1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Căng thẳng Ấn-Trung và sự im lặng khôn ngoan của các quốc gia Nam Á

Trong bối cảnh căng thẳng Ấn-Trung, các quốc gia ở Nam Á luôn tìm cách cân bằng mối quan hệ với cả hai phía để đảm bảo có được những thỏa thuận tốt nhất về nguồn đầu tư phát triển, cũng như các hợp đồng vũ khí và nhượng bộ ngoại giao.

Căng thẳng Ấn-Trung và sự im lặng khôn ngoan của các quốc gia Nam Á - 1

Các quốc gia khác ở Nam Á đã lặng lẽ quan sát xung đột giữa hai cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ. (Nguồn: ABP News)

Lặng lẽ quan sát hay tranh thủ cơ hội?

Trong năm 2020, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã xấu đi nghiêm trọng. Các cuộc xâm phạm lãnh thổ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại biên giới đang tranh chấp đã dẫn đến đụng độ quân sự và những cuộc giao tranh, điều chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỷ qua. Mãi tới gần đây, hai nước mới bắt đầu xúc tiến quá trình hòa giải.

Khu vực lân cận của Ấn Độ ngày càng có xu hướng trở thành không gian tranh giành ảnh hưởng của hai cường quốc này.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu sang Nam Á. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đổ tiền đầu tư nhiều dự án cơ sở hạ tầng như đường sắt, cảng, đường cao tốc và các hành lang kinh tế kéo dài hàng nghìn km khắp khu vực. Ngoài Ấn Độ và Bhutan, tất cả các quốc gia Nam Á đều đã tham gia Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Và các quốc gia Nam Á đã lặng lẽ quan sát xung đột Ấn - Trung tại biên giới Himalaya. Ngay cả Pakistan - đối tác được đánh giá là thân cận nhất của Trung Quốc trên thế giới và là nước nhận có thể được nhiều lợi ích nhất từ việc Ấn Độ bị "phân tâm" ở khu vực phía Đông - cũng không có động thái khác thường nào để thay đổi hiện trạng. Thay vào đó, ngày 25/2/2021, New Delhi và Islamabad bất ngờ tuyên bố ngừng bắn tại vùng biên giới tranh chấp.

Chỉ có Nepal là trường hợp ngoại lệ, khi nước này coi cuộc khủng hoảng như một cơ hội để chính thức công bố và hợp pháp hóa bản đồ mới về 3 vùng lãnh thổ nhỏ có tranh chấp lịch sử với Ấn Độ. New Delhi đã tuyên bố chủ quyền và kiểm soát các vùng lãnh thổ này trong nhiều thập kỷ, mà không vấp phải phản ứng chính thức nào từ phía Nepal.

Do đó, hành động chưa từng có của Kathmandu ngay trong bối cảnh Ấn-Trung nảy sinh tranh chấp được cho là động thái nhằm thẳng vào New Delhi và mặt khác cũng là cách để thừa nhận mối quan hệ đang phát triển với Trung Quốc.

Động thái mới này là bước tiến xa hơn những gì từng diễn ra trong xung đột Doklam vào năm 2017, khi giới lãnh đạo Nepal đổ lỗi cho Ấn Độ về cuộc khủng hoảng, song thừa nhận Kathmandu tốt hơn hết là nên đứng ngoài các mâu thuẫn.

Tìm cách cân bằng với cả hai phía

Các nước láng giềng của Ấn Độ vốn có các khúc mắc cần giải quyết có thể sẽ tìm cách khai thác bất kỳ xung đột Ấn-Trung nào trong tương lai.

Bối cảnh khu vực hiện nay đi theo xu hướng Trung Quốc ngày càng mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế cũng như quân sự với nhiều nước nhỏ hơn, trong khi Ấn Độ không ngừng tìm cách đáp trả bằng các nỗ lực ngoại giao và tài chính để giảm bớt các tính toán của Trung Quốc.

Trong khi đó, các nước Nam Á luôn tìm cách cân bằng mối quan hệ với cả hai phía để đảm bảo có được những thỏa thuận tốt nhất về nguồn đầu tư phát triển, cũng như các hợp đồng vũ khí và nhượng bộ ngoại giao.

Cạnh tranh ở quy mô lớn hơn có thể dẫn đến việc Ấn Độ hoặc Trung Quốc bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn đối với các quốc gia nhỏ. Bên nào có ảnh hưởng lớn hơn trên những bình diện này sẽ có tác động lớn nhất đến kết quả chung cuộc.

Dù có tiềm lực tài chính và mối quan hệ rộng rãi nhưng Trung Quốc lại không có được vị thế này. Bắc Kinh đã nhận thấy những hạn chế của việc xây dựng một đế chế thương mại ở xa Đại lục. Và khi đó, Ấn Độ thường xuất hiện với những lựa chọn thay thế đáng tin cậy hơn.

Thủ tướng Sri Lanka đương nhiệm Mahinda Rajapaksa đã xây dựng mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc vào thời điểm trước năm 2015 khi ông đảm nhiệm cương vị tổng thống, song người kế nhiệm ông là cựu Tổng thống Maithripala Sirisena lại kiên quyết lựa chọn Ấn Độ.

Ngay cả sau khi ông Rajapaksa trở thành thủ tướng vào năm 2019, Colombo đã thận trọng kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng của Ấn Độ và Nhật Bản và xem đó như một hàng rào địa chính trị chống lại sự hiện diện của Trung Quốc.

Tại Maldives, New Delhi đã tránh được bẫy can thiệp quân sự, nảy sinh từ cuộc khủng hoảng hiến pháp vào năm 2018 khi Tổng thống lúc bấy giờ là Abdulla Yameen liên kết với Trung Quốc. Thay vào đó, Ấn Độ đã gây áp lực ngoại giao và ủng hộ ứng cử viên đối lập, Ibrahim Mohamed Solih, người hứa hẹn một mối quan hệ tốt hơn với Ấn Độ. Ông Solih đã thực hiện lời hứa của mình sau chiến thắng bất ngờ và New Delhi đáp lại bằng khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 500 triệu USD.

Ở khu vực Nam Á, các nước nhỏ hơn thường lại có ảnh hưởng lớn nhất. Cả hai cường quốc đều muốn vun đắp mối quan hệ bền chặt với các quốc gia này để đảm bảo sự ủng hộ về mặt ngoại giao và ít nhất là để ngăn chặn chủ nghĩa cơ hội.

Ấn Độ có lợi ích trong việc đảm bảo hòa bình ở vùng ngoại vi của mình, trong khi Trung Quốc phải bảo vệ các khoản đầu tư trước những rủi ro chính trị, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 cùng tác động tiêu cực đối với nền kinh tế khiến nhiều quốc gia khó trả các khoản vay của Trung Quốc.

Các quốc gia nhỏ hơn có thể bảo vệ lợi ích của mình dễ dàng hơn so với những thời điểm Ấn Độ được xem là nhân tố then chốt duy nhất tại khu vực. Sự bám rễ càng sâu về kinh tế của Trung Quốc đảm bảo rằng Ấn Độ không thể khai thác lợi thế kinh tế về cấu trúc với tư cách là một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới.

Trong khi đó, mối quan hệ văn hóa và lịch sử sâu sắc của Ấn Độ với khu vực đảm bảo rằng Trung Quốc không thể đòi hỏi quá nhiều về mặt ngoại giao để đổi lại các khoản đầu tư vào đây.

Chiến lược cân bằng này không dễ dàng và dễ làm nảy sinh những tính toán chệch hướng, có nguy cơ lôi kéo hai cường quốc lớn vào cuộc cạnh tranh trực tiếp hơn, tương tự như Nepal từng trải qua vào năm ngoái.

Do đó, bất chấp việc lãnh thổ có thể bị ảnh hưởng trực tiếp từ khả năng xảy ra xung đột Ấn-Trung, các quốc gia về cơ bản vẫn lựa chọn cách giữ im lặng và chờ hai cường quốc này tự hạ nhiệt xung đột. Ngoại trừ trường hợp của Pakistan, đây có lẽ là chiến lược lý tưởng cho các nước Nam Á nhỏ bé hơn, ngay cả trong trường hợp căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ trở nên gay gắt hơn.