Cấm vận Iran chỉ là bước đầu
Cấm vận đối với Iran sẽ mở ra một thời kỳ đương đầu mới. Tuy nhiên, phương Tây vẫn không thể chắc sẽ chặn đứng được tham vọng hạt nhân của nước này.
Các loại cấm vận thường chú trọng vào nền kinh tế của một nước song hiệu quả của nó đối với Iran vẫn chưa thể khẳng định được. Hơn nữa, để đạt được điều này, các bên phải trải qua rất nhiều giai đoạn.
Đầu tiên, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) phải nhất trí rằng việc Iran dỡ bỏ niêm phong tại các cơ sở hạt nhân, nối lại nghiên cứu hạt nhân đã vượt qua giới hạn và đặt dấu chấm hết cho các nỗ lực ngoại giao.
Sau đó, EU phải thuyết phục được cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đệ trình vấn đề Iran lên Hội đồng Bảo an (HĐBA). IAEA sẽ đưa ra cảnh báo đối với Iran trước khi quyết định có bất cứ hành động gì. Có thể, họ sẽ yêu cầu Iran ngừng nghiên cứu hạt nhân và trở lại bàn đàm phán. Chỉ khi Iran không thuận theo đề nghị trên, IAEA mới tính tới chuyện cấm vận.
Cấm vận đối với Iran chủ yếu sẽ nhằm vào nền công nghiệp chủ đạo của nước này là khai thác dầu mỏ và khí đốt. Iran đang xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), do đó, họ sẽ không có cơ hội là thành viên của tổ chức này.
Mỹ đã đơn phương cấm vận Iran, không cho phép các công ty dầu mỏ trong nước hợp tác, giúp đỡ Tehran khai thác nguồn tài nguyên của họ. Tuy nhiên, Washington không thể trông chờ việc tất cả các quốc gia trên thế giới cùng áp dụng phương pháp này.
Đơn cử như trường hợp của Trung Quốc, nước có quyền phủ quyết trong HĐBA. Hồi tháng 11/2004, Bắc Kinh đã ký thỏa thuận mua dầu mỏ và khí đốt của Tehran, tổng giá trị lên tới 70 tỷ USD. Họ không thể nhất trí phương án cấm vận với Iran.
Trong khi đó, Nhật Bản, nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iran, chắc chắn không muốn giao dịch với quốc gia Trung Đông này bị gián đoạn. Một nước thành viên thường trực HĐBA là Nga cũng đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Iran. Mới đây, Moscow tỏ ra không hài lòng với Tehran vì đã từ chối đề xuất, theo đó, Nga sẽ thay họ làm giàu uranium cho lò phản ứng ở Iran. Tuy nhiên, Nga cũng không muốn tiến xa hơn thế.
Liệu cấm vận có hiệu quả hay không?
Cấm vận có thể khiến nền công nghiệp của Iran phát triển chậm lại nhưng lãnh đạo quốc gia này không tỏ ra quá lo lắng. Thế giới rất cần dầu mỏ trong khi họ lại dồi dào tài nguyên này. Iran cũng khẳng định họ có quyền phát triển chương trình hạt nhân và tin rằng phải đứng vững trước cái mà họ gọi là áp lực của phương Tây. Đối với Iran, đây đã trở thành một vấn đề về niềm tự hào dân tộc.
Iran đang khai thác một cách khôn khéo Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT). Theo đó, họ cho biết có thể phát triển chương trình hạt nhân dưới sự giám sát của quốc tế. Iran nói đó chính là những gì họ muốn làm. Tuy nhiên, có nhiều tranh cãi cho rằng Iran bị tước quyền lợi đó vì đã bí mật làm giàu uranium. Giờ đây, họ không thể coi như chưa từng có gì xảy ra.
Điều gì sẽ xảy ra nếu cấm vận không hiệu quả?
Sẽ đến một lúc nào đó, Iran nắm vững công nghệ làm giàu uranium. Cựu thanh sát viên vũ khí LHQ Hans Blix cho biết quá trình đó sẽ kéo dài nhiều năm nhưng không sớm thì muộn cũng xảy ra.
Các nước phương Tây và Israel cho rằng không thể tin Iran. Theo họ, công nghệ làm giàu uranium cũng có thể dùng để phát triển vũ khí hạt nhân. Iran có thể phớt lờ hiệp ước NPT và chế tạo bom nguyên tử.
Đến lúc đó, biện pháp quân sự sẽ được cân nhắc. Tổng thống Mỹ George Bush luôn nói rằng Washington không cho phép Iran chế tạo bom và Israel cũng không muốn chờ đợi quá lâu để hành động.
Theo Hải Ninh
Vnexpress/BBC