1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Câu chuyện về “điệp viên tỷ đô” của CIA tại Nga - Kỳ cuối

Cái giá phải trả

Suốt vài tháng sau đó, những cuộc thảo luận căng thẳng đã diễn ra bên trong nội bộ CIA về cách tốt nhất để bảo vệ Tolkachev bởi CIA vẫn muốn duy trì các hoạt động của điệp viên giá trị này.

CIA đã thống nhất rằng các cuộc gặp trong tương lai sẽ bị hạn chế tối thiểu, có thể chỉ 2 lần/năm, đồng thời khuyên Tolkachev nên đặc biệt thận trọng trong các hoạt động thu thập tình báo của mình.

Tháng 4/1984, một lần nữa Tolkachev ra hiệu sẵn sàng gặp CIA. Tại cuộc gặp, Tolkachev đưa cho nhân viên CIA những cuộn phim, 39 trang ghi chú viết tay, 26 trang trong số đó chứa đựng những thông tin chi tiết. Tolkachev cũng bàn giao một số sơ đồ về hệ thống radar của Liên Xô.

Cái giá phải trả - 1

Tài liệu của CIA về Tolkachev.

Tại cuộc gặp này, tinh thần của Tolkachev có vẻ tốt. Tolkachev cho biết tất cả mọi hoạt động đã trở lại bình thường trong văn phòng của anh ta, không có các hành động điều tra bất thường của nhân viên an ninh như năm trước. Trong bản ghi chú gửi cho CIA, Tolkachev xin lỗi vì đã hành động thái quá khi hủy hết các thiết bị gián điệp, đồng thời có thể tiến hành hơn 2 cuộc gặp trong 1 năm đồng thời yêu cầu được cung cấp một số máy ảnh mini mới. Tolkachev cũng thông báo anh ta bị viêm dạ dày mãn tính và tình trạng sức khỏe ngày càng trở nên xấu đi. Nhưng viên sĩ quan CIA tiếp xúc với Tolkachev đánh giá rằng các hoạt động trong mạng lưới tình báo này đã "trở lại bình thường".

Đến tháng 1/1985, Tolkachev có thêm hai cuộc gặp với sĩ quan của CIA tại Moscow và tiếp tục cung cấp cho cơ quan tình báo Mỹ nhiều thông tin quan trọng. Đến đầu tháng 3/1985, CIA yêu cầu Tolkachev chụp ảnh các tài liệu về máy bay tiêm kích tiền tuyến của Liên Xô và hẹn gặp vào giữa tháng, nhưng không nhận được hồi âm từ Tolkachev. Vì lý do bảo mật, CIA đã quyết định không đưa ra tín hiệu cho một cuộc gặp đột xuất, mà phải chờ đến cuộc gặp theo lịch tiếp theo, dự kiến vào tháng 6/1985.

Ngày 5/6/1985, Tolkachev ra hiệu sẵn sàng cho cuộc gặp. Tuy nhiên, nhân viên CIA đã phải hủy bỏ khi phát hiện đang bị theo dõi gắt gao trước cuộc hẹn. Vào ngày 13/6 - mốc thời gian hẹn dự phòng, Tolkachev vẫn ra tín hiệu sẵn sàng, trong khi nhân viên CIA được cử đi gặp xác định rằng mình không bị KGB theo dõi. Khi tiếp cận điểm hẹn, nhân viên CIA này không thấy có điều gì bất thường, nhưng vào thời gian hẹn chính xác, anh này bất ngờ khi thấy hơn một chục nhân viên KGB xuất hiện sau các bụi cây gần đó. Điệp viên CIA nhanh chóng bị tống vào một chiếc xe ô tô và đưa thẳng đến nhà tù Lubyanka nhưng trước đó, anh này nhanh chóng quan sát thấy Tolkachev không có mặt tại điểm hẹn và sau đó cũng không thấy xuất hiện tại nhà tù trên.

Cái giá phải trả - 2

Tolkachev bị bắt.

