Cậu bé 7 tuổi kiếm 22 triệu USD mỗi năm nhờ đam mê đồ chơi
(Dân trí) - Một cậu bé 7 tuổi đã kiếm được tới 22 triệu USD mỗi năm nhờ việc quay video đánh giá đồ chơi rồi đăng tải lên trang web chia sẻ video hàng đầu thế giới Youtube.
Ryan thực sự không có gì khác so với các cậu bé lớp 1 cùng trang lứa với niềm đam mê tàu lửa và xe hơi, thích các nhân vật hoạt hình Disney, hay xây nhà bằng bộ xếp hình Lego.
Điều khác biệt nhất đó chính là Ryan chơi các trò chơi này trước ống kính camera. Một người lớn dường như chịu trách nhiệm sản xuất các video này rồi đăng tải trên Youtube, nơi cậu bé có hàng triệu người theo dõi.
Những đoạn video ngắn, đơn giản đã khiến Ryan trở thành một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất trên mạng Internet với 17,3 triệu người theo dõi và tổng cộng 36 tỷ lượt xem kể từ khi cha mẹ cậu bé lập ra kênh Ryan ToysReview từ năm 2015. Khán giả của Ryan chính là những cậu bé, cô bé cùng lứa tuổi, có cùng niềm đam mê với đồ chơi và thích xem Ryan chơi các đồ chơi mới mẻ.
Theo ước tính của Forbes, cậu bé là một trong những “ngôi sao” kiếm nhiều tiền nhất của Youtube với 22 triệu USD trong 12 tháng.
“Cháu cảm thấy rất vui”, Ryan nói về niềm đam mê có thể giúp cậu kiếm tiền với kênh NBC trong một cuộc phỏng vấn trước đó.
Ryan là một trong những ví dụ tiêu biểu cho trào lưu kiếm tiền trên mạng internet bằng việc sản xuất các nội dung nguyên bản và đăng lên trên các trang mạng.
Hầu hết số tiền Ryan kiếm được (21 triệu USD) thu được từ các đoạn quảng cáo trên kênh Youtube (người dùng phải xem quảng cáo của Youtube khi mở các đoạn video). Một triệu USD còn lại tới từ các hợp đồng hợp tác của các công ty bên ngoài.
Sự nổi tiếng trên mạng xã hội và mạng internet mang lại cho Ryan rất nhiều cơ hội hợp tác. Cậu bé trở thành đối tác với chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ Walmart hồi tháng 8 và người đại diện cho dòng đồ chơi riêng mang thương hiệu Ryan’s World. Các đoạn video giới thiệu đồ chơi của Ryan được phân phối lại trên Hulu và Amazon.
Vì vẫn chỉ là một cậu bé 7 tuổi, 15% thu nhập của Ryan sẽ được giữ lại vào một tài khoản riêng và sẽ được trao cho cậu bé khi trưởng thành. Một phần tiền còn lại sẽ dành cho các chi phí sản xuất, quản lý và mua đồ chơi.
Đức Hoàng
Theo Forbes