kazuko, bà của cậu bé khẳng định rằng cậu bé “sinh ra là để cứu chúng tôi”.
Cũng vì Haruse chào đời mà bà Kazuko ngày hôm đó đã nghỉ làm ở bệnh viện thành phố Minamisanriku. Giờ đây một con tàu vẫn ngự trị trên óc của tòa bệnh viện 5 tầng đó, luôn gợi nhớ đến bức tường nước hung dữ cao ngất ầm ầm đổ vào thành phố.
Sóng tiếp nối sóng giày xéo trung tâm thành phố Minamisanriku, giết chết khoảng 1.300 trong số 17.000 cư dân nơi đây. Nhiều người sống sót hiện vẫn sống trong hơn 40 khu nhà ở tạm kiểu doanh trại mọc nhấp nhô trên những sườn đồi quanh nơi từng là thành phố đánh bắt cá đầy sức sống.
“Khi tất cả chúng tôi đoàn tụ vào đầu tháng 4 năm ngoái, tôi mới thấy con của tôi lần thứ hai”, Sato cho biết khi ôm cậu con trai lớn vào lòng. “Tôi ước tất cả những gì đã xảy ra chỉ là một giấc mơ tồi tệ”.
Haruso chào đời vào khoảng 4h sáng, một tháng trước dự sinh, nặng 2,6kg và cần được chăm sóc đặc biệt do thân nhiệt thấp. Nhưng khi bệnh viện ở thành phố lân cận Ishinomaki bị tàn phá trong thảm họa động đất/sóng thần, bệnh nhân ở khắp khu vực đổ về, khiến bệnh viện chật ních.
“Đó là lý do vì sao tôi được yêu cầu phải để lại con và xuất viện 3 ngày sau khi sinh”, Hiromi, 34 tuổi, vợ của Sato cho biết. Hầu hết phụ nữ Nhật ở lại bệnh viện 1 tuần sau khi sinh.
Sau đó là những tuần đầy lo âu, giữa những hỗn loạn hậu động đất, như tìm kiếm người thân, tìm kiếm thức ăn và cố gắng cầm cự mà không có nước máy, điện giữa thời tiết đầu xuân lạnh buốt.
“Tôi đã rất sợ, sợ con sẽ không thể rời bệnh viện được. Nhưng khi họ nói tôi có thể đón con, tôi đã rất hạnh phúc. Chúng tôi lại có thể được ở bên nhau”, Haromi cho biết.
Trung tâm chú ý
Sau khi sinh, Haruse, có nghĩa là “mùa xuân tươi sáng”, bị chẩn đoán mắc hội chứng Down, hội chứng do gen với khả năng nhận biết hạn chế. “Tôi không biết gì về điều đó và tôi lo tôi sẽ không thể nuôi con đúng cách. Song chúng tôi quyết định sẽ nuôi bé giống như hai anh trai của bé,” Hiromi cho biết. “Điều khác duy nhất là thỉnh thoảng chúng tôi đưa con đi gặp một bác sỹ chuyên khoa”.
“Đôi khi tôi thậm chí còn nghĩ rằng có quá nhiều người cố gắng chăm sóc con”, Hiromi cười, khi bà của Haruse hôn bé rối rít và cù bé, khiến cậu bé cười vang.
Song nuôi ba cậu con trai ở một thành phố mà giờ đây giống với nghĩa địa, chỉ có móng nhà nhô lên từ dưới lớp tuyết dày, sẽ không hề đơn giản, thậm chí là với gia đình tận tụy nhất.
Nhà tuyển dụng lớn nhất của thành phố Minamisanriku, hoạt động trong ngành cá, mới chỉ vừa mới đứng dậy và đống đổ nát vẫn nằm rải rác khắp các tuyến phố. Thậm chí ngay cả trước khi xảy ra thảm họa, thanh niên thành phố vẫn phải tới các thành phố lớn hơn khác tìm việc làm.
Sato cho biết con trai lớn của anh chuẩn bị vào lớp một từ tháng 4 tới, trong khi cậu con 4 tuổi học ở trường mẫu giáo ở gần nhà.
“Khi tôi uống cùng bạn bè, chúng tôi đã cười cay đắng rằng thế hệ chúng tôi sẽ dành phần đời còn lại để xây dựng lại thành phố”, Sato, hiện làm việc ở một nhà dưỡng lão khác cho biết. “Việc này rất có ý nghĩa, bởi chúng tôi muốn làm điều đó cho con cái chúng tôi. Nếu không, chúng sẽ phải rời bỏ nơi mà gia đình chúng đã sống trong suốt nhiều thế hệ”.
“Nếu vậy quả không có gì hay ho cả”.
Vũ Quý
Theo Reuters