Tại Lubyanka, nhân viên CIA trên đã bị buộc tội làm gián điệp cùng một số tang vật thu được khi anh này mang theo, dự kiến sẽ đưa cho Tolkachev. Sau khi không khai thác được gì, KGB cuối cùng đã thông báo cho Đại sứ quán Mỹ về trường hợp bắt giữ này. Đến trưa này hôm sau thì nhân viên CIA được phóng thích.

Việc bắt giữ nhân viên CIA được công bố rộng rãi tại Moscow ngay sau đó, nhưng không có một báo cáo nào về Tolkachev. Theo quy định, nhân viên CIA bị bắt giữ cùng gia đình anh ta sẽ bị trục xuất vài tuần sau đó. Nhưng mãi đến tháng 9/1985 mới có thông báo rằng Tolkachev đã "bị bắt vào tháng 6" do đồng lõa trong hoạt động gián điệp này.

Theo một báo cáo công khai, Edward Lee Howard, một cựu sĩ quan CIA bất mãn, bị nghi ngờ là đã thỏa hiệp với KGB về vụ Tolkachev. Howard đã biết về hoạt động của Tolkachev vào đầu năm 1983 như một phần công tác chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ ở Moscow vào mùa hè năm đó. Hồ sơ “sạch” của Howard khiến cho anh ta trở thành một ứng cử viên tốt để xử lý các hoạt động của Tolkachev tại Moscow.

Tuy nhiên, Howard đã gặp vấn đề trong quá trình kiểm tra an ninh định kỳ vào đầu năm 1983, trước khi khởi hành theo kế hoạch tới Moscow. Anh ta được báo cáo là đã có một số hành vi không phù hợp và thiếu trung thực. Dựa vào đó, CIA đã quyết định chấm dứt công việc của Howard, vốn được triển khai từ tháng 4/1983.

Bị sa thải, Howard bắt đầu uống rất nhiều rượu và đã gọi điện thoại đến Moscow vào mùa hè năm 1983 hơn một lần yêu cầu nói chuyện với trưởng trạm CIA tại đó. Rõ ràng đó là các cuộc gọi quấy rối.

Theo các bài viết được đăng tải trên báo chí Mỹ, nhân viên an ninh đào ngũ của Liên Xô Vitaliy Yurchenko tiết lộ với các quan chức Mỹ rằng một cựu quan chức CIA (được xác định là Howard) đã liên lạc với KGB tại Áo vào tháng 9/1984 và cung cấp thông đến hoạt động của CIA. Theo nguồn tin này, Howard đã đến châu Âu một lần nữa vào tháng 4/1985 và gặp gỡ với các nhân viên KGB ở Vienna, nơi anh ta cung cấp thêm các thông tin về những hoạt động bí mật của CIA tại Moscow.

Ngày 25/9/1986, hãng thông tấn TASS tuyên bố: Tolkachev bị xử án vì tội phản quốc, bị bác đơn xin tha tội và đã bị xử tử hình ngày 24/9/1986. TASS không cho biết Tolkachev bị xử tử thế nào, chỉ nêu Tolkachev “hành động vì ích kỷ và có thái độ thù địch với nhà nước Liên Xô”.

Tóm lại, Adolf Tolkachev là một điệp viên thành công và có giá trị nhất của Mỹ ở Liên Xô trong hai thập kỷ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những tài liệu và bản vẽ mà anh ta cung cấp đã vén bức màn bí mật về những năm tháng nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí và radar của Liên Xô. Không quân Mỹ ước tính rằng tin tức mà Tolkachev cung cấp cho CIA đã giúp Mỹ tiết kiệm 2 tỷ USD trong nghiên cứu và phát triển vũ khí. Mặc dù Tolkachev là một trong những điệp viên hiệu quả nhất của CIA trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng rất ít người biết về hoạt động gián điệp này.

Theo Công Thuận

baotintuc.vn

Cái giá phải trả - 